Multimedia Đọc Báo in

Giấc mơ về những ngôi sao

15:09, 31/12/2011

Tôi vẫn nhớ như in buổi gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức, báo giới đầu xuân Canh Dần, nữ sĩ Hướng Dương đi xa lâu mới về, thảng thốt khi thấy NSƯT Y Moan mái tóc đã nhuốm màu muối tiêu. Chứ sao nữa. Ngày thống nhất đất nước, chú bé Y Moan Ênuôl vừa tròn 16 tuổi, thân hình dong dỏng gầy guộc, được nhạc sĩ Ama Nô, nguyên Trưởng đoàn văn  công Dak Lak thời kỳ chống Mỹ, tuyển vào làm diễn viên múa cùng với một loạt thanh niên nam nữ Êđê khác. Lúc nào phải “ câu giờ” cho diễn viên múa kịp thay trang phục,  Y Moan lại được đẩy ra sân khấu hát, bao giờ cũng chỉ là mỗi một bài: “ Ayong, amai adơi ơi” ( nghĩa là “Anh chị em ơi” của nhạc sĩ Kpă Púi).

Cho đến mùa hè “ định mệnh” 1976, trong đợt thực tập giảng dạy tốt nghiệp đại học môn thanh nhạc, tôi phát hiện ra cậu ta có một chất giọng nam cao khá lạ nên năn nỉ với nhạc sĩ Ama Nô để cậu cũng được theo học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, cùng với một số các ca sĩ chính của đoàn Dak Lak lúc bấy giờ . Y Moan chính thức đứng trong đội hình đơn ca của Đoàn ca múa Dak Lak ngay từ sau mùa hè ấy. May mắn cho người nghệ sĩ  là tuổi thơ của anh thấm đẫm âm nhạc cồng chiêng trong những “mùa ăn năm uống tháng” chưa kịp phôi pha, để Yang ban tặng cho  một năng khiếu âm nhạc tuyệt vời và một giọng ca như bạn bè vẫn gọi đùa là  “thép không gỉ”. Từ những câu hát đầu tiên, cho đến ngày ra đi về “đất nước ông bà”,  giọng hát Moan vẫn tỏa sáng trên sàn diễn.

Các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên ở Tây Nguyên có các nhạc sĩ Kpă Púi, Y Yơn, Nay Pha,  hay NSND Y Brơm, các ca sĩ H’Bênh, Kim Nhớ… Thế hệ thứ hai có NSND Đinh Xuân La, NSƯT Măng Thị Hội, NSƯT Đinh Long Ta, các nhạc sĩ Kpă Y Lăng, Linh Nga Niê Kdăm… hay thế hệ thứ ba: K’Ra Zan Đích, K’Ra Zan Plin, Y Phôn Ksor, NSND Y Moan, Y San Aleo, Siu Black… chỉ là một trong rất nhiều những nghệ sĩ người dân tộc bản địa Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên ngay chính trong chiếc võng đưa êm của rừng, suối trong không gian văn hóa cồng chiêng, có năng khiếu nghệ thuật nổi trội, thành những bông hoa đẹp tô điểm cho hương sắc của nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên. Họ đã từng và vẫn đang là những ngôi sao sáng lung linh trên bầu trời nghệ thuật của miền đất bazan.

Nhưng thời gian không bỏ quên ai. Mái tóc muối nhiều hơn tiêu của Moan ngày ấy làm bạn tôi sững sờ là một minh chứng. Vậy ai sẽ là người kế tiếp những ngôi sao lúc nào cũng làm say mê tâm hồn người yêu nghệ thuật Tây Nguyên?

Chợt nhớ, đêm bế mạc Tuần lễ Văn hóa Du lịch Buôn Ma Thuột 2009, tỉnh Dak Lak đã làm một nghĩa cử đẹp khi nhất trí với Tổng đạo diễn Nguyễn Cường và tác giả kịch bản là tôi về một chương trình tôn vinh các tác giả âm nhạc Tây Nguyên, thông qua các ca sĩ trẻ thế hệ 8X, người các dân tộc thiểu số bản địa. Những bài hát sáng tác của các nhạc sĩ người dân tộc K’Ho : K’ Ra Zan Đích, K’Ra Zan Plin, những ca khúc của cố nhạc sĩ người dân tộc Jrai Kpă Púi; bài hát Êđê của Linh Nga Niê Kdăm, Y Phôn Ksor; bài hát Bana của A Đuh dường như cháy bỏng hơn, đằm thắm hơn qua sự trình bày của các giọng hát người dân tộc Tây Nguyên. Các ca sĩ dường như cũng cháy hết mình trong một đêm nghệ thuật đặc biệt như thế.

Hầu hết các ca sĩ thế hệ 9X đều may mắn được đào tạo có bài bản tại các Nhạc viện, Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, các trường nghệ thuật địa phương, để bước tiếp theo chân các “ liền anh, liền chị”, đem âm điệu dân ca Tây Nguyên không chỉ trữ tình, mát ngọt mà còn cả bỏng cháy những khát khao vươn tới và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Có thể tự hào mà kể đến những nghệ sĩ trẻ người dân tộc Bana như nữ ca sĩ Y Nguých, Đinh Xuân Đề (Kon Tum), Mỹ Như… đã từng có mặt trong những đêm chung kết Tiếng hát truyền hình giải Sao Mai toàn quốc; Phi Ưng, Huang Thuyên (Gia Lai) được khán giả yêu mến hằng đêm trên màn ảnh nhỏ; và Boner Trinh, H’ Zi Na giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi “ Ngôi sao tiếng hát truyền hình” thành phố Hồ Chí Minh 2003, 2010; các ca sĩ người K’Ho như Rô Za Mik, Ka Ra Zan Út ; người Êđê như Y Zoen,  anh em nhà Y Vol, Y Ga Ria của chương trình Bài hát Việt, Y Moan H’Mok (Êđê), Plong Thiết ( Pa Cô), mà tên tuổi không mấy xa lạ với khán giả màn ảnh nhỏ cả nước.

Ca sĩ H'Zi Na tại Giải Sao Mai Dak Lak 2009.
Ca sĩ H'Zi Na tại Giải Sao Mai Dak Lak 2009.
Cho dù hiếm hoi thì đến nay cũng đã có ba ca sĩ Tây Nguyên tốt nghiệp đại học thanh nhạc : Y Ga Ria ( Êđê), Ha Long Ha Ghim, K’Ra Zan Nu ( K’Ho), và H’ Zi Na đang năm thứ nhất đại học thanh nhạc Nhạc viện Hồ Chí Minh. Còn hàng loạt các em khác đã tốt nghiệp các khóa đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, đang âm thầm lao động nghệ thuật tại các đoàn ca múa dân tộc, các Đội tuyên truyền văn nghệ của lực lượng vũ trang khắp miền Trung và Tây Nguyên. Nếu có cơ hội, chắc chắn các em cũng trở thành những ngôi sao ca nhạc… như ước mơ và niềm tự hào của buôn làng.

Còn tôi, người đưa đò trên dòng sông nghệ thuật Tây Nguyên suốt hơn 40 năm qua, vẫn luôn mơ về những ngôi sao, mai này lung linh tỏa sáng trên bầu trời cao nguyên.

 

H’Linh Nga Niê Kđăm

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.