Multimedia Đọc Báo in

Lăng kính Điện ảnh Việt Nam trong năm 2010

17:19, 30/12/2011

Điện ảnh Việt Nam một năm nhìn lại cùng bao sự kiện đáng nhớ, trong đó ấn tượng nhất vẫn là sức hấp dẫn, tiếng vang của một số bộ phim làm khán giả nặng lòng hơn với điện ảnh nước nhà, những rạp chiếu phim lại được hâm nóng bằng chính những sản phẩm “cây nhà lá vườn”…

Lăng kính đa màu cùng sự quan tâm của khán giả
Một câu chuyện không có gì mới, một chàng trai nghèo yêu một cô gái thượng lưu, nhưng điều mà Để mai tính gây ấn tượng với khán giả chính là kịch bản phim được xây dựng rất hoàn hảo, những lời thoại trong phim được trau chuốt và súc tích đã mang lại những tiếng cười không ngớt cho người xem. Đây là thành công được ghi nhận của biên kịch Vincent Ngô. Ngoài ra, Để mai tính còn ấn tượng với khán giả nhờ bài hát: Lặng thầm một tình yêu, với chất giọng khá đặc biệt Thanh Bùi và Hồ Ngọc Hà, một giai điệu chứa chan tình cảm lãng mạn về đôi lứa đang yêu, phù hợp với nội dung phim và gây cơn sốt khi nhiều bạn trẻ cũng nhờ bài hát đó mà kéo đến rạp.

Tiếp sau là Cánh đồng bất tận, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đã liên tiếp gây cơn sốt vé cho khán giả trong những ngày ra rạp. Được chiếu ở Dak Lak khá trễ, vào trung tuần tháng 11, cũng như Để mai tính, Cánh đồng bất tận được khán giả xứ sở cà phê này chào đón, thành công ngoài mong đợi. Một lượng lớn khán giả đến xem rạp. Những ngày trình chiếu bộ phim này, khán phòng của Rạp Chiếu bóng Hưng Đạo và phòng chiếu phim Trung tâm thương mai Intimex, hôm nào cũng kín ghế ngồi. Những cảnh quay đẹp, góc nhìn tốt và một tác phẩm văn học gây cơn sốt chính là những yếu tố làm nên sức nặng của bộ phim này.

Bi ơi! Đừng sợ, là bộ phim truyện của một đạo diễn kiêm biên kịch Việt Nam, Phan Đăng Di, khi tham dự và được chọn vào một trong những chương trình chính thức của Liên hoan phim Cannes lần thứ 63. Tác giả không tham gia tranh giải Cành Cọ vàng, nhưng điều đó không hề làm giảm đi giá trị của bộ phim. Thật đáng tự hào khi bộ phim này mang về cho điện ảnh Việt Nam giải thưởng Kịch bản hay nhất tại Cannes 63 và giành giải ACID/CCAS, một giải thưởng do Hiệp hội các nhà làm phim độc lập trao tặng. Sự thành công bước đầu của Bi ơi! Đừng sợ cho thấy, tiềm lực chưa được khai thác của dòng phim độc lập còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng này ở Việt Nam.

Đánh dấu cho sự kiện lớn nhất mà điện ảnh Việt Nam thực hiện trong năm qua đó là, tổ chức sự kiện Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần I, do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Công ty BHD Việt Nam, tại Hà Nội phối hợp thực hiện. Nếu nói sự kiện này ghi nhận sự trưởng thành của điện ảnh Việt Nam thì cũng chưa hẳn, vì chúng ta đã tổ chức một liên hoan phim Quốc tế hơi trễ so với các nước trong khu vực và 2 bộ phim Việt Nam tham dự Liên hoan cũng không được đánh giá cao, do quá chú trọng vào đề tài mà quên khai thác số phận con người, trừ Giải nữ diễn viên xuất sắc nhất: Nhật Kim Anh (vai cô Cầm trong Long Thành cầm giả ca), tuy nhiên cô lại đồng nhận cùng nữ diễn viên Hồng Kông, Tiết Khải Kỳ. Tuy còn nhiều hạt sạn và cần thêm kinh nghiệm tổ chức nhưng VNIFF cũng đã mang tới cho công chúng yêu điện ảnh một niềm hy vọng trong tương lai không xa, điện ảnh Việt Nam lại thu hút thêm nhiều khán giả tới rạp và cũng là tiền đề để phim Việt Nam tiến ra hệ thống phát hành trong và ngoài nước.    

Phim Cánh đồng bất tận được công chiếu tại rạp Hưng Đạo, TP. Buôn Ma Thuột, luôn thu hút khán giả tới xem.
Phim Cánh đồng bất tận được công chiếu tại rạp Hưng Đạo, TP. Buôn Ma Thuột, luôn thu hút khán giả tới xem.

Kỳ vọng thêm nhiều góc nhìn cho năm 2011
Trừ những bộ phim sẽ được công chiếu trong dịp Tết sắp tới như: Saigon Yo!; Cô dâu đại chiến; Thiên sứ 99… cùng chung một “công thức”:  vui là chính cộng với “mẫu số”: lựa chọn diễn viên theo tiêu chí: hot boy, hot girl, ca sĩ trẻ… nhưng theo nhà sản xuất, mỗi phim cũng có những điểm ưu biệt, chắc chắn hút khán giả dịp Tết. Tuy số lượng thông tin cũng như hình thức quảng cáo cho những bộ phim trên vào thời điểm hiện nay là khá ít nhưng sự quan tâm của khán giả tới phim Việt Nam không vì thế mà giảm sút.
Đầu bảng cho sự thu hút khán giả, tất nhiên là Bóng ma học đường, bởi đây là phim 3D đầu tiên của điện ảnh nước ta. Với nội dung đề cập tới một số vấn đề khá nhạy cảm của giới trẻ hiện nay, dưới một góc nhìn vừa mang tính trách nhiệm, vừa hài hước, bộ phim Bóng  ma học đường hứa hẹn nhiều màn tạo cảm giá hồi hộp cho người  xem…

Sau những bộ phim được đánh giá cao về nghệ thuật cũng như gây nhiều tranh cãi như Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, năm 2011 tới, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lao mình vào làm bộ phim kinh dị đầu tay: Rh108, đây cũng là một trong những bộ phim hiếm hoi trong thể loại này ở Việt Nam. Việc ít phim kinh dị ở Việt Nam, là một thuận lợi để đưa bộ phim này ra rạp và kéo khán giả nhưng thời điểm phát hành vẫn chưa được công bố.

Có cái tên dài dằng dặc, với sự xuất hiện của tất cả những nhân vật chính: Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, là một bộ phim đã gây tò mò cho không ít người hâm mộ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, khi anh bước vào làm phim về đề tài đồng tính và nguy cơ bùng phát trong tương lai: nghề mại dâm đồng tính nam bên cạnh nghề mại dâm nữ. Bộ phim này muốn miêu tả chân thực đời sống nghề nghiệp cũng như thế giới nội tâm của những người hành nghề mại dâm, cả nam lẫn nữ. Đây được xem là một bước đi mới của đạo diễn “trọc” Vũ Ngọc Đãng trên thị trường phim Việt Nam.

Và sẽ còn nhiều phim được tung ra trong năm 2011, như: Ngọc Viễn Đông của đạo diễn Cường Ngô… Hy vọng rằng trong năm tới, điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục cho ra lò kéo khán giả tới rạp như trong năm 2010.

 

Gia Thịnh

 


Ý kiến bạn đọc