Multimedia Đọc Báo in

Xem - cảm nhận phim “Cánh đồng bất tận”

Những “cánh đồng số phận” và bi kịch của lòng thù hận

19:37, 10/12/2010

Hai cánh đồng dài gần như vô tận, miên man trong những thước phim đẹp, có thể xem là hình ảnh tượng trưng cho số phận của 3 người phụ nữ trong bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “Cánh đồng bất tận”.

Cánh đồng đầu tiên chính là bi kịch của Sương (Hải Yến), thân làm gái từ miền Bắc dạt vào Sài thành, sau lại trôi vào miền Tây Nam Bộ và lênh đênh sông nước cùng 3 cha con ông Võ (Dustin Nguyễn). Cũng chính từ đây cô cảm nhận ở ông Võ ngoài gương mặt đàn ông, nam tính là trái tim bị tổn thương và một sự chối bỏ tình thương vì lòng thù hận che mất. Từ đó cô dành tình cảm của mình cho ông và 2 đứa con ông đang trong tuổi trưởng thành. Có thể nói, chính trường đoạn cô chăm sóc Điền, Nương, ông Võ chính là trường đoạn yên bình nhất của bộ phim. Tưởng chừng như khi ấy cô đã có một gia đình thực thụ: cùng cô con gái đi mua đồ, dạy cho Nương những điều cần biết về một người phụ nữ, băn khoăn về tâm lý ở tuổi mới lớn của Điền, nấu cơm cho chồng và con... Để rồi sau cái đêm định mệnh ấy, cô nhận ra cảm xúc của Võ khi lúng túng, ngại ngùng không ăn hết bữa cơm nhưng cố tỏ vẻ cứng rắn mà quăng ra đống tiền và nghẹn ngào câu “Ba mấy cưng sộp quá”. Bản lĩnh đàn bà là thế đấy, vui mà buồn, buồn mà vui, khóc mà cười, cười mà khóc; biết rằng người ta có tình cảm mà vẫn tệ bạc với mình, hiểu nhau hết đấy mà vẫn thể hiện gai góc như thế. Nhưng sức chịu đựng của con người bao giờ cũng có giới hạn, Sương đã trải lòng vậy mà điều cô nhận được chỉ là sự khô cằn tới mức gần như tàn khốc của thù hận và sự ghen tuông. Và rồi cô bỏ đi trong một buổi chiều trên một cánh đồng dài xa xa, là một “bức tường chắn” cũng như số phận đang đi vào ngõ cụt của cô, tất cả những gì mà cô để lại chính là câu nói “Mẹ mấy cưng ác một nhưng ba mấy cưng ác mười” đã xóa tan gần hết lòng thù hận của ông Võ.

Cánh đồng lúc kết thúc phim (Ảnh: Internet)
Cánh đồng lúc kết thúc phim (Ảnh: Internet)

Bi kịch nhưng vẫn toát lên niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn, chính là số phận của Nương (Lan Ngọc), một cô bé lớn lên trong nỗi ám ảnh của việc chứng kiến “chuyện bậy” của má và sự thù hận của ba với phụ nữ. Hình ảnh đáng nhớ nhất về Nương chính là lúc cô ngồi một mình nghịch với bóng hình của mình in trên mặt nước, trong trẻo và lung linh như những giọt nước. Có thể tạm coi Nương là nhân vật chính duy nhất trong tiến trình của bộ phim, khi em đã lênh đênh số phận cùng ba, lo âu và chỉ biết dựa vào đôi vai chưa đủ lớn của em trai, xót lòng khi chia tay người mẹ Sương trên cánh đồng không lối thoát. Chính số phận cay nghiệt cùng tình cảm của con gái dành cho ba đã thức tỉnh toàn bộ tình thương trong con người Võ, khi ông chứng kiến cảnh con gái mình bị làm nhục ngay lúc ông trao chiếc nhẫn hồi môn. Kết phim, khi cánh đồng thứ hai xuất hiện ta thấy rất rõ ý đồ của đạo diễn khi quay một cánh đồng xanh ngát và một đường chân trời gần như vô tận chứ không bị chắn ngang như cánh đồng của Sương. Lúc này ý chính của bộ phim đã toát lên rõ ràng “trẻ con đôi khi cũng cần tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Cuối cùng là cánh đồng không xuất hiện trong phim: bi kịch của Út, vợ ông Võ, một hình ảnh điển hình của phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Có thể nói, Tăng Thanh Hà đã thành công khi hóa thân vào vai diễn của người phụ nữ với một vẻ đẹp mặn mà, thế nhưng chính vì sắc đẹp đó mà cô lại bị số phận nghiệt ngã khi người chồng đi làm ăn biền biệt, ở nhà thiếu ăn, một thương gia ba Tàu giàu có tán tỉnh và cô đành phải bỏ lại 2 đứa con khi đắng lòng nghe câu “Chắc tại nó nhìn thấy chuyện bậy đó, má. Trưa nay, nó ngủ kẹt bồ lúa”. Cũng chính sự ra đi của cô đã kéo theo một loạt những bi kịch cho những số phận về sau, đây cũng được xem là nút thắt của bộ phim nhưng điều đáng tiếc là vẫn chưa có lời giải cho nút thắt này.

Điểm nổi bật của “Cánh đồng bất tận”, chính là hình ảnh rất đẹp trong phim, toàn bộ khung cảnh, cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ được chuyển tải qua những thước phim như những tấm hình chụp bằng một máy ảnh có độ phân giải cao cùng những góc ảnh rất tinh tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh thực thụ. Nhà quay phim đã thể hiện tài năng khi chọn và sử dụng chiều sâu ảnh trường khá hoàn hảo, đây cũng là một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam với người nước ngoài khi bộ phim được mang ra thị trường quốc tế. Điều đáng tiếc duy nhất khi xem bộ phim này là ở chỗ bộ phim chưa xây dựng được một nhân vật chính đúng nghĩa. Toàn bộ nội dung, trường đoạn, phân cảnh, diễn biến tâm lý, số phận nhân vật đều dàn trải qua quá nhiều tuyến, chưa có sự logic, hợp lý hoàn toàn, đã khiến bộ phim bị loãng đi rất nhiều. Tiếp đó, là một kết thúc còn quá nhiều câu hỏi về số phận của nhân vật trong phim: Út Võ bỏ đi, Sương gần như chìm vào không gian bất tận của cánh đồng lúa vàng, Điền đã giết người và biến mất không một vết tích… Có lẽ những điều chưa được sáng tỏ ấy, sẽ được nhà sản xuất tiếp tục làm phần 2 của bộ phim với mong muốn giải đáp thắc mắc của khán giả về những số phận của những nhân vật trên chăng? Biết đâu chừng đấy… vì nói cho cùng mỗi tác phẩm đều hướng về một mục đích duy nhất: tính nhân văn.

Gia Thịnh

 


Ý kiến bạn đọc