Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên:
Những người yêu cồng chiêng ở Dang Kang
Nhờ sự hướng dẫn của các nghệ nhân cao tuổi nên các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đã biết đánh những điệu chiêng cơ bản, lưu giữ và diễn tấu được nhiều bài chiêng hay, đặc sắc của dân tộc Êđê.
Trước tình yêu với chiêng và nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhiều người trong xã Dang Kang đã tập hợp nhau lại, thành lập CLB cồng chiêng Dang Kang. Không chỉ tập đánh nhuần nhuyễn các bài chiêng truyền thống, khôi phục lại nhiều bài chiêng bị thất lạc, mà họ còn được các nghệ nhân cao tuổi trong làng dạy cách chế tác nhạc cụ dân tộc. Anh Châu Văn Thạnh, chủ nhiệm CLB cho biết, cồng chiêng là một nét văn hóa độc đáo cần gìn giữ, phát huy như một vốn quý của dân tộc. Những người tâm huyết với cồng chiêng trong xã đã tập hợp lập nên CLB này, sinh hoạt đều đặn hằng tháng dưới mái nhà sinh hoạt cộng đồng, cùng nhau luyện tập, đánh chiêng, hát xoang… Có những người đã từng “sờ tay” đến cái cồng, cái chiêng, cũng có nhiều người chưa từng đánh chiêng cũng đăng ký tham gia vào CLB để học cho bằng anh, bằng em… Cứ như thế, người có kinh nghiệm hướng dẫn cho người chưa biết, người đi trước tập cho người đi sau, CLB ngày càng thu hút đông đảo thanh thiếu niên trong làng tham gia. Từ 26 thành viên ban đầu (đầu năm 2009), đến nay, CLB đã có hơn 50 người. Ngoài sinh hoạt, luyện tập đánh cồng chiêng, xã còn duy trì 2 đội múa xoang gồm 16 người để biểu diễn cùng đội cồng chiêng.
Đội cồng chiêng và múa xoang (CLB cồng chiêng xã Dang Kang) đang biểu diễn tiết mục múa Ayray. |
Từ tình yêu và nỗ lực bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, các hội viên của CLB miệt mài tìm kiếm những điệu chiêng cổ để cùng nhau luyện tập. Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, có hội viên còn sáng tác, dựa trên khuôn mẫu điệu chiêng cổ để sáng tạo lời mới nhằm ca ngợi cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bài “Mừng Đảng , mừng Xuân”. Mỗi khi làng có việc là tiếng chiêng lại vang lên với một đội chiêng không kém phần chuyên nghiệp, đánh thành thạo các bài chiêng truyền thống và đội múa xoang nhuần nhuyễn… Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức giao lưu văn nghệ, cồng chiêng với các xã lân cận như: Hòa Sơn, Yang Mao, Hòa Phong…
Các thành viên CLB đã làm cho đời sống tinh thần ở xã Dang Kang nhộn nhịp hẳn lên. Nhìn lớp trẻ say mê luyện tập, hễ khi nào cần là có mặt, tập hợp đông đủ, cùng nhau cất cao điệu chiêng, ngân vang tiếng hát cả một góc làng, làm nhiều người già như Y Long, Y Nam thấy mừng vui và an lòng, không còn nỗi lo mất đi những điệu chiêng cổ truyền. Đó không chỉ là việc giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn là sân chơi để tập hợp thanh thiếu niên, tránh xa các tệ nạn xã hội. Từ khi có CLB, buôn làng đông vui hẳn lên, phong trào văn hóa - văn nghệ được đẩy mạnh, các thành viên trong CLB cồng chiêng xã Dang Kang đã góp phần làm tươi mới, sinh động cho loại hình sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình. Và trên hết, đã góp phần tạo ra một “không gian sống” thật sự cho cồng chiêng trên đất mẹ…
Ý kiến bạn đọc