Multimedia Đọc Báo in

Người “thổi hồn” cho tre, nứa

16:22, 16/01/2011

Từng tham gia tại các Liên hoan cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc và đoạt nhiều giải thưởng cao, già Y Long Êban (buôn Cư Ênul A, xã Dang Kang, huyện Krông Bông) có những bí quyết tạo được âm thanh đặc sắc của núi rừng.

Già Y Long đang dạy cho thanh niên trong làng cách chế tác cây đàn Prố.
Già Y Long đang dạy cho thanh niên trong làng cách chế tác cây đàn Prố.

Ở Krông Bông bây giờ, những người biết sử dụng thành thạo và giỏi chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo như Y Long không nhiều. Già là một trong số những người hiếm hoi biết chế tác ra những loại nhạc cụ độc đáo cho nhiều âm thanh kỳ lạ.

Trong nhà Y Long có đến vài chục nhạc cụ dân tộc, già cũng không nhớ mình đã làm ra được bao nhiêu cây đàn, cây sáo nữa, chỉ biết rằng ở cái làng, cái xã này, mỗi khi có lễ hội, tết… đều nhờ đến bàn tay khéo léo của già để góp cho điệu xoang, bài Ayray thêm nhịp. Với ông, nhạc khúc dân tộc cũng quan trọng như cơm, như áo vậy… Hầu hết nhạc cụ do ông làm ra không phải để bán, mà dùng trong các dịp lễ hội của địa phương và tập cho con cháu, thanh niên trong buôn mỗi khi rảnh rỗi. Những thanh tre, nứa, ống lồ ô hay quả bầu khô… lại có sức hút mê hồn với ông. Hình như có từ trong máu, ngay từ nhỏ, ông đã mê đến lạ và theo chân cha đi vào tận rừng sâu tìm những thanh tre, nứa có chất liệu tốt để về tạo ra những cây đàn có âm thanh vui nhộn. Lớn lên, ông được cha truyền dạy chơi thành thạo và chế tác được hầu hết các loại nhạc cụ của người Êđê. Từ một ống tre, quả bầu khô, mấy cái gai của cây Na Blang, ít sáp ong…  qua bàn tay khéo léo của ông đã trở thành chiếc đàn Prố cất ra những âm thanh đặc sắc, thú vị; hay cây sáo Đing Tak tar, một loại nhạc cụ chế bằng trúc và vỏ bầu khô… Già nói, làm ra được một loại nhạc cụ không khó, chỉ cần để ý, học thêm một ít kỹ năng cơ bản về chỉnh độ cao thấp, song điều quan trọng là phải thật sự say mê và để tâm vào đó. Nếu không chỉ có thể làm ra những cây đàn, cây sáo khô khan, thổi lên thấy vô hồn. Người chế tác là phải “thổi hồn” cho nó… bởi theo ông, mỗi thứ đều có “linh hồn”, nếu nhập tâm vào nó sẽ cho ra nhiều nhạc cụ có âm thanh đặc sắc. Thông thường, để làm một loại nhạc cụ đơn giản như cây đàn Prố cũng phải mất ít nhất 3 ngày. Đầu tiên là chọn được ống tre thật tốt, mang về nhà phơi một nắng, sau đó tiến hành làm các phần chi tiết như thùng đàn (làm bằng quả bầu khô), thân đàn và lên các nốt nhạc. Một cây đàn Prố có 5 nốt nhạc, được làm từ gai của cây Na Blang, dùng sáp ong để đính vào với phần thân. Sau đó lên dây đàn, đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân phải đính nốt, lên dây sao cho âm thanh phát ra được trong, có độ cao thấp nhất định và vang xa… Được già Y Long thổi đàn Prố do chính già chế tác cho nghe, ta tưởng như có gió của đại ngàn, có tiếng suối róc rách chảy về từ nguồn, tiếng gọi bạn của muôn thú…

Mặc dù làn sóng âm nhạc hiện đại đang dồn dập đổ vào đời sống buôn làng, nhưng ông vẫn vui vì có nhiều người mê theo từng nhạc khí do ông làm ra. Trong số đó, có không ít là thanh thiếu niên tham gia học tập. Già tận tâm, say sưa truyền lại những điều mình biết cho giới trẻ, dạy con cháu cách sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Tuổi ngoài sáu mươi, mái tóc giờ đã bạc phơ, trên ván nhà sàn, già vẫn ngồi tỉ mỉ vót từng thanh tre, tụi con cháu trong làng say sưa nhìn theo… Già Y Long được ví như người thắp lửa đam mê và dìu dắt lớp lớp thanh niên chế tác, gắn bó với âm nhạc dân tộc, để những giá trị văn hóa của cha ông không bị thất truyền.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc