Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể của con trai “Vua săn voi” Ama Kông

10:08, 09/02/2011

Nhiều người đã nghe danh “Vua săn voi” Ama Kông bởi ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả trên thế giới với biệt tài săn gần 300 con voi rừng. Nhưng chắc hẳn ít ai biết được người con trai đầu của ông cũng là một thợ săn voi rừng thuần thục. Đó chính là Y Kông Knul ở buôn B1 (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp), người con duy nhất kế được nghiệp săn voi của Ama Kông.

Y Kông Knul diễn tả lại cách cột dây thành vòng số 8 dùng để săn bắt voi.
Y Kông Knul diễn tả lại cách cột dây thành vòng số 8 dùng để săn bắt voi.

Săn voi phải kiêng… ngủ với vợ
Y Kông Knul năm nay đã bước sang tuổi 72 nhưng dáng người còn khá săn chắc, đôi mắt vẫn tinh nhanh, giọng nói sang sảng. Khi biết tôi muốn nghe kể về chuyện săn voi, Y Kông mỉm cười, chỉ lên tờ giấy chứng nhận thợ săn 37 con voi rừng treo trang trọng ở nơi đẹp nhất ngôi nhà sàn và tự hào nói: “Trong nhà chỉ có mỗi ông là kế được nghiệp săn voi rừng của bố Ama Kông thôi”. Tuy nghề săn voi rừng đã bị cấm từ lâu nhưng những cuộc săn voi kỳ thú ở những cánh rừng Ea Súp vẫn còn nguyên trong ký ức của Y Kông.

Tròn 3 tuổi, mẹ mất, hai anh em Y Kông ở với ông bà nội. Tuy không được sống với bố nhưng càng lớn, Y Kông càng được nghe kể nhiều về những chiến công và danh tiếng lẫy lừng của “Vua săn voi”. Và không biết từ lúc nào, niềm đam mê săn voi rừng đã ăn sâu vào suy nghĩ của cậu. Bước sang tuổi 12, Y Kông nài nỉ bố cho gia nhập đội săn voi. Thấy con quyết tâm quá, Ama Kông đồng ý cho đi theo nhưng chỉ được làm thợ phụ, ngồi sau lưng voi nhà và lo chuyện cơm nước. Theo lời Y Kông kể, nhà nào có người đi săn voi phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống dưới đất nhằm báo hiệu cho những ai đang có việc kiêng cữ như sinh đẻ, ma chay không được vào để tránh xui xẻo. Trước khi đi săn voi, thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, kiêng ngủ với vợ, không được tắm bằng xà bông thơm. Nếu ai vi phạm điều cấm kỵ sẽ không săn được voi rừng và còn bị Yàng phạt, hành cho đến chết. Lúc xuất phát, đội săn phải tổ chức nghi lễ cúng báo với tổ tiên bằng một con heo hoặc một con gà và một ché rượu cần để cầu xin Yàng phù hộ gặp nhiều may mắn. Vì là thợ phụ nên theo quy định, Y Kông chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, màu đen; ngủ phải nằm thẳng, không được co chân... Một chuyến đi săn voi có khi kéo dài cả vài tháng nên ban ngày họ cứ bám theo dấu vết của đàn voi mà đi, đêm đến ngủ lại trong rừng. Mỗi con voi nhà đi chở hai thợ săn, một chính, một phụ. Thợ chính (Gru) ngồi trước điều khiển voi, thợ phụ (R’măk) ngồi sau để thúc voi chạy nhanh hơn. Khi gặp voi rừng, Gru điều khiển voi nhà rượt đuổi, bao vây, rồi tung cây sào dài khoảng 3-4m, đầu có thòng lọng được bện bằng da trâu vào chân sau của voi, cột vào gốc cây to cho voi rừng thỏa sức vật lộn đến khi thấm mệt thì dẫn về buôn thuần hóa… Cứ thế, lăn lộn cực khổ với đội săn của Ama Kông cho đến năm 17 tuổi, Y Kông được lên thợ chính và tự tay mình bắt được con voi rừng to, cao đến 1,8m. Và khi bắt được 5 con voi rừng, Y Kông không phải đóng khố nữa mà được mặc quần áo, được che mưa, ăn cá trắng… Những năm sau đó, Y Kông được đội mũ, ăn thịt ếch, các loại cá, trứng, nội tạng của động vật… vì số voi rừng ông săn được tăng lên 10, 15 rồi 30 con. Đến khi tuổi của Y Kông đi qua 59 mùa rẫy, số voi săn được lên đến 37 con thì “giải nghệ” vì năm 2003, Nhà nước đã nghiêm cấm săn bắt voi rừng…

Y Kông Knul (bìa phải) đang say sưa kể lại những cuộc săn voi kỳ thú ở những cánh rừng Ea Súp.
Y Kông Knul (bìa phải) đang say sưa kể lại những cuộc săn voi kỳ thú ở những cánh rừng Ea Súp.

Và những trăn trở
Khi đang còn là một thợ săn voi rừng thuần thục, Y Kông đã truyền nghề và huấn luyện được 5 người khác biết săn bắt, thuần phục, huấn luyện và chữa bệnh cho voi rừng. Theo ông, chỉ những thanh niên khỏe mạnh, có lòng đam mê, chịu được cực khổ, biết nghe lời thì mới kiên trì theo đuổi và trở thành một Gru thực thụ. Đến nay, nghề săn voi rừng không còn, những bí quyết, kinh nghiệm săn voi mà ông tích lũy được giờ đã trở thành những câu chuyện kể hấp dẫn. Nhưng đối với ông, những chuyện liên quan đến voi như phá rừng, nhổ trộm lông đuôi voi, hành hạ, đối xử tàn ác với voi… vẫn là nỗi trăn trở ngày đêm. Kính nể trước tài nghệ săn voi và những hiểu biết của Y Kông nên bà con buôn B1 đã tín nhiệm tôn ông lên làm già làng. Nhận thức được lợi ích mà voi mang lại cho cuộc sống con người, trong các buổi họp buôn hay khi có cơ hội tiếp xúc với thanh niên, ông luôn kể nhiều chuyện về voi nhằm hun đúc lòng yêu rừng, ý thức bảo vệ đàn voi của mọi người. Trong những năm 2001-2004, ở thị trấn Ea Súp có nhiều thanh niên lầm lạc, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia gây rối, vượt biên trái phép, Y Kông đã cùng các chiến sĩ Công an huyện lặn lội vào rừng sâu để vận động, phân tích điều hay lẽ phải, kêu gọi họ trở về với buôn làng. Vì vậy, Y Kông càng tạo được uy tín, sự tin yêu, kính trọng không chỉ trong cộng đồng người Êđê ở các buôn trên địa bàn thị trấn Ea Súp mà cả với chính quyền nơi đây. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn trăn trở làm thế nào để cuộc sống của bà con các buôn khởi sắc nhiều hơn. Chính vì vậy, sau mỗi lần được tham dự Hội nghị già làng tiêu biểu, cùng đoàn già làng đi thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác Hồ, ông càng có nhiều chuyện để kể, giáo dục con cháu, vận động bà con tích cực làm kinh tế, ăn ở hợp vệ sinh, loại bỏ dần các hủ tục để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc