Multimedia Đọc Báo in

Cổ Nhơn, trò chơi dân gian hấp dẫn ở Bình Định

10:42, 27/02/2011

Quê tôi ở Bình Định, nơi có đền thờ Đào Duy Từ, có thị trấn Tam Quan xứ dừa với sự tích ngày xưa con gái Tam Quan tắm nước dừa nên da trắng tinh; có bánh tráng nước dừa nổi tiếng, có mắm cá cơm An Dũ, cá ngừ đại dương (Cá bò gù), dừa nước (Tam Quan), nem - chả Bồng Sơn, hải sản tươi, khô ở Hoài Hải và nhiều món ăn thú vị khác. Khi về với quê tôi, thể nào bạn cũng không thể nào bỏ qua cơ hội ăn hải sản và uống rượu Bầu Đá, đặc sản nơi đây. Cái vị nồng nồng của men, mùi thơm lừng của cơm nếp, dễ làm say lòng người. Đặc biệt thú vị là trò chơi Cổ Nhơn, một trò chơi dân gian giàu chất trí tuệ đã được quê tôi duy trì bao năm nay, góp phần làm cho những ngày tết ở đây thêm tưng bừng hơn.

Đầu buổi, câu thai được Hội xổ Cổ Nhơn đưa ra. (Ảnh: T.L)
Đầu buổi, câu thai được Hội xổ Cổ Nhơn đưa ra. (Ảnh: T.L)

Theo như ông bà tôi kể lại, trò chơi Cổ Nhơn bắt đầu từ trong cung vua. Đầu năm trong hội xuân, vua ra một bài thơ, quần thần đọc và đoán ý, ai đoán đúng được thưởng. Trò thả thơ dần dần được lưu truyền ngoài dân chúng và biến đổi thành trò chơi Cổ Nhơn. Nó được xem là một trò chơi dân gian mà trí tuệ. Trò chơi Cổ Nhơn bắt đầu khi người cầm tịch (Ban tổ chức) ra bốn câu thai (câu thai gồm 4 câu thể lục bát hoặc thất ngôn tứ tuyệt) vịnh về một trong 36 con trong bảng tịch. Câu thai được treo trên cây nêu trên có lá cờ hội. Người chơi dựa trên câu thai để luận ra con gì. Nội dung câu thai rất rộng, bàn từ cổ chí kim, từ điển tích đến tuyên truyền pháp luật, người ra thai phải thông sử sách, giỏi về chữ nghĩa; người tham gia chơi cũng phải biết để bàn luận. Đối tượng, số lượng tham gia không hạn chế. Có thể là trẻ con đánh một vài ngàn đồng với cách suy luận của trẻ con; thanh niên, người cao tuổi, phụ nữ, nông dân hay trí thức đều có cách suy luận của mình. Sau khi xổ, người cầm tịch phải đưa ra cái lí, cách luận của mình. Nếu ai có cách giải hay hơn thì được thưởng. Không giống như xổ số, người đánh trúng là người luận có lý nên trước khi đánh Cổ Nhơn, người chơi bàn rất kỹ, người bán tịch thường là người biết bàn, luận về thai sao cho có lý để thu hút người chơi. Cuộc chơi là cuộc đấu trí, thi tài giữa người chơi và người xổ nhưng không phải là thi tài cao thấp mà kiểu kẻ giỏi trốn, người giỏi tìm. Ví dụ với câu thai: Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi/ Đào viên kết nghĩa sá gì thấp cao/ Khổng Minh mưu trí lược thao/ Chu Du bái phục, quân Tào hoảng kinh, người chơi có thể luận ra Tam hòe (con khỉ) dựa vào cơ sở ba anh em kết nghĩa, có thể luận Nguyệt Bửu (con thỏ) dựa vào sự tài trí, luận Thái bình (rồng nằm) vì Khổng Minh là ngọa long tiên sinh… Người xổ thì chọn Tất Khắc (con chuột) dựa vào chiến thắng như chẻ tre của Khổng Minh là quân Tào hoảng sợ. Cách luận nào cũng có lý lẽ riêng tạo sự đa dạng, phong phú. Người luận đúng không chỉ vui vì được thưởng mà còn được đám đông tán thưởng là luận hay. Chính yếu tố này đã tạo sự thu hút đặc biệt của trò chơi Cổ Nhơn.

 

Hoài Thương

 


Ý kiến bạn đọc