Nghe làn quan họ trên cao nguyên
Tháng Giêng, làng quan họ bước vào mùa hát hội. Có sống và thực sự hòa mình tận hưởng, thưởng thức bữa tiệc văn hóa đặc sản của vùng Kinh Bắc này mới cảm hết cái duyên, cái tình của người quan họ; mới thấy sức quyến rũ, hấp dẫn dùng dằng người ơi người ở đừng về; mới thấu tấm lòng những người miền quan họ xa quê. Để rồi bất chợt “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” từ chiếc radio của nhà ai phát ra, ta mới hiểu nỗi nhớ của họ thêm cồn cào, niềm hạnh phúc, tự hào của họ thêm bồi đắp khi gặp quê hương mình trên mọi quê hương...
Không gian văn hóa Bắc bộ xưa phác họa bằng hình ảnh đặc trưng là cây đa, bến nước, sân đình. Với người dân Kinh Bắc, những hình ảnh ấy thân thương, khó quên còn bởi rất gắn bó và gần gũi trong những canh hát quan họ. Chỉ cần một bến nước, con đò chở các liền anh liền chị thế là khán giả đã có một sân khấu tuyệt vời để thỏa sức thưởng thức và trải nghiệm cùng độ “vang - rền - nền - nảy” của hát quan họ. Dung dị và trữ tình lắm! Còn nhớ khi phát biểu cảm nhận về quan họ, có nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: Quan họ là một làn điệu hội tụ "khí chất" của rất nhiều làn điệu dân ca: nét trong sáng, rộn ràng của chèo, cái thổn thức, mặn mà của hát dặm; nét khoan nhịp, sâu lắng của ca trù; sự khỏe khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam bộ. Nhưng trên hết, quan họ là hồn của xứ sở, là "đặc sản" tinh thần của người Kinh Bắc.
Đề tài cũng như thông điệp mà những câu hát quan họ chuyển tải xuất phát từ những “sự, cuộc, việc, nỗi niềm” rất gần gũi và bình dị trong cuộc sống. Thế nên dễ hiểu khi tiêu đề của nhiều bài quan họ rất mộc mạc như Con nhện giăng mùng, Ngồi tựa song đào, Ngồi tựa mạn thuyền, Gọi đò, Mời trầu, Vào chùa, Còn duyên… Cái bình dị ấy lại được thể hiện bằng cái luyến láy, da diết, sâu lắng nên câu quan họ là chất men dễ làm say lòng người, giã bạn rồi vẫn dùng dằng, lưu luyến “Người ơi! Người ở đừng về/ Người về em vẫn (í i ì i)/ Có mấy khóc i thầm/Đôi bên là bên song như vạt áo/ Mà này cũng có a ướt đầm/ Ướt đầm như mưa…. Người ơi người ở đừng về”.
Có lẽ cũng bởi sức hấp dẫn của đặc sản quê hương, bởi cái dìu dặt của “tình tình hời, tính tinh ơi”, “ư hư là ôi hư” mà mỗi dịp lễ hội, các bà các chị vùng Kinh Bắc dù tất bật vất vả với việc đồng áng vẫn sắp xếp công việc để tập luyện hát quan họ. Hội làng mà thiếu quan họ là thiếu “chất” và thiếu “khí” nhiều lắm. Trên sân khấu của hội làng, anh cả anh hai, chị cả chị hai là những người nông dân chân chất, mộc mạc như nhánh lúa nhành khoai càng làm cho câu quan họ thêm đằm thắm, có vị riêng.
Sức hấp dẫn của quan họ trở thành một trong những chất xúc tác làm trái tim của người dân Kinh Bắc nói riêng, người dân Việt Nam nói chung mỗi khi xa quê, xa Tổ quốc dễ rung lên những cung bậc cảm xúc. Cảm xúc nên khi nghe câu quan họ trên cao nguyên, nhạc sĩ Vũ Thiết mới tưởng tượng như Ngỡ con sông Cầu dập dềnh trước mặt/Rừng đung đưa mà giọng em khoan nhặt/Nắng trên đồi như thực như mơ …
Vẫn giữ được nét duyên dáng, thanh nhã, dịu dàng vốn có, quan họ trên vùng đất cao nguyên như hạt mầm được gieo xuống gặp mùa cứ bền bỉ mà sinh sôi. Có thể thấy trong bất cứ hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng nào, làn điệu quan họ cũng đều được ngân lên: Từ các bé gái học sinh tiểu học với áo sống mớ ba, mớ bảy đáng yêu trong điệu múa trên nền bài hát “Trống cơm”, “Lý cây đa”, cho đến những liền anh, liền chị trên đầu tóc điểm hoa râm vẫn đằm thắm khi thể hiện bài “Còn duyên”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Người ở đừng về”…
Bà Lê Thị Thuận (hàng đầu, bên trái) một trong những nhịp cầu kết nối người yêu quan họ tại Dak Lak. |
Lần theo một trong những mạch nguồn bắt nhịp, chúng tôi gặp bà Lê Thị Thuận một người con của vùng Kinh Bắc. Quê gốc ở Tiên Du (Bắc Ninh), vào Dak Lak lập nghiệp từ những năm đầu mới giải phóng, cũng coi là một sự đáp ân với cái duyên hạnh ngộ cùng mảnh đất này, bà đã làm nhịp cầu nối kết những người yêu quan họ tìm đến với nhau để mà hát, để mà sẻ chia, lưu giữ và truyền dạy. Từ năm 2002 đến nay, bà luôn làm tốt công việc của nhịp cầu tự nguyện ấy. Chẳng nhớ được có bao nhiêu người tìm đến bà học hát quan họ, cũng chẳng nhớ được có bao nhiêu lần bà đã đứng lớp dạy âm cho những người có nhu cầu muốn học. Cứ người này giới thiệu cho người kia, già có, trẻ có và có cả những người đến học để tham dự hội thi, hội diễn… “Trò thì nhớ thầy, chứ thầy làm sao nhớ được hết mặt học trò, chỉ cần biết là vẫn còn nhiều người yêu thích quan họ, vẫn còn nhiều người muốn học hát quan họ, đó đã là niềm vui, niềm hạnh phúc rồi…”, bà tâm sự. Gần 10 năm trôi qua, bây giờ bà có thể tự hào vì đã góp phần khơi dậy được tình yêu đối với những làn điệu quan họ của nhiều thế hệ tại đây.
Một trong những câu lạc bộ có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt các tiết mục quan họ đã được bà góp công gây dựng đó là Câu lạc bộ Dưỡng sinh - Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ngoài những giờ phút sinh hoạt tập dưỡng sinh, các thành viên còn cùng nhau luyện tập văn nghệ và đã nhiều lần tham gia biểu diễn tại các tỉnh, thành trong cả nước như: Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… Trong một buổi gặp mặt đội văn nghệ của Câu lạc bộ, giữa cái trắng trời của Buôn Ma Thuột trong cơn mưa xối xả, đường phố ngập mênh mông nước, các thành viên Câu lạc bộ vẫn không lỗi hẹn, người thì nhờ con cháu chở, người thì bắt taxi tới để cùng được say trong những câu hát quan họ. Chỉ là một buổi gặp mặt sinh hoạt thôi nhưng mọi người tất bật giống như diễn viên chuẩn bị cho buổi biểu diễn thực thụ. Các thành viên nam trong trang phục áo dài khăn đóng, nữ duyên dáng với áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao (tất cả trang phục đều được mọi người kỳ công, đầu tư nhờ mua ngoài Bắc Ninh gửi vào), mỗi người xuất thân ở mỗi miền quê khác nhau nhưng khi lời ca quan họ cất lên, tâm hồn họ cùng đồng điệu trong mạch nguồn xứ sở Kinh Bắc. Có lẽ cũng từ cái say cái nồng với quan họ ấy mà mỗi lần đội văn nghệ đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều nơi, khi các tiết mục quan họ kết thúc đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Đó cũng là niềm vui, là nguồn động viên khích lệ những cố gắng luyện tập của mọi người…
Yêu mến, trân trọng loại hình nghệ thuật truyền thống này mà mỗi khi tìm được bài mới là cả các thành viên của Câu lạc bộ lại hào hứng tập luyện. Từ niềm đam mê và muốn đem nét đẹp văn hóa nơi quê hương mình lưu truyền và lan tỏa nơi mảnh đất mà bà coi là quê hương thứ hai này, bà Thuận (năm nay đã ngoài 60 tuổi) đã bỏ ra nhiều công sức lên mạng tra cứu, tìm kiếm, sưu tầm những bài hát quan họ lời cổ để lựa chọn và truyền dạy cho mọi người. Bà cũng là tác giả của nhiều làn điệu quan họ được sáng tác mang đặc trưng của vùng cao nguyên đất đỏ. Lời ca quan họ có hơi thở của núi rừng, có hương thơm của hoa cà phê và nồng nàn của rượu cần cũng độc đáo lắm: “…Ngày nay về với, với cao nguyên/Nhớ ơn là ơn Đảng, Bác/Giữ lời nguyền là cùng núi sông/Giữ Ban Mê câu quan họ thêm nồng…”, rồi “Nhớ đi về đâu hãy nhớ/Chớ nên phai, phai lời thề/Hội cồng chiêng đến hẹn lại về/Rượu cần là ta chung uống/Cho trọn bề là bề người ơi…”
Tình người quan họ bao đời nay vẫn thế, chẳng hẹn vẫn quấn quýt trong mùa hội sau. Cũng bởi lời ca quan họ vấn vít nên mới có những người như bà Thuận, mới có câu quan họ trên cao nguyên và bao miền quê khác vẫn đang được nuôi dưỡng, bảo tồn và lưu truyền…
Ý kiến bạn đọc