Sắc màu mùa xuân
Trong năm qua, lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể: gặt hái một mùa vàng bội thu về nhiếp ảnh; đoạt nhiều giải thưởng, huy chương tại các hội thi, hội diễn, liên hoan về ca – múa – nhạc; tổ chức thành công các trại sáng tác văn – thơ; triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật trong tỉnh và khu vực… Những dấu ấn ấy đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về đời sống văn hóa tinh thần của một vùng đất nhiều tiềm năng…
Dáng Xuân. (Ảnh: Vương Quốc Kim) |
Nhiếp ảnh Dak Lak và những “mùa vàng”
Là một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, văn hóa, với không gian của đại ngàn và đời sống lễ hội phong phú của cộng đồng 41 dân tộc, Dak Lak đã trở thành miền lý tưởng, khơi gợi những mạch nguồn sáng tạo của văn nghệ sĩ nói chung và các nhà nhiếp ảnh nói riêng.
Một điều dễ nhận thấy đó là đội ngũ những người làm nhiếp ảnh trên địa bàn Dak Lak khá đông đảo, nhưng người thực sự theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật lại chưa nhiều. Hiện nay Chi hội Nhiếp ảnh mới chỉ có gần 20 hội viên, với các tác giả đã định hình về phong cách sáng tác như: Đào Thọ, Phạm Huỳnh, Chính Hữu, Vương Quốc Kim… và một số tác giả trẻ mới xuất hiện nhưng cũng đã mang lại luồng gió mới và nhiều thành tích như: Hương Vượng, Bảo Hưng, Lê Oanh, Xuân Chiến, Dương Thanh Khôi, Siu H’Kết… Tuy “lượng” ít nhưng lại nhiều về “chất”, bảng vàng thành tích của Chi hội Nhiếp ảnh Dak Lak đã khiến nhiều chi hội nhiếp ảnh tỉnh bạn phải nể phục khi nhắc đến. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Chi hội đã gặt hái được trên 200 giải thưởng gồm huy chương vàng, bạc, đồng, cúp, bằng danh dự và giải xuất sắc tại các triển lãm, cuộc thi trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong các Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) lần thứ 28, 29 tại Trung Quốc và Slovakia cũng như ở Cuộc thi Ảnh màu nghệ thuật quốc tế lần thứ 23 được tổ chức tại Ireland, Việt Nam đã đoạt 1 huy chương vàng, 1 cúp thế giới, 1 huy chương đồng cho 3 bộ ảnh và các tác giả của Dak Lak: Vương Quốc Kim, Bảo Hưng, Chính Hữu, Dương Thanh Khôi đã vinh dự đóng góp 6 tác phẩm vào 3 bộ ảnh đoạt giải đó.
Ông Phạm Huỳnh, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh cho biết: Với lòng yêu nghề, không ngại khó khăn, anh chị em hội viên thường xuyên tự mình tìm đến vùng sâu, vùng xa để ghi lại những khoảnh khắc sinh động của cuộc sống. Nhìn chung đa số tác giả đã thể hiện tác phẩm mang chủ đề, nội dung có tính nghệ thuật tốt, đạt hiệu quả cao; các tác phẩm đã phản ánh được nét đẹp trong sinh hoạt đời thường cũng như lễ hội, phong tục tập quán và sự phát triển, đi lên của quê hương đất nước. Để tạo điều kiện thuận lợi và nguồn cảm hứng cho anh em hội viên sáng tác, trong những năm qua, Chi hội được sự hỗ trợ của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức cho hội viên tham gia nhiều trại sáng tác của tỉnh, trung ương như: Trại sáng tác ở Đại Lải, Vũng Tàu, Nha Trang, Buôn Đôn cũng như tổ chức nhiều chuyến đi sáng tác trong tỉnh và các tỉnh bạn như Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội, Nha Trang, Ninh Thuận… Bên cạnh đó, Chi hội cũng đã phối hợp Hội Nhiếp ảnh TP. Đà Nẵng tổ chức giao lưu Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Rừng và biển”; kết hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Triển lãm Ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Triển lãm Ảnh nghệ thuật tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột...
Có thể nói, qua những trại sáng tác, những chuyến tham quan, giao lưu, học hỏi, các nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và đạt giải cao tại các cuộc thi, triển lãm. Chỉ tính riêng năm 2010, các tác giả hội viên đã mang về hàng chục giải thưởng trong nước, quốc tế. Trong đó phải kể đến: tác giả Siu H’Kết với tác phẩm “Nước suối mát” đã đoạt Giải Danh dự trong Cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế Silpakorn lần thứ 6; Nguyễn Hương Vượng với tác phẩm “Điệu vũ bale” đoạt Huy chương Bạc FIAP tại Cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế “4th Croatian International Digital Photo Slon – OSIJEK 2010” và Huy chương Đồng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế “29th Malaysia International Salon of Photography 2010”; đặc biệt nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vương Quốc Kim đã đoạt 1 Huy chương Vàng PSA trong Cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế tại Indonesia, 5 giải thưởng: Huy chương Vàng của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) cho tác phẩm “Thương tâm”, Huy chương Vàng của Hội Nhiếp ảnh Đài Loan cho tác phẩm “Ngoái nhìn”, 2 Huy chương Đồng của Hội Nhiếp ảnh Đài Loan cho tác phẩm “Hạnh phúc”, “Vũ điệu mặt trời”, Bằng danh dự của Hội Nhiếp ảnh Đài Loan cho tác phẩm “Mẹ” tại Cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 34 tổ chức ở Đài Loan và 2 Huy chương Bạc tại Cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế lần thứ 65 tổ chức ở Hồng Kông…
Vũ điệu mặt trời. (Ảnh: Vương Quốc Kim) |
Với mùa vàng bội thu ấy khi khép lại cánh cửa của năm 2010, Nhiếp ảnh Dak Lak lại càng thêm tự tin khẳng định mình và dấn bước xa hơn trên hành trình tìm những đỉnh cao trong một mùa xuân mới.
Nơi ươm mầm cho những cây bút “nhí”
Như một địa chỉ văn hóa dành cho các em thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi dân tộc thiểu số (DTTS), đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp hè Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở, Phòng Giáo dục các huyện tổ chức các trại sáng tác thơ văn, thu hút nhiều học sinh giỏi văn của các dân tộc: Êđê, Xêđăng, Tày, Thái, M’nông…hội tụ về đây vui chơi và tập sáng tác. Trại Hạ Xanh tổ chức vào năm lẻ, trở thành sân chơi văn hóa bổ ích và lý thú để các em thanh thiếu nhi trong toàn tỉnh thể hiện năng khiếu của mình và Trại Hương Rừng (vào năm chẵn), dành riêng cho thiếu nhi DTTS, đã hướng các em sáng tác theo lối nói vần của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và bằng chính tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Còn tại tuyến huyện, tính đến thời điểm hiện tại, đã 15 mùa trại trôi qua, Cư M’gar vẫn là huyện duy nhất trong cả nước tổ chức Trại hè sáng tác thơ văn dành cho thiếu nhi, có tên Núi Hoa. Từ những mùa trại này đã góp phần hình thành một phong trào sáng tác thơ văn trong thanh thiếu nhi. Tham gia trại, các em được hướng dẫn cách sáng tác, khai thác đề tài từ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, vùng quê nơi mình đang sinh sống. Mỗi mùa trại kéo dài từ 7 đến 11 ngày, ngoài các buổi sinh hoạt, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn của địa phương, các em còn được đi thực tế tại một số danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh, sau đó là dành thời gian để sáng tác tại nhà. Những chuyến đi thực tế, trao đổi, góp ý của bạn bè trong những lần tham dự trại, rồi được cùng nhau học tập, ăn ở, sinh hoạt dưới một mái nhà, vui chơi và sáng tác thật sự giúp các em hiểu thêm về văn hóa truyền thống, cũng như tục lệ của các dân tộc trên địa bàn mình sinh sống. Và cứ như thế, tình yêu văn học vẫn âm thầm chảy cùng với những khát khao sáng tạo của các cây bút “nhí”. Tham gia Trại Núi Hoa, em Ngô Quốc Khánh, (trường Nguyễn Tri Phương, huyện Cư M’gar) được nghe các bạn kể nhiều về phong tục tập quán, nhà sàn của người Êđê, M’nông…, học hỏi thêm nhiều điều lý thú mà em chưa từng biết. Còn với em H’Rut Niê (dân tộc Êđê), trước kia em sáng tác văn, thơ mang tính bộc phát, khi thấy có cảm xúc là viết, nghĩ thế nào thì viết như thế ấy. Đến khi tham gia Trại Hương Rừng mới được biết thế nào là kỹ năng sáng tác, phương pháp xây dựng hình ảnh trong tác phẩm... Sau lần trại này, em vừa có thêm cảm hứng, lại được học cách sáng tác bài bản hơn… Mỗi mùa hè trôi qua, trại sáng tác ngày càng ổn định và đạt chất lượng cao hơn, không ít “cây bút nhí” có những trang viết đáng lưu lại như: H’Siêu Byă (huyện M’Drak), H’Ru Niê (huyện Cư M’gar), Nguyễn Thị Hậu (dân tộc Tày, lớp 10, trường PTDT Nội trú Nơ Trang Long, huyện Ea Súp)… Trên mỗi tác phẩm, trước hết, các em đã sáng tác bằng chính tâm hồn ngây thơ của mình và dễ dàng bắt gặp đâu đó những ước mơ lấp lánh bên từng trang viết. Chỉ một điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thôi, nhưng đủ làm rung động tâm hồn tuổi thơ: những buổi phụ mẹ lên rẫy bẻ ngô, trỉa lúa; thương ba ra đồng gặp cơn mưa chiều ướt áo hay một lần đi tình nguyện, thấy thương cảm với ánh mắt tròn xoe chăm chú với từng con chữ của các em nhỏ nơi vùng sâu vùng xa … Khả năng quan sát tinh tế sự vật chung quanh bằng cái nhìn trong trẻo, nhạy cảm như thế đã làm nên những tác phẩm đầu tay của các em. Thơ, truyện của các em chân chất, hồn nhiên, đôi chỗ lời văn còn ngô nghê, vụng dại. Tuy nhiên, chính lối diễn đạt nhẹ nhàng, trong sáng để lại trong người đọc nhiều suy ngẫm và dễ dàng sẻ chia. Bởi điều đọng lại là cái nhìn trong sáng, rất thiếu nhi, ấm áp tình nhân hậu. Hằng năm, những sáng tác của các em được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với các Phòng Văn hóa - Thông tin, Sở Giáo dục- Đào tạo in thành các tuyển tập gồm hàng trăm tác phẩm mang tên: Hương Rừng, Hạ Xanh, Núi Hoa, như phần thưởng cho những người có tâm huyết với nền văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.
Đã 15 mùa trại trôi qua, những người tâm huyết với văn học nghệ thuật tỉnh nhà đang âm thầm chăm chút, ươm dưỡng để những sáng tác đầu tay của các em ngày càng chất lượng. Ông Lê Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nói, trại sáng tác đã tạo ra một môi trường sinh hoạt có tính văn học - nghệ thuật cho tuổi thơ trên địa bàn tỉnh trong mỗi dịp hè về, đồng thời qua đó tạo một sân chơi để các em được bồi dưỡng, phát triển năng khiếu văn chương, để cứ mỗi khi hè đến, xếp vội sách vở vào ngăn bàn là các em có được một sân chơi bổ ích và lý thú.
Các trại sáng tác ngày càng thu hút đông đảo học sinh dân tộc thiểu số và đạt chất lượng cao hơn. Nhìn những tuyển tập được dày công in ra sau mỗi mùa trại, không ai dám nói trước rằng tất cả các em sẽ đi theo nghiệp văn chương nhưng ít ra, giữa môi trường văn chương nghệ thuật, tâm hồn các em cũng được bồi đắp thêm những giá trị nhân văn cao đẹp về cuộc sống. Và đâu đó, rất có thể, bên cạnh hướng đi đã chọn của cuộc đời mình, các em sẽ là lực lượng sáng tác nghiệp dư đầy tiềm năng?! Không dám kỳ vọng nhiều nhưng chắc chắn một điều rằng, Trại sáng tác đã góp phần khơi gợi cảm hứng để các em bộc lộ niềm yêu thương chân thật về một miền đất từ những sáng tác đầu tay.
Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak với những chương trình mang đậm “hương sắc Tây Nguyên”
Thành lập từ năm 1962, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak đã trải qua một chặng đường dài hoạt động, cống hiến hết mình vì sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Đoàn đã từng lưu diễn khắp cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hunggari… đem đến cho khán giả những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam tại Tây Nguyên.
Đoàn Ca múa nhạc Dak Lak biểu diễn tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. (Ảnh: Lê Thành) |
Nhìn lại chặng đường một năm qua - năm được đánh giá là thành công nhất của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak, qua những ngày lễ trọng đại của đất nước, Đoàn đã vinh dự được tham gia và mang về những thành công nhất định, như dịp lưu diễn Chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30- 4) tại TP. Hồ Chí Minh; lưu diễn tại Festival Huế hồi tháng 7; và đặc biệt trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (đầu tháng 10), Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak đã vinh dự cùng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Phú Yên, được đại diện cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên ra Hà Nội biểu diễn trong nhiều ngày. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là cơ hội quý báu để có thể quảng bá hình ảnh của Dak Lak, Tây Nguyên, là dịp để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, Dak Lak đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Không giấu nổi niềm vui, Trưởng đoàn Y San Aliô cho biết, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, là dịp để Đoàn tự khẳng định mình, đồng thời, từ đây cũng thấy được bước trưởng thành khá vững chắc của Đoàn, bởi hầu hết các dịp lễ lớn của dân tộc từ trước đến nay, ít khi Đoàn được diễn riêng biệt mà đều diễn cùng với một vài đoàn khác trong các tiết mục. Nhưng rất vui mừng lần này Đoàn đã được tự điều phối, trình diễn trên sân khấu 15 tiết mục, mang đến cho đồng bào cả nước và du khách quốc tế những phút giây thưởng thức thật sự sôi nổi, hào hứng về bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc, nhạc điệu của núi rừng Tây Nguyên. Người dân khắp nơi đều cổ vũ rất nhiệt tình khiến các diễn viên trong Đoàn luôn hăng say hòa mình cùng vai diễn, cảm thấy như diễn bao nhiêu vẫn chưa đủ. Đặc biệt, trong quá trình 48 năm hoạt động của mình, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân ủng hộ nhiệt tình, đó là niềm hạnh phúc, sự động viên lớn lao nhất cho mỗi thành viên trong Đoàn. Bên cạnh đó, qua những lần lưu diễn ở nước ngoài, Đoàn cũng được bạn bè quốc tế, đặc biệt là kiều bào sống xa quê hương rất hoan nghênh, ủng hộ... Nhắc lại những kỷ niệm khó quên sau mỗi chuyến đi, anh Y Nuôl, một diễn viên trống bộc bạch, một lần lưu diễn ở Bỉ, trong khi Đoàn đang diễn tiết mục trống chiêng “Vang vọng từ cội nguồn” thì có một phụ nữ khoảng 50 tuổi bước lên sân khấu ôm chầm lấy tôi mà khóc, sau đó mới biết thuở nhỏ (khi đất nước còn chiến tranh lưu lạc) chị từng sống ở Dak Lak, được khán giả dân tộc Êđê cưu mang, lớn lên theo chồng xa xứ, đến nay vẫn chưa một lần về thăm quê hương. Hay những kỷ niệm rất xúc động qua hàng trăm lần lưu diễn khắp các tỉnh thành trong cả nước, được khán giả khắp nơi ủng hộ rất nhiệt tình, tạo mọi điều kiện tốt nhất để Đoàn lưu diễn thành công, tất cả đều để lại cho người xem, người nghệ sĩ những ấn tượng thật đẹp. Những năm qua, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak đã không ngừng cống hiến, không ngừng sáng tạo để có được những thành công, đem đến cho công chúng sự cảm nhận hoàn thiện hơn về nghệ thuật dân tộc. Nhiều tiết mục đã tạo tiếng vang trên các sân khấu trong và ngoài nước như: độc tấu sáo vỗ “Làng buôn vào hội”, “Trống chiêng vào hội”, múa “Nữ thần đen”, độc tấu chiêng tre “Vang vọng từ cội nguồn” và nhiều bài hát về Tây Nguyên khác… Từ những thành công trong diễn xuất qua sự ủng hộ của đông đảo người thưởng thức, Đoàn còn được Đảng, Nhà nước, giới chuyên môn đánh giá rất cao với nhiều thành tích xuất sắc như: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tặng Bằng khen, Bằng chứng nhận của Bộ VHTT&DL, Giấy chứng nhận của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH&DL tỉnh tặng Giấy khen… và nhiều giải thưởng khác. Sắp tới, để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak (4-1962 đến 4-2012), tất cả các nghệ sĩ, diễn viên trong Đoàn luôn cố gắng hết mình trong năm 2011, đáp ứng hơn nữa những kỳ vọng của khán giả cả nước.
Ý kiến bạn đọc