Đưa sử thi Tây Nguyên trở lại đời sống cộng đồng
Sử thi Tây Nguyên có giá trị rất lớn trong kho tàng văn hóa nhân loại, nhưng hiện nay không gian sống, không gian diễn xướng của loại hình này đang ngày bị thu hẹp... Cần cấp thiết thực hiện các giải pháp để đưa sử thi trở lại đời sống của đồng bào - đó là những vấn đề nổi bật được tập trung bàn thảo tại Tọa đàm khoa học "Đề xuất và lựa chọn các phương thức đưa sử thi Tây Nguyên trở lại đời sống buôn làng" do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Dak Lak phối hợp tổ chức ngày 5-4 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các nghệ nhân và những người tâm huyết, có nhiều đóng góp đối với công tác nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn sử thi Tây Nguyên.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Thẳng thắn, chân tình, tâm huyết, đi thẳng vào vấn đề, nói như một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam là: các đại biểu đã bộc bạch những điều gan ruột, đã làm không khí của buổi tọa đàm thực sự “nóng”. Hầu hết các ý kiến đều chung một nhận định: Sử thi Tây Nguyên có giá trị vô cùng to lớn, đó không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử, về phong tục tập quán, về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa, mà còn có tác dụng giáo dục sâu sắc. Chỉ tiếc rằng sử thi đang ngày bị mai một, không chỉ ở lớp thế hệ hiểu, biết kể, truyền dạy sử thi (gọi chung là nghệ nhân) chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; mà còn mai một ở chính lớp công chúng yêu sử thi. Thị Mai, con gái của cố nghệ nhân Điểu Kâu – một người cả cuộc đời gắn bó với sử thi M’Nông, đã xúc động bộc bạch mối lo âu khi kho tàng, giá trị của sử thi quá lớn nhưng chị và cả người cha quá cố của mình chưa làm được nhiều như mong muốn. Thị Mai tâm sự: thuở còn nhỏ, nghe cha kể sử thi chị đã cảm nhận được cái hay, cái đẹp của sử thi; nhưng đó mới chỉ là cảm thụ thuần túy về giai điệu, chứ chưa hiểu hết ý nghĩa. Lớn lên trong bầu văn hóa cùng tình yêu sử thi của cha, Thị Mai đam mê khi nào không hay và tiếp tục thực hiện tâm nguyện của cha. Chị đã tham gia tổ chức nhiều lớp truyền dạy sử thi với ước mong thắp lên tình yêu sử thi ở bà con đồng bào mình, bởi sử thi có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần, sử thi cần được sống trong đời sống bon làng.
Từ thực tiễn trải nghiệm trong đời sống buôn làng và qua nghiên cứu, các nghệ nhân cũng như các nhà khoa học, quản lý văn hóa đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của sử thi Tây Nguyên, trong đó có một điểm chung là: không gian diễn xướng của sử thi đang bị thu hẹp. Núi rừng Tây Nguyên, lễ hội, nhà dài, đêm trăng sáng, bà con buôn làng quây quần bên ánh lửa, đó là những hình ảnh thân thuộc gắn liền với những đêm kể sử thi dài thâu đêm suốt sáng. Nhưng môi trường sống hiện đại, nhịp sống của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của nhiều nền văn hóa, canh tác nương rẫy nhường chỗ cho canh tác công nghiệp đã khiến sử thi dần nhường đất sống cho những loại hình văn hóa khác. Và cũng trong bối cảnh ấy, con người, nhất là thế hệ trẻ, không còn kiên nhẫn để có thể ngồi và càng không thể say với sử thi nữa. Một nhà khoa học đưa ra minh chứng đơn giản là sử thi thiếu hồn, thiếu khí khi biểu diễn trong phòng máy lạnh hoặc đang nghe hát sử thi mà phải ra ngoài nghe điện thoại di động thì có yêu đến mấy, mạch nguồn cảm xúc ấy cũng đứt quãng.
Lễ hội cũng là một trong những môi trường diễn xướng của sử thi. |
Trăn trở với sự mai một của sử thi, các nghệ nhân, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa cùng chung nhận định: đưa sử thi trở lại đời sống buôn làng là việc làm quan trọng, cấp thiết và tất yếu. Sử thi là loại hình nghệ thuật không thể bắt chước, cần được nuôi dưỡng để tồn tại; nhưng vấn đề đặt ra là có nên khôi phục trở lại nguyên dạng, khôi phục đại trà hay chọn điểm, đối tượng nào cần chuyển tải? Những câu hỏi ấy đã được lý giải. Ông Vũ Văn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa Xã hội của UBND tỉnh Dak Lak khẳng định: Khôi phục sử thi không thể làm theo lối cũ, khôi phục phải phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống hiện nay. Bảo tồn sử thi không chỉ bảo tồn nghệ nhân mà phải bảo tồn, tạo dựng cả tầng lớp công chúng, những người yêu sử thi. Cần phổ biến sử thi dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với cuộc sống hiện đại, đồng thời phải có vai trò của giáo dục đào tạo, bởi đối tượng sẽ gánh trọng này không ai khác chính là thế hệ trẻ.
Tiến sĩ Hoàng Lâm – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Dak Nông phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Tiến sĩ Hoàng Lâm, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Dak Nông mở đầu bài tham luận của mình bằng những điều gan ruột: Sử thi thật phi thường, phi thường không chỉ về giá trị, mà khi tham dự buổi tọa đàm này ông còn nhận thấy sự phi thường ở chính những người thể hiện nó, ở trí nhớ tuyệt vời của các nghệ nhân. Ông Lâm hiến kế: con đường đưa sử thi Tây Nguyên trở lại đời sống cộng đồng bằng việc khôi phục một số lễ hội, trong đó có tổ chức hát kể sử thi, có chính sách cho việc truyền dạy sử thi, mà điều đầu tiên cần có là phải đầu tư kinh phí cho khôi phục, bảo tồn. Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm: nên mở các lớp hoặc các câu lạc bộ, nhóm hát kể sử thi; chuyển thể sử thi thành nhiều loại hình để phù hợp với môi trường sống hiện đại như làm băng đĩa, phim, truyện tranh, phim hoạt hình…; xây dựng các chương trình phát sóng trên đài phát thanh truyền hình, mở các cuộc thi tìm hiểu về sử thi; đưa vào nội dung chương trình học của các trường dân tộc nội trú…
Có nhiều giải pháp để đưa sử thi Tây Nguyên trở lại đời sống buôn làng . Lựa chọn giải pháp nào, đó là cân nhắc của ngành chức năng. Nhưng hơn hết, qua tọa đàm này chúng ta thấy vui mừng vì vẫn còn có những người tâm huyết, trăn trở với đời sống của sử thi Tây Nguyên hôm nay.
Ý kiến bạn đọc