Văn hóa cà phê thăng hoa cùng văn hóa Tây Nguyên
12:33, 06/04/2011
Ngoài việc phát đi thông điệp về việc không ngừng phát triển bền vững, sáng tạo giá trị kinh tế và tinh thần của văn hóa cà phê nói chung, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III - năm 2011 còn tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, để lại nhiều ấn tượng độc đáo.
Đồng chí Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan Bảo tàng Cà phê. |
Thông qua những hiện vật, tranh ảnh được trưng bày tại bảo tàng cà phê trong Lễ hội, quy trình chế biến một ly cà phê thơm ngon, theo từng phong cách khác nhau đã hiện lên như một bức tranh sinh động, đầy màu sắc. Và cũng chính những hiện vật ấy đã kể cho người xem những câu chuyện thú vị về lịch sử, địa lý cà phê, những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ chế biến cà phê trên thế giới và văn hóa cà phê toàn cầu. Hơn 500 hiện vật trong tổng số 10.000 hiện vật của Bảo tàng Cà phê thế giới được trưng bày tại Làng Cà phê Trung Nguyên, được sắp xếp theo từng khu vực, từng thời kỳ lịch sử đã tái hiện sinh động nguồn gốc xuất xứ, quá trình phát triển của cây cà phê, văn hóa uống cà phê và cả giá trị kinh tế của cây cà phê. Và như ông Stefan Graach, Cựu giám đốc Bảo tàng Cà phê thế giới khẳng định: ngoài việc giới thiệu, tôn vinh cà phê, thì Bảo tàng sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng cho cà phê thông qua việc giới thiệu được bản sắc văn hóa, lịch sử các dân tộc. TP. Buôn Ma Thuột – Thủ phủ Cà phê Việt Nam sẽ là nơi thực sự thích hợp để lưu giữ và phát huy giá trị các các hiện vật. Và có lẽ đối với những người muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa liên quan đến cây cà phê thì Bảo tàng Cà phê thế giới là một trải nghiệm thú vị. Cùng với Bảo tàng cà phê, qua Triển lãm ảnh thời sự- nghệ thuật về cà phê và du lịch Dak Lak, lịch sử, văn hóa cà phê được tái hiện sinh động. Và như cảm nhận của nhiều du khách, Lễ hội đã bổ sung cho họ những kiến thức quý giá về cà phê với những giá trị về tinh thần cùng chiều sâu văn hóa.
Hội voi ở Lak. |
Lễ hội được mở đầu bằng hội voi ở Lak và Buôn Đôn trong không khí tưng bừng, hùng tráng, để lại những ấn tượng sâu sắc đối với du khách, bởi sự hoang dã đầy chất Tây Nguyên hiện hữu giữa đất, trời, mây, nước. Sau hồi còi khai cuộc và tiếng trống thúc dục rộn rã, các quản tượng thúc voi lao về phía trước trong tiếng hò reo của hàng ngàn khán giả hai bên đường đua. Cuộc đua đã trở thành cuộc chơi , bởi sự thắng thua đã không còn quan trọng, 20 chú voi cùng 40 quản tượng quần tụ về đây không gì ngoài mục đích cống hiến. Hội đua voi độc đáo cũng khiến nhiều du khách quốc tế tỏ ra thích thú và bất ngờ. Hai ông bà Claude Atlanta và Martin đến từ nước Mỹ, theo tour du lịch khám phá Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên của Công ty Sài Gòn Tourist cho biết: ông bà đã từng xem đấu bò tót ở miền Catalan (Tây Ban Nha), đua ngựa ở Sydney (Australia) và đua… voi ở Sri Lanca nhưng chưa từng chứng kiến cuộc đua nào độc đáo như lần này, bởi hội voi ở hồ Lak đã mang đến cho ông những trải nghiệm thú vị về văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.
Triển lãm hình ảnh, hiện vật về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thu hút đông đảo người xem. |
Đó là không gian mà Triển lãm hình ảnh, hiện vật về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong khuôn khổ của Lễ hội đã mang đến cho người xem qua 107 tác phẩm ảnh tư liệu và 61 hiện vật giới thiệu về âm nhạc cồng chiêng. Đến với Triển lãm, người xem như bị cuốn hút bởi không gian tĩnh mà động, không hề nghe tiếng chiêng mà vẫn cảm nhận những âm vang của chiêng cồng, vẫn được hòa mình vào không gian của lễ hội với những nghi thức độc đáo trong đời sống tâm linh của các dân tộc bản địa. Một không gian cồng chiêng xưa được mở ra qua những bức ảnh do các viên chức thuộc địa, sĩ quan quân đội, các nhà truyền giáo và học giả Pháp chụp trong khoảng từ những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ 20 đã để lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng, cảm xúc. Được sắp xếp thành các tiểu chủ đề: “Dàn nhạc cồng chiêng”, “Tập quán chơi cồng chiêng”, “Bối cảnh âm nhạc cồng chiêng”, “Vượt khỏi truyền thống”, người xem có được cái nhìn tổng quát và hệ thống về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, qua đó càng hiểu và thêm trân trọng giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây để cùng nhau chung tay gìn giữ, phát huy, phát triển.
Lê Nguyễn Minh
Ý kiến bạn đọc