Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn văn hóa ở huyện Cư Kuin: Chú trọng đến việc chuyển giao cho thế hệ trẻ

09:02, 29/06/2011

Từ khi được thành lập đến nay, huyện Cư Kuin đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu học hỏi kinh nghiệm... giữa các xã trên địa bàn.

Huyện Cư Kuin được thành lập theo Nghị định số 137/2007/NĐ-CP ngày 27-8-2007 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Krông Ana, với dân số trên 111.000 người, gồm 8 xã, 111 thôn, buôn, với 17 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27,55%. Những năm qua, huyện Cư Kuin đã quan tâm đầu tư khôi phục các lễ hội văn hóa dân gian: Lễ cúng bến nước ở buôn Ea Tlă và buôn H’ra H’Ning (thuộc xã Dray Bhăng), lễ cầu mưa ở buôn Kô Emông (xã Ea B’Hôk); và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như: “Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ; Buôn vui chơi – Buôn ca hát, Hội thi giọng hát hay, Tiếng hát măng non, Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Hội thao dân tộc thiểu số với các môn thi đấu: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, chạy việt dã… thu hút đông đảo bà con tham gia. Và cũng chính nhờ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ … giúp  bà con ý thức hơn về việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình và truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Từ đó, khuyến khích người dân tự giác tham gia phong trào, xem việc giữ gìn các giá trị truyền thống là trách nhiệm của mọi người. Đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu và  tránh xa các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, huyện luôn chú trọng quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong cộng đồng. Hiện, ở Cư Kuin, bà con còn lưu giữ được gần 200 dàn chiêng cổ, tại một số buôn còn giữ được nghề dệt thổ cẩm như ở xã Ea Ning, Ea B’Hôk… Đặc biệt, tại xã Ea Ning hiện vẫn còn bộ chiêng quý, đầy đủ 10 chiếc được lưu giữ trong nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều xã, thôn, đã duy trì câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng già - trẻ, đội văn nghệ dân gian… thường xuyên luyện tập, như đội chiêng trẻ xã Ea K’tur, Ea B’Hôk, Ea Tiêu… Đáng ghi nhận nhất là việc tổ chức Liên hoan dân ca - dân vũ - diễn tấu cồng chiêng toàn huyện. Đây là một trong những hoạt động chủ đạo để đưa đồng bào trở về với nếp sống, sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, cũng là dịp để các buôn trên địa bàn truyền dạy, tôn vinh vốn văn hóa đặc sắc, chuyển giao cho thế hệ trẻ và thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Tiết mục diễn tấu chiêng tại Liên hoan dân ca - dân vũ - diễn tấu cồng chiêng huyện Cư Kuin lần thứ III - 2011.
Tiết mục diễn tấu chiêng tại Liên hoan dân ca - dân vũ - diễn tấu cồng chiêng huyện Cư Kuin lần thứ III - 2011.
Được tổ chức thường niên, nhưng mỗi năm lại có không ít tiết mục hát, múa, diễn tấu cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc của các đội về tham gia liên hoan, đã gây không ít bất ngờ và thích thú cho người xem. Tại Liên hoan lần thứ III - 2011, nghệ nhân lớn tuổi nhất ngoài 80 như: Y Gông Byă, H’Wing, Aê Men.. và có không ít em nhỏ tuổi nhất, mới chỉ lên 10 như: H’Niếc, YTul… cũng tham gia biểu diễn. Được một lần đến xem, có tận mắt chứng kiến, thưởng thức những tiết mục độc đáo, mới thấy hết được không khí náo nức, tưng bừng và niềm say mê với âm nhạc dân tộc của bà con nơi đây. Có cả gia đình hai, ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu cùng nhau tập luyện và đến dự liên hoan; cũng có gia đình cả hai vợ chồng tham gia như gia đình nghệ nhân Aê Jet (dân tộc Êđê, xã Ea B’Hôk),  về dự thi với tiết mục hát ayray, diễn tấu nhạc cụ dân tộc do ông tự chế tác, đã gây không ít bất ngờ cho người xem. Được biết, cả hai vợ chồng đều đã ngoài tám mươi nhưng có niềm say mê đặc biệt dành cho âm nhạc của dân tộc mình và thường xuyên tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh. Tại mỗi lần liên hoan như thế, nhiều bài chiêng đã được các đội phục dựng lại theo bản cổ, trong đó, có những bài đã vắng bóng trên sân khấu cách đây hơn chục năm, như bài Pak gar gar (tiếng chim đa đa) có tiết tấu rất hay, nhưng rất khó thể hiện song, lại được đội chiêng xã Ea K’tur biểu diễn một cách liền mạch, thu hút; nhiều đội chiêng nhỏ tuổi, đội múa phụ họa trên nền nhạc nhưng sử dụng nhạc cụ dân tộc khá thành thạo và điêu luyện. Đây là tín hiệu vui chứng tỏ sức lan tỏa của âm nhạc dân gian vẫn còn được bà con truyền dạy và giữ gìn. Qua đó, đã có sự chuyển giao các giá trị văn hóa giữa thế hệ già và trẻ, các nghệ nhân già truyền lại cho con cháu tiếp nhận, học hỏi. Ông Hồ Đức Đồng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư Kuin cho biết, sau mỗi lần tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn như thế, làm cho các hoạt động truyền dạy cồng chiêng, văn hóa - văn nghệ tại các xã trong huyện sôi nổi hẳn lên. Phấn khởi nhất là việc các thế hệ trẻ  đã có niềm đam mê với vốn văn hóa cổ của dân tộc và hăng say luyện tập, tham gia vào các hội thi, hội diễn. Những lần tổ chức tiếp theo, tỷ lệ các diễn viên, câu lạc bộ chiêng “nhí” lại tăng lên đáng kể. Nhiều thôn, buôn thành lập thêm các đội bóng đá, bóng chuyền, CLB cồng chiêng, văn nghệ dân gian… Chiều hoặc tối đến, bà con cùng tập hợp nhau lại, gặp gỡ, luyện tập và giao lưu văn hóa - văn nghệ. Đây cũng là một hình thức tập hợp bà con, phát huy uy tín vai trò của già làng trong buôn để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với bà con.

Qua nhiều nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, hiện, Cư Kuin đã xây dựng được 107 bản hương ước, quy ước thôn, buôn văn hóa; có trên 97% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Toàn huyện có 22/26 buôn đã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phấn đấu đến năm 2013 thì 100% buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bằng nhiều hình thức tổ chức các hoạt động: hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca - dân vũ - diễn tấu cồng chiêng; thành lập các CLB văn nghệ dân gian… phong phú, hiệu quả và xóa bỏ dần tính hình thức ở các hội thi, có thể nói, cách làm này của huyện Cư Kuin đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân trên địa bàn và nâng cao ý thức trân trọng, giữ gìn những vốn quý của cha ông để lại. Đặc biệt, đã có sự chú trọng đến việc chuyển giao những giá trị văn hóa cổ cho thế hệ trẻ.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.