Multimedia Đọc Báo in

Buôn vui chơi, buôn ca hát: Hình thức bảo tồn văn hóa Tây Nguyên hiệu quả

16:05, 08/06/2011

Vài năm trở lại đây, có dịp về các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, ta lại được nghe âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng như đang mùa lễ hội. Đó là dịp các đội chiêng, đội văn nghệ của buôn luyện tập để cùng nhau tranh tài tại hội thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát” được duy trì, tổ chức hằng năm.

Một đội chiêng trẻ ở xã Yang Mao hăng say luyện tập chờ ngày thi tài.
Một đội chiêng trẻ ở xã Yang Mao hăng say luyện tập chờ ngày thi tài.

Một ngày tháng Tư, chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa cộng đồng buôn Cư Đ’răm, xã Cư Đ’răm, huyện Krông Bông đúng dịp buôn chuẩn bị tham gia hội thi. Trước nhà văn hóa cộng đồng rất đông người già, người trẻ tập đánh chiêng, tập hát, tập đan gùi. Gặp chúng tôi, già Ama Diện, buôn trưởng hào hứng: “Sắp tới buôn mình thi tài với buôn Chàm B. Có nhiều phần thi lắm, bà con buôn mình phải khẩn trương tập luyện để không thua kém buôn bạn. Nhiều người già trong buôn cũng đến xem và tận tình hướng dẫn lớp trẻ luyện tập, nhiều điệu hát, điệu chiêng cổ qua đây mà cũng được bảo tồn. Từ ngày được chọn tham gia thi buôn vui chơi, buôn ca hát, buôn Cư Đ’răm, buôn Chàm B vui lên hẳn. Chiều nào cũng vậy, khi xong việc nương rẫy, bà con lại tụ tập về nhà văn hóa buôn để cùng nhau tập hát, tập đánh chiêng. Ai được buôn chọn thi đấu nội dung nào thì vui mừng và vinh dự lắm nên đều chăm chỉ tập luyện.” Bà Nguyễn Thị Hòa, trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Krông Bông, một người nặng lòng với công tác sưu tầm, khôi phục những giá trị văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn chia sẻ: “Việc tổ chức buôn vui chơi, buôn ca hát là một hoạt động văn hóa rất phù hợp, không chỉ là dịp để bà con các buôn đồng bào được sinh hoạt, giao lưu, vui chơi, giải trí lành mạnh, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa cộng đồng. Mặt khác, nó còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp những người làm công tác văn hóa ở huyện nắm bắt, sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên một cách kịp thời và sớm có biện pháp bảo tồn, phát triển”.

Buôn vui chơi, buôn ca hát là môi trường thích hợp để phục dựng lại các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông.
Buôn vui chơi, buôn ca hát là môi trường thích hợp để phục dựng lại các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông.

Được duy trì từ tháng 5-2005 đến nay, “Buôn vui chơi, buôn ca hát” đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa mới mẻ, bổ ích, cuốn hút đông đảo nam nữ thanh niên và cả những người lớn tuổi cùng tham gia. Những nét đẹp truyền thống như: diễn tấu chiêng, hát đối đáp; những sinh hoạt truyền thống như giã gạo, đan gùi đến những hoạt động ẩm thực như ủ rượu cần ngon, nấu canh cà đắng… qua đó được khôi phục, gìn giữ. Sân chơi này không chỉ tái hiện lại nhiều hoạt động gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày cùng những lễ nghi trong đời sống tâm linh của cộng đồng, mà còn tạo môi trường cho diễn xướng cồng chiêng, biểu diễn các điệu múa dân gian. Mặt khác, qua các cuộc thi chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng, đánh chiêng, hát ay ray, kưt… mà các “năng khiếu” âm nhạc của lớp trẻ buôn làng được phát hiện, có điều kiện bồi dưỡng và trở thành thế hệ kế tục các nghệ nhân trong buôn. Không khí sôi nổi từ các trò chơi dân gian như: giã gạo, lẩy bắp, đan gùi nhanh, thi đẩy gậy, đi cà kheo đá bóng vào gôn… đã thực sự lôi cuốn được nhiều người dân các buôn tham gia, cổ vũ; qua đó cùng giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết.

 

Có thể khẳng định: qua 6 năm duy trì, tổ chức loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ này đã góp phần khơi dậy truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, gắn bó thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng buôn làng. Đó cũng là một trong những nỗ lực của ngành văn hóa tỉnh nhà trong việc thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

Lệ Văn

Ý kiến bạn đọc