Multimedia Đọc Báo in

Về Hòa Sơn, hiểu thêm văn hóa Mường

16:08, 08/06/2011

Từ Hòa Bình vào Hòa Sơn (huyện Krông Bông) sinh sống, lập nghiệp, người Mường vẫn giữ được truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trên vùng đất mới.

Đội văn nghệ Mường, xã Hòa Sơn tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Đội văn nghệ Mường, xã Hòa Sơn tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Những vò rượu cẩm ngất ngây men say, điệu múa sênh tiền uyển chuyển, các món ẩm thực bình dị, độc đáo… là những gì còn đọng  lại của xứ Mường trên đất Hòa Sơn hôm nay. Thôn 6 xã Hòa Sơn có 157 hộ, trong đó, có đến 105 hộ dân tộc Mường sinh sống và tại nơi này, vẫn còn nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc: lễ khai hạ, bí quyết làm nên những vò rượu cẩm chứa đựng tấm lòng mộc mạc, thơm thảo đến điệu múa rộn ràng làm đắm say lòng người. Đặc biệt, những cô gái Mường với bộ váy đen, áo pắn truyền thống duyên dáng, và đôi tay mềm mại trong điệu múa sênh tiền đã ru vào lòng người những thanh âm trong trẻo của xứ Mường. Chị  Bùi Thị Huyền (42 tuổi, dân tộc Mường, ở thôn 6) cho biết, từ nhỏ chị đã được các cụ già trong làng truyền dạy lại và “say” với điệu múa của dân tộc lúc nào không biết. Bây giờ, chị đã trở thành người trình diễn điệu múa sênh tiền đẹp nhất nhì ở Hòa Sơn. Ban ngày làm đồng, tối đến, rảnh rỗi mọi người cùng tụ tập nhau lại, tập hát các làn điệu quê hương như: Mời trầu, ru ủn (ru em), đập bồng bông và nhịp nhàng trong từng bước đi của điệu sênh tiền - một điệu múa không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, hội của người Mường… Yêu lời ca, điệu múa và quyết tâm gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình, nhiều người trong thôn đã đứng ra thành lập đội văn nghệ có tên là “Đoàn kết”, thu hút được đông đảo bà con tham gia. Không đợi đến lễ hội, khi rảnh rỗi, họ đều tụ tập nhau lại cùng đàn hát để không quên giai điệu quê hương. Bác Bùi Chí Vững, dân tộc Mường, người vào định cư ở đây từ sau giải phóng tâm sự, bác vui vì nhiều phong tục, nét đẹp của dân tộc vẫn còn được giữ lại đến ngày hôm nay trên mảnh đất mới. Mỗi khi nghe điệu hát cất lên, bác thấy trong lòng có một cảm xúc thật khó tả, như đang ở chính trên mảnh đất mà mình chôn nhau cắt rốn vậy…
Một tiết mục song ca của đội văn nghệ Mường, xã Hòa Sơn.
Một tiết mục song ca của đội văn nghệ Mường, xã Hòa Sơn.
Đặc biệt, một hoạt động mang đậm chất văn hóa Mường được tổ chức thường niên tại Hòa Sơn đó là lễ Khai hạ (lễ hội xuống đồng truyền thống của dân tộc Mường). Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng tôn kính các vị thần linh, cầu cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, mọi vật sinh sôi tươi tốt. Tại ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa, môn thể thao truyền thống được diễn ra như: thi văn nghệ, trèo cột mỡ, đi cầu kiều, ném còn và biểu diễn điệu múa uyển chuyển của dân tộc mình trong đôi bàn tay nhịp nhàng, mềm mại của các cô gái. Thêm vào đó là những hoạt động thể thao như: bóng đá, bóng chuyền… thu hút nhiều người dân địa phương và các xã lân cận tham gia, phần thi nào cũng để lại ấn tượng cho người xem và nhiều tiếng cười rôm rả. Không chỉ vậy, người Mường đến đây định cư còn mang theo sự phong phú về ẩm thực với nhiều nét nguyên sơ, độc đáo trong cách chế biến. Về Hòa Sơn, một lần được thưởng thức món canh loong (nấu từ nước thịt luộc với nõn chuối xắt mỏng, rắc ít lá lốt), thịt lợn của đồng bào luộc bày lá chuối, măng chua nấu thịt gà, thưởng thức vị rượu cẩm còn đọng lại hơi ấm nơi cuống họng, sẽ làm người ta nhớ mãi. Nhiều gia đình ở đây vẫn còn giữ bí quyết nấu rượu cẩm theo lối cổ, chủ yếu để phục vụ sinh hoạt trong gia đình hay trong các dịp lễ, hội của địa phương dùng để đãi khách. Rượu nơi này làm ra có vị thơm ngon đặc trưng, nồng say và thổ lộ hết niềm hiếu khách của gia chủ. Ông Đỗ Tấn Phan, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, người Mường trên đất Hòa Sơn bây giờ vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Các lễ hội truyền thống được chính quyền địa phương lưu giữ và tổ chức như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của bản làng sau những giờ lao động mệt nhọc. Qua đó, còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, kết nối cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong xã. Song, những nghi lễ, tập tục phức tạp và lạc hậu đã được bãi bỏ để phù hợp với hoàn cảnh mới.

 

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc