Multimedia Đọc Báo in

Dạ cổ hoài lang” – một “báu vật” trong đời sống tinh thần của người Việt

16:13, 14/08/2011

Nhạc sĩ cổ nhạc Cao Văn Lầu sinh năm 1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã rất thông minh và sáng dạ. Chưa đầy 5 tuổi, do bọn cường hào địa chủ ác bá ở vùng đất Cái Cui đặt ra nhiều thứ sưu thuế quá khắc nghiệt nên ông theo cha cùng một số gia đình nông dân khác rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn xuống ghe theo dòng nước tìm về vùng đất Bạc Liêu trù phú để lập nghiệp.

Đến vùng đất mới, ông được cha cho theo học một vị sư chủ trì chùa Vĩnh Phước An (có tên chữ là “Vĩnh Phước An tự”). Học được hai năm, nhân lúc phong trào chữ Quốc ngữ bắt đầu phát triển mạnh, ông chuyển sang học ở Trường Tiểu học Bạc Liêu. Học đến lớp nhì (nay là lớp 4), dù học rất giỏi, được thầy yêu, bạn mến, nhưng do gia cảnh quá nghèo nên ông phải bỏ học kiếm sống. May thay, lúc bấy giờ ở xóm Rạch Ông Bổn có ông thầy dạy đờn lừng danh lục tỉnh tên là Lê Tài Khị (tục gọi là Nhạc Khị) đang mở một lớp học. Thế là ông được cha gửi đến học cùng thầy Nhạc Khị. Nhờ siêng năng, sáng dạ bẩm sinh nên bốn năm bên thầy Nhạc Khị, ông đã tiếp thu nhiều tinh túy trong âm nhạc của thầy mà các bạn đồng môn không có được. Bốn năm học cùng thầy Nhạc Khị cũng là thời gian mà ông và cô con gái của thầy (cô Hai Sang) nảy nở mối tình duyên đằm thắm. Nhưng mối tình duyên không thành, cô Hai Sang đi lấy chồng. Đêm cô Hai Sang chuẩn bị lấy chồng, ông Sáu Lầu mặc chiếc áo rách ngồi đàn suốt đêm. Những tiếng đàn nặng trĩu sầu thương. Khi ông cởi chiếc áo rách ra vắt trên thành ghế, cô Hai Sang lén lấy rồi lặng lẽ vá áo cho ông trong đêm cô xuất giá. Những đường kim mối chỉ tuyệt đẹp như lời đoan thệ của người con gái trao trọn cho ông mối tình đầu. Khi Sáu Lầu mặc áo vào để về thì phát hiện mảnh vá. Mảnh vá ấy như một vết khắc tứa máu trong tâm hồn ông, hằn sâu một vết thương không bao giờ phai nhạt. Buồn tình, Sáu Lầu dẫn ban nhạc lễ đi chơi thâu đêm suốt sáng. Lúc này, ông là nhạc trưởng của một ban nhạc lễ lớn nhất đất Bạc Liêu. Điều lạ lùng là càng buồn, ngón đàn của Sáu Lầu càng du dương, nghe cứ ray rứt, đứt ruột. Ngón đàn đã làm nên danh tính nhạc sĩ cho Cao Văn Lầu trong công chúng Bạc Liêu. Giai đoạn đó lại xuất hiện phong trào ca ra bộ, ban nhạc lễ của ông tập luyện một số tuồng tích để cho chương trình phục vụ công chúng thêm phong phú.

Nhà tưởng niệm và mộ chí cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.  Ảnh: T.L
Nhà tưởng niệm và mộ chí cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. ( Ảnh: T.L)
“Điểm nút” thành công của ban nhạc là khi Sáu Lầu thu nhận cô Ba Vàm Lẽo (cô Ba quê vùng đất Vàm Lẽo). Cho đến nay, đã gần 100 năm trôi qua, đã có nhiều người cất công tìm hiểu nhưng thân thế sự nghiệp của cô Ba Vàm Lẽo cứ mơ hồ như sương như khói. Đương thời, cô Ba còn có tên khác là cô Ba Phấn do người đời đặt cho bởi mặt cô bình thường trắng như đánh phấn, môi đỏ tươi, mắt thăm thẳm buồn, dáng thanh thoát. Đặc biệt, giọng ca của cô truyền cảm lạ thường. Khi cô cất lên tiếng hát, dù ở nơi sang trọng lẫn chốn bình dân, không gian đều lặng yên như tờ, chỉ có tiếng hát réo rắt như tiếng suối, trầm lắng như tiếng lòng, dẫn dắt người nghe đến thoát tục mà cảm được những điều sâu lắng của tâm hồn. Tài sắc như thế, cô Ba Vàm Lẽo vụt sáng rực rỡ trên sân khấu lẫn đời thường. Từ đó, tiếng tăm ban nhạc của ông Sáu Lầu lan ra các tỉnh lân cận, lên đến Sài Gòn. Nhiều địa chủ, phú hào, quan lại mời ban nhạc đến nhà hoặc công sở để diễn. Công tử Bạc Liêu cũng thường xuyên rước ban nhạc đi chơi, một phần cũng do bị tài sắc của cô Ba Vàm Lẽo hút hồn. Nhiều công tử nhà giàu theo tán tỉnh nhưng cô cự tuyệt tất cả bởi giữa cô và nhạc trưởng Cao Văn Lầu đã nảy nở một mối tình đằm thắm. Đây là lần thứ hai ông Sáu Lầu yêu, yêu tha thiết như mối tình đầu. Vào một đêm, cô Ba Vàm Lẽo đi hát về, bọn giàu sang mà đê hèn vì quá yêu cô nhưng không được đáp lại nên đã nổi cuồng, bắt giết cô giữa đường rồi quăng xác xuống sông Bạc Liêu. Vụ án khiến người Bạc Liêu hết sức công phẫn, tiếc thương. Người đau đớn nhất chính là ông Sáu Lầu.

Mặc dù chưa nguôi ngoai hai mối tình đầy bi ai đó, người nhạc sĩ trẻ tài hoa này, nghe theo lời cha mẹ đã đem lòng yêu và cưới cô gái cùng cảnh quê ở vùng biển Bạc Liêu - cô Trần Thị Tấn. Gia cảnh cả hai người cũng nghèo, nên ngay sau ngày cưới, hai vợ chồng ông phải vất vả chạy ăn từng bữa. Đã ba năm trôi qua sau ngày cưới mà vợ ông vẫn chưa có con. Theo tục lệ lễ giáo phong kiến xưa thì “Tam niên vô tử bất thành thê”, thế là hai người đành phải tạm chia tay. Sau khi vợ đi rồi, ông như người mất hồn. Chính những đêm xa vắng, nhớ đến người vợ tần tảo đó, khúc ca “Dạ cổ hoài lang” (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) nổi tiếng của ông Sáu Lầu đã ra đời. Nguyên tác của bài ca đó như sau : “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi! Gan vàng thêm đau/ Đường dầu xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Còn đêm luống trông tin bạn/ Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu/ Vọng phu vọng luống trông tin chàng/ Lòng xin chớ phụ phàng/ Chàng là chàng có hay/ Đêm thiếp nằm luống những sầu tây/ Biết bao thuở đó đây sum vầy/ Duyên sắc cầm đừng lợt phai/ Là nguyện – cho chàng/ Hai chữ an – bình an/ Trở lại – gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi”. Vừa mới ra đời, “Dạ cổ hoài lang” đã nhanh chóng đi sâu vào lòng người mộ điệu, trở thành bài ca chính thống trên sân khấu cải lương Nam Bộ. Bài ca còn mượn lời tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng để nói lên nỗi niềm của những người dân ở vùng đất mới khẩn hoang trước những bất công của xã hội và chiến tranh. Đồng thời, “Dạ cổ hoài lang” cũng đưa ta về một thời đã xa, khi con người trong loạn lạc ước mơ được đoàn tụ, được sống trong tình yêu thương. Những cặp uyên ương dù quạnh quẽ, vẫn chung thủy hẹn ước chờ đợi nhau …Đặc biệt, cũng chính bản vọng cổ đã góp phần mang lại ánh hào quang cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, soạn giả sân khấu cải lương vùng đất Nam bộ.  GS-TS. Trần Văn Khê, từng khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như “Dạ cổ hoài lang” biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể” và “Bản nhạc có một giá trị, một hoàn cảnh đặc biệt, bởi hễ đi tới đâu trên thế giới, mỗi người Việt xa xứ nghe được bản này là rơm rớm nước mắt, “thân hải ngoại, tâm hướng nội” cũng là nhờ đi trên cánh nhạc của “Dạ cổ hoài lang”.

Nguyễn Thị Thọ

------------------------

*Tài liệu tham khảo: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – NXB Văn hóa – 1992, Báo Nhân Dân hằng tháng số 75, tháng 7-2003.


Ý kiến bạn đọc