Đội Nghệ thuật múa rối - Trung tâm Văn hóa tỉnh: “Tiếp lửa” cho loại hình nghệ thuật truyền thống
Những con rối ngộ nghĩnh, vở diễn sinh động của các diễn viên Đội Nghệ thuật múa rối thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh luôn có sức thu hút đặc biệt với các em thiếu nhi. Họ đã góp phần làm những câu chuyện cổ tích vốn quen thuộc, gần gũi trở nên sinh động và thú vị hơn, bồi đắp cho tâm hồn các em thêm những giá trị nhân văn cao đẹp. Đằng sau những con rối ngộ nghĩnh, đáng yêu, bằng niềm yêu nghề, họ đang nỗ lực hết mình để loại hình nghệ thuật độc đáo này còn mãi sức sống trong lòng khán giả địa phương.
Múa rối là nghệ thuật tạo hình không gian biểu cảm thông qua ngôn ngữ, hành động con rối. Loại hình nghệ thuật truyền thống này vừa mang tính giải trí, vừa góp phần định hướng giáo dục, nâng cao mỹ cảm cho các em ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Múa rối giống như âm nhạc, xiếc có đặc tính dân tộc và quốc tế, tồn tại dưới nhiều hình thức trình diễn như: rối dây, rối que, rối bóng… chia thành hai loại: rối cạn, rối nước. Tại tỉnh ta, Đội Nghệ thuật múa rối thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh chuyên về rối cạn, chủ yếu là: rối tay, que, mặt nạ và rối lùn. Thành lập năm 1991, đến nay, Đội gồm 8 thành viên gắn bó với nhau bằng niềm say nghề và nỗ lực mang “tiếng cười đến với trẻ thơ” trong và ngoài tỉnh. Mỗi một tiết mục biểu diễn mà đội góp mặt trong bất kỳ chương trình nào cũng làm cho khán phòng trở nên sôi động hẳn lên bởi những tiếng cười vồn vã, tiếng vỗ tay reo hò của các em thiếu nhi. Với niềm đam mê múa rối, hơn 20 năm qua anh Nguyễn Như Tình vẫn gắn bó với nghề. Anh tâm sự: “Diễn viên và con rối là một sự sáng tạo của nghệ sĩ. Bên cạnh đạo cụ, trang phục, diễn viên xuất hiện trên sân khấu với khả năng diễn xuất, hóa thân vào nhân vật là yếu tố lớn mang lại thành công cho vở rối. Phải yêu nghề thật sự thì mới có được những màn diễn kịch tính, người nghệ sĩ mới truyền được cảm xúc của mình đến khán giả thông qua con rối”. Ngoài vai trò diễn viên, anh Tình còn dàn dựng và viết nhiều kịch bản như: “Ăn khế trả vàng”, “Tạo hóa và con người”, “Trăng hội”…
Đội nghệ thuật múa rối thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn phục vụ các em thiếu nhi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. |
Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung Thu hay dịp lễ, tết là các thành viên trong đội lại hăng say luyện tập, chuẩn bị kịch bản, đạo cụ, tất bật với những chuyến đi để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật múa rối của các khán giả “nhí”. Có đến xem, chứng kiến các anh luyện tập, dàn dựng chương trình chuẩn bị cho một buổi biểu diễn mới thấy hết những khó khăn trong nghề. Giữa cái nắng oi bức của ngày hè cuối tháng 7, mang trong mình chiếc mặt nạ hình thù các con vật ngộ nghĩnh to đùng, trùm kín cả đầu, họ say sưa tập từng hoạt cảnh, nhập vai và diễn từng động tác, lời thoại cho thật nhuần nhuyễn. Được biết, cả đội đang luyện tập vở “Vui cùng chú Cuội” chuẩn bị cho hội Trăng rằm sắp đến. Một thành viên trong đội cho hay, thông thường để hoàn chỉnh một vở diễn với thời lượng 30- 40 phút, các diễn viên phải mất hơn một tuần để nhận vai, tự tập luyện ở nhà trước, sau đó lên “nối, nhập” vào với các vai khác sao cho thật “ăn khớp”. Hoàn thiện xong vở diễn có khi mất đến cả mười ngày. Vất vả, mệt nhọc là thế song, thù lao không được là bao, mỗi người có vài trăm nghìn đồng nhưng với niềm đam mê, họ vẫn gắn bó với đội, càng tập càng thấy say sưa và thêm yêu nghề hơn. Khó khăn nhất có lẽ phải kể đến những chuyến đi biểu diễn miễn phí phục vụ bà con và các em nhỏ vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn trong tỉnh. Mỗi buổi diễn thường bắt đầu lúc 19 giờ nhưng từ 14 giờ, các thành viên trong đội đã có mặt, chuẩn bị những thiết bị cần thiết để lên đường. Chiếc xe dừng lại, anh em mỗi người góp mỗi tay, dàn xếp loa thùng, nối hệ thống điện chiếu sáng, âm thanh. Có lẽ trong giới nghệ thuật thì diễn viên múa rối được xem là vất vả nhất, vì anh em phải chia sẻ nhau các công việc như: khuân vác con rối, cảnh trí, phông màn, dựng sân khấu cho những hoạt cảnh... Xong đâu vào đấy, các thành viên lại tất bật chọn trang phục, đạo cụ, hóa trang thành những con vật ngộ nghĩnh và đáng yêu: thỏ, mèo, gấu... sẵn sàng lên sâu khấu biểu diễn. Chương trình cho một đêm diễn gồm: các tiết mục rối ngắn, một vở rối và giao lưu với khán giả nhí, thông qua đó, tuyên truyền, giới thiệu để các em, cũng như người dân địa phương hiểu rõ hơn về bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đêm diễn thường kết thúc lúc 22 giờ, dòng người đông đúc đến xem tản ra, thưa thớt dần, chỉ còn những thành viên trong đội lặng lẽ khuân dọn đồ đạc, đạo cụ. Thu dọn xong, họ về đến thành phố cũng là lúc đồng hồ điểm 24 giờ. Tuy làm việc vất vả là vậy nhưng bù lại, đông đảo bà con đến xem đã làm cho không khí vui nhộn hẳn lên. Anh Tình tâm sự: “Kết thúc một vai diễn, mở con rối ra, mồ hôi ướt đẫm, mỏi mệt nhưng mà vui vì ai nấy đều cảm nhận được sự thích thú của khán giả “nhí”, các em cười ồ lên, nụ cười hồn nhiên, đáng yêu. Thậm chí, có em còn chạy đến, đưa tay sờ con rối, rồi thể hiện niềm yêu - ghét với từng nhân vật và cả… diễn viên nhập vai! Bấy nhiêu đó đủ để “tiếp sức”, nuôi dưỡng tình yêu múa rối cho mỗi diễn viên trong nghề”.
Với trẻ em, các câu chuyện cổ tích được kể bằng những con rối sinh động, ngộ nghĩnh luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng lại được. Có thể nói, ít có loại hình nghệ thuật nào lại gần gũi với các khán giả “nhí” như múa rối. Chính sự ngây thơ, nhí nhảnh trong cách tạo hình và khả năng điều khiển những chú rối của diễn viên Đội Nghệ thuật múa rối - Trung tâm Văn hóa tỉnh đã giúp các em tiếp nhận những bài học đạo đức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Thông qua họ, múa rối - loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã phát huy tác dụng của mình, vừa mang tính giải trí, vừa góp phần định hướng giáo dục, nâng cao thị hiếu, thẫm mỹ cho thiếu nhi...
Ý kiến bạn đọc