Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy nghệ thuật chèo truyền thống

06:41, 20/08/2011

Bắt nguồn từ tình yêu với hát chèo và lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương, nhiều người dân ở xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) đã tập hợp nhau tập luyện và lập Câu lạc bộ (CLB) chèo Ea Huar.

Họ là những người nông dân lao động chăm chỉ nhưng có tình yêu đặc biệt với những làn điệu chèo quê hương. Thành lập năm 2008, đến nay CLB chèo hiện có trên 20 thành viên tham gia luyện tập đều đặn. Ban đầu là những người quê ở Thái Bình vào Dak Lak lập nghiệp trên địa bàn xã Ea Huar tập hợp nhau lại, về sau, không chỉ những người dân “quê lúa” mới “say” với vốn văn hóa cổ của quê hương mình mà nhiều người vùng quê khác đang sinh sống trên địa bàn cũng “mê mẩn” với loại hình nghệ thuật này. Yêu thích hát chèo, có hội viên đã tự sắm sửa áo tứ thân, khăn vấn, các dụng cụ: nhị, trống… tự luyện tập. Sau này, được UBND xã Ea Huar hỗ trợ kinh phí mua trang phục, đạo cụ phục vụ cho CLB chèo. Ban ngày vất vả với việc ruộng đồng, tối đến, các thành viên lại tụ tập tại nhà một thành viên nào đó để cùng tập luyện, hướng dẫn cho nhau điệu chèo mới, cất lên tiếng hát thiết tha. Nhiều người ở các thôn xa, cách 6,7 cây số cũng không quản gió mưa, lặn lội đến tập. Có không ít những mái đầu đã điểm bạc nhưng vẫn toát lên được sự khỏe khoắn và niềm vui, say mê theo từng câu hát. Chưa có đủ điều kiện để dựng những vở lớn, CLB chủ yếu tập các trích đoạn, vở chèo ngắn, hoạt cảnh, song ca, đơn ca…

Sau những giờ lao động mệt mỏi, các thành viên CLB chèo Ea Huar ngồi lại với nhau, trao đổi, hát cho nhau nghe điệu chèo quê hương.
Sau những giờ lao động mệt mỏi, các thành viên CLB chèo Ea Huar ngồi lại với nhau, trao đổi, hát cho nhau nghe điệu chèo quê hương.
Cụ Nguyễn Đức Huề (64 tuổi), một “kép” chính, được coi là “sành sỏi” nhất trong đội cho hay, chèo Thái Bình mộc mạc, đơn giản nhưng các đạo cụ thì lại phải tuân theo những quy luật nghiêm ngặt của phần đệm. Thông thường, để tập được các điệu chèo đơn giản, các thành viên phải mất hơn 1 tuần. Hiện, CLB đã tập nhuần nhuyễn các điệu: luyện năm cung, quân tử phu dịch, hát sử, tò vò.  Từ tình yêu với nghệ thuật hát chèo, các thành viên của CLB đã miệt mài tìm kiếm những điệu chèo cổ để cùng nhau luyện tập. Nhiều lời chèo cổ đã được các hội viên tìm lại và hướng dẫn cho nhau. Hằng năm, trong các dịp liên hoan, ngày lễ, ngày hội văn hóa các dân tộc, các chương trình ca nhạc của xã, huyện... đều có CLB hát chèo tham gia. Nhiều tiết mục do các cụ biểu diễn đã tạo được dấu ấn riêng, đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh như: Ngồi tựa mạn thuyền, Trích đoạn Lưu Bình- Dương Lễ, Những mùa lúa nhớ ơn Bác... Từ đó, họ làm lan tỏa niềm đam mê chèo đến những người dân ở địa phương. Ngoài ra, CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân các xã lân cận.  Bác Vũ Thị Tràn, Chủ nhiệm CLB cho biết, hầu hết hội viên đều ở độ tuổi từ  50 đến 70, tuy có tuổi nhưng các cụ vẫn chăm chỉ luyện tập đều đặn và tình yêu dành cho điệu chèo quê hương thì lúc nào cũng nồng thắm. Đam mê chèo từ nhỏ, khi vào Dak Lak lập nghiệp, bà Tràn đứng ra tập hợp mọi người có cùng sở thích và thành lập CLB; đồng thời, cũng là để con cháu có cơ hội học hỏi tiếp tục phát huy vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Giữa bộn bề của cuộc sống, đêm đến, nghe tiếng chèo vang lên, bao nhiêu mệt nhọc tan biến làm họ cảm thấy thêm yêu cuộc sống này  hơn. CLB hát chèo đương là một trong những nét đẹp của đời sống tinh thần người dân xã Ea Huar.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.