Nhớ lại chuyến về thăm bon làng Sarluk của nhà nghiên cứu dân tộc học Georges Condominas
Giáo sư, nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp Georges Condominas, người tìm ra bộ đàn đá tại bon Nduk Liêng Krăk và đã từng sống với đồng bào dân tộc M’nông Gar thuộc bon SarLuk trong những năm chiến tranh ác liệt (1946 – 1950), vừa từ trần ngày 17-7-2011 tại thủ đô Pari (Pháp) đã để lại lòng thương tiếc, cảm phục của giới nghiên cứu Folklore trong và ngoài nước.
Nhớ lại cách đây hơn 5 năm (tháng 3-2006), Georges Condominas đã đưa con trai và nhóm nghiên cứu văn hóa của Bảo tàng Louve, Pari (Pháp) về thăm bà con bon làng Sarluk (nay là bon Rơ Cai A), xã Krông Knô (Lak). Đây là chuyến thăm bà con Sarluk cuối cùng của ông bởi năm 2006, ông đã bước qua tuổi 86, cái tuổi mà người phương Đông gọi là “xưa nay hiếm”.
Hôm ấy, từ trên chiếc xe du lịch bước xuống, thoáng mắt nhìn quang cảnh bon làng, Condominas vô cùng xúc động, bởi sau bao nhiêu năm, vùng đất này đã có nhiều đổi thay: Đường sá mở rộng, nhà cửa đông đúc, điện đã đến mọi nhà, đặc biệt không còn cảnh thiếu ăn, đói khổ như trước nữa. Condominas đứng giữa con đường đất đỏ của bon Sarluk quan sát nhà cửa, vườn cây, sông núi một hồi lâu, rồi ông rảo bước trên con đường mòn thân quen mà cách đây 60 năm ông đã từng gắn bó. Ông đi qua khu vườn xưa kia có ngôi nhà thân quen của mình. Ông đi đến từng gia đình có người thân trước đây là bạn bè một thủa với ông để hỏi thăm sức khỏe và đời sống của họ. Nhiều bạn bè của ông thời ấy nay đã không còn, ông rơm rớm nước mắt kể lại bao kỷ niệm vui buồn của mình về những người bạn đã quá cố cho mọi người trong bon làng nghe. Ông đến nhà bà H’Srang (một trong những người bạn gái của ông trước đây). H’Srang năm nay đã gần 80 tuổi, mắt đã lòa, nhưng đôi chân còn khỏe. Nghe tiếng nói của Condominas “mình đến thăm bạn đây”. Bà H’Srang bước đến, hai tay nắm chặt Condominas rồi bà sờ từ tay lên vai, lên mặt của bạn mình mà thốt lên: “Yo! Condo thật đây rồi! Bạn có khỏe không?”. “Mình khỏe lắm” – Condominas trả lời và giới thiệu: “Đây là con trai của mình”. Chàng trai khoảng chừng 19 tuổi bước đến bắt tay bà H’Srang và nói: “Con là con trai út của Condominas đây! Con xin chào bà”. Bà H’Srang gật đầu, nắm tay chàng trai thật chặt rồi sờ lên khuôn mặt của chàng như muốn hình dung ra khuôn mặt của chàng trai xem có giống Condominas không. Sau đó bà gọi con gái đầu tên H’Lang và các cháu ra gặp mặt cả hai bố con Condominas với cử chỉ chân thành trìu mến như đón chào người thân đi xa trở về. Bà H’Srang nói: “Mình lấy Kpao, bạn của Condominas làm chồng, hai người chưa được mụn con nào thì Kpao mất. Sau này mình lấy Y Par sinh được một con gái, hai con trai. Các con mình đều đã trưởng thành và có gia đình cả rồi. Gia đình mình hiện có con đẻ, con dâu, con rể, cháu chắt cả thảy 15 người”. Nghe H’Srang nói vậy, Condominas cười vui vẻ: “Bon Sarluk trước đây chỉ có hơn 10 nóc nhà, với gần 50 người, gia đình bạn hiện nay đã bằng 1/3 người dân bon Sarluk ngày xưa rồi đó”. Nghe đến đây mọi người cùng cười lên vui vẻ.
Ông Condominas thăm và chuyện trò thân mật với những người bạn (bà H’Srang, ông Ama Wil, ông Y Kliêng) tại bon Sa Luk, xã Krông Nô, huyện Lak. |
Condominas trò chuyện với bà H’Srang một hồi lâu rồi theo già làng Ama Wil đi thăm một số gia đình trong bon Sarluk, sau đó ông quay về khu vườn của mình, hiện chỉ còn trơ trọi một gốc mít, thân to xù xì khoảng hai người ôm. Khu vườn rộng khoảng gần một sào đất nằm bên bờ sông Krông Knô, có đường lên xuống bến nước. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát các ngọn núi: Juk Krơ Jí, Pa Ría, Juk Yang Bon, Juk Kơ Rang… và nhìn thấy thượng nguồn sông Krông Knô hiền hòa trôi chảy.
Sau khi đứng bên gốc mít chụp ảnh với hai bố con ông Condominas, già làng Ama Wil kể: Đầu năm 1946, ông Condominas được bà con buôn Sarluk làm cho một ngôi nhà dài trệt, mái vòm giống như ngôi nhà cổ truyền của người dân trong bon. Sống với bon làng Sarluk, Condominas đã kết nghĩa anh em với bà con trong bon như già làng Ama Liêm, Y Krao, Ama Wil, H’Lang, H’Srang… và học nói thành thạo tiếng M’nông Gar. Ông được mọi người trong bon quý trọng và coi như một thành viên thực thụ của bon làng. Ông sống hòa nhập với cộng đồng, hằng ngày cũng đi lên rẫy trỉa lúa, bắp với đồng bào. Mùa nước cạn ông đi bắt cá với trai gái trong bon, có ngày được nhiều cá ông chia cho mọi người trong bon cùng ăn. Ông cũng ăn gạo rẫy, rau rừng, uống nước sông Krông Knô và hút thuốc rê, như mọi người dân Sarluk. Ông sống gần gũi với mọi người, luôn thông cảm, chia sẻ những vui buồn, gian khổ, no đói với bà con. Trong bon hễ có ai ốm là ông đến tận nhà cho thuốc, thăm hỏi bệnh tình. Nhiều người mắc bệnh sốt rét, dịch hạch… nhờ có thuốc của ông mà qua khỏi. Mỗi lần lên tỉnh về ông đều mua quà: Gạo, muối, vải, quần áo, thuốc lá, bánh kẹo… về cho mọi người trong bon, nên mọi người trong bon đều rất quý ông và gọi ông bằng một cái tên thân thiện: Yo Sarluk (Yo: tiếng M’nông là ông, người đáng kính; còn Sarluk là tên bon làng).
Trưa hôm ấy, chúng tôi cùng ông Condominas và nhóm cán bộ Bảo tàng Louve ăn bữa cơm đạm bạc tại nhà người con gái của ông Ama Liêm. Tại đây, ông Ama Wil và bà con Sarluk đã bưng ché rượu Rlung ra mời khách. Chiều hôm ấy, Condominas cùng mọi người ra viếng mộ người bạn thân tên là Y Bưr (Ama Liêm) đã quá cố. Chính nhờ ông Y Bưr mà Condominas đã tìm được bộ đàn đá 10 thanh tại bon Nduk Liêng Krăk năm 1948. Hiện nay bộ đàn đá này đang được trưng bày tại Bảo tàng Con người ở Paris. Bộ đàn đá đã được các giới nghiên cứu âm nhạc học, dân tộc học, sử học đánh giá cao.
Viếng xong mộ bạn, Condominas dẫn mọi người đến thăm thần đá Gô của bon làng Sarluk mà trong cuốn sách xuất bản tại Paris năm 1952 “Chúng tôi ăn rừng thần đá Gô”, Condominas đã mô tả rất kỹ. Nhưng trời đã về chiều vì sợ tối nên đoàn chúng tôi chỉ đến dưới chân núi thần đá Gô.
Ông Condominas chia tay mọi người trong niềm lưu luyến bịn rịn. Những giọt nước mắt lăn trên gò má Condominas và những người già bon làng Sarluk, những bàn tay vẫy vẫy tiễn đưa. Condominas bước lên xe và xúc động nói với bà con buôn Sarluk: Aurevoir (Hẹn gặp lại).
Nhà dân tộc học Condominas mất đi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu văn hóa bản địa của ông đã để lại những bài học quý giá cho hậu thế.
Trương Bi
Ý kiến bạn đọc