Multimedia Đọc Báo in

Vương Quốc Kim và 15 năm đến với ảnh nghệ thuật

16:28, 07/08/2011

Kỷ niệm 15 năm đến với nhiếp ảnh nghệ thuật, NSNA Vương quốc Kim đã cho ra mắt cuốn sách ảnh đầu tay mang cái tên giản dị “Vương Quốc Kim Photo Album”. Cuốn sách chỉ giới thiệu 35 bức ảnh, trong số hàng trăm bức ông đã sáng tạo. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, đã đủ để khẳng định tên tuổi của ông trong “làng” ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Đôi bạn già.
Đôi bạn già.
Làm nghề ảnh từ tuổi thiếu thời, nhưng mãi năm 1996, lúc đã 56 tuổi, ông mới đến với nhiếp ảnh nghệ thuật và liền đoạt ngay các giải thưởng cao: Huy chương vàng, bạc của Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) bằng các tác phẩm Chồi, Mẹ M’nông. Kể từ đó đến nay, năm nào ông cũng “hái được quả ngọt” từ các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước, nhiều nhất là các cuộc thi ảnh quốc tế, khiến cái tủ kính rộng hơn 2 m2 dùng để trưng bày các huy chương, cup, bằng chứng nhận của ông chật ních. Thống kê chưa đầy đủ, đến nay ông đã đoạt tới 216 giải thưởng nhiếp ảnh, trong đó có hơn 40 huy chương vàng, cup vàng của FIAP và các tổ chức nhiếp ảnh quốc tế khác: Mỹ, Nhật, Úc, Singapo, Đức, Pháp, Brazin, Canada, Hồng Kông, Macao, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Croattia, Trung Quốc… Không chỉ được công nhận là NSNA Việt Nam mà ông còn được tôn vinh là NSNA danh dự xuất sắc của 8 tổ chức nhiếp ảnh nước ngoài. Vì vậy, nói đến cái tên Vương Quốc Kim thì hầu hết “dân chơi” ảnh nghệ thuật ở Việt Nam không mấy người không biết. Có thể nói, bây giờ ông đã là một “tay máy vàng” của nhiếp ảnh Việt Nam.
Đến với nhiếp ảnh, ông là người rất tự hiểu mình: Chỉ mạnh ở thể loại chân dung, nhất là chân dung trẻ em, người già, nên ông “một nắng hai sương chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng thế mạnh” của mình, ít khi ông nhảy sang thể loại khác. Ảnh chân dung của ông hễ nhìn là “bắt mắt” ngay, bởi cái thần của nhân vật nó lồ lộ qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ và đôi khi chỉ là giọt lệ nơi khóe mắt, hoặc đang lăn dài trên gò má… Ông rất khéo léo và cẩn trọng trong xử lý chi tiết, tông màu, ánh sáng khi chụp và cả khi làm buồng tối (thời còn chụp bằng phim nhựa), hoặc bằng phần mềm photoshop (hiện nay) để làm nổi bật điều ông mong muốn. Vì thế ảnh của ông thường “sạch”, không rườm rà chi tiết, rất hiếm khi có chi tiết thừa.
Mẹ và bé.
Mẹ và bé.
Không chỉ làm ta bị “bắt mắt” cuốn hút không thôi, mà ảnh của ông còn gây cho ta  cảm xúc mạnh ngay khi mới nhìn; và ta dễ dàng nhận ra vấn đề tác giả muốn nói mà không phải cần đến quá trình “đọc ảnh” mới hiểu tác phẩm. Ông quan niệm ảnh nghệ thuật là loại hình nghệ thuật trực giác, có bổn phận mang đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ, nhân văn; và vì vậy ảnh phải bắt mắt cuốn hút người xem, thông điệp của bức ảnh phải rõ ràng. Xem bức ảnh Mẹ và bé ta không chỉ bị cuốn hút bởi cái thần toát ra từ đôi mắt đứa bé trong trẻo, thơ ngây, xinh xắn, khỏe mạnh, đôi mắt của người mẹ nhìn con tràn đầy âu yếm, yêu thương, tự hào, mà còn thấy rộng ra vẻ đẹp của xã hội, của cuộc đời, thấy được cả tương lai dân tộc. Hay như bức Đôi bạn già ta thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của hai bà mẹ dân tộc thiểu số Tây Nguyên, già nhưng không sầu bi, già nhưng vẫn vui sống trong tình thương yêu của bạn bè đồng loại, già nhưng vẫn tin tưởng ở cuộc sống hôm nay và ngày mai… Qua bức ảnh này ta còn thấy được cả phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của một vùng đất đầy yêu thương và đầy hấp dẫn của Tổ quốc chúng ta…

Khác với nhiều người khi chụp ảnh người già dân tộc thiểu số Tây Nguyên thường thiên về khai thác nét nhăn nheo, khắc khổ, lạ lùng trên khuôn mặt, hay vóc dáng của họ, Vương Quốc Kim chủ yếu tìsm đến những khoảnh khắc vui tươi nhất, như bà đang nựng cháu, vui đùa với cháu, các cụ già đang chuyện trò thân mật với nhau, đang cùng uống rượu cần, hoặc đang ở những giây phút thăng hoa của tâm hồn… Và vì vậy dù là chụp ảnh người già nhưng ảnh của ông bao giờ cũng có hậu, thấy niềm tin, thấy sự tiếp nối và tương lai mở ra rộng dài phía sau bức ảnh.

Ông cũng là người có quan điểm nhiếp ảnh khác với nhiều đồng nghiệp. Khi nhiều người cho rằng nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc, phải hết sức tôn trọng khoảnh khắc, thì Vương Quốc Kim lại cho rằng chỉ nhiếp ảnh báo chí mới cần tôn trọng khoảnh khắc. Còn nhiếp ảnh nghệ thuật cái cần nhất là phải xây dựng được hình tượng có tính thẩm mỹ cao. Và vì vậy người nghệ sỹ có quyền mời người mẫu, dựng cảnh, miễn sao cách bài trí, dựng cảnh đúng với thực tế, tự nhiên, không gượng gạo…

Phải chăng từ quan niệm đó cùng với niềm đam mê sáng tạo, liên tục đi săn tìm người mẫu khắp các buôn làng Tây Nguyên không hề biết mệt mỏi (dù năm nay đã 72 tuổi) đã giúp ông thành công, khẳng định được tên tuổi của mình trong “làng” nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam? 

Đặng Bá Tiến

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.