Cồng chiêng của người Cơ Tu Quảng Nam
Do đặc điểm cư trú, hiện người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam sinh sống thành 3 vùng: Người Cơ Tu vùng cao, người Cơ Tu vùng trung, người Cơ Tu vùng thấp nhưng họ đều xem cồng chiêng là loại hình văn hóa nghệ thuật mang đậm đà bản sắc dân tộc mình, có mặt trong những lễ hội truyền thống tưng bừng của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), Lễ bỏ mả (Têng-ping), Lễ ăn mừng nhà Gươl (Lang Tơrí), trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, bạn bè, đón mừng ngày vui chiến thắng, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu (Pơ-ngoót)…
Khi tìm hiểu về các nhạc cụ truyền thống, trong đó có cồng chiêng của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, các nhà nghiên cứu, một số nhạc sĩ… đều cho rằng: người Cơ Tu vùng cao, người Cơ Tu vùng trung có tiết tấu cồng chiêng chậm và trầm, người Cơ Tu vùng thấp có tiết tấu cồng chiêng nhanh, rộn rã. Được biết, người Cơ Tu dùng hai loại chiêng: chiêng bằng và chiêng núm với 6 chiếc to, nhỏ khác nhau. Người Cơ Tu thường tấu nhạc điệu cồng chiêng bằng cách tác động vào núm cồng, vào điểm giữa của chiêng, kết hợp với dùng tay trái chặn vào mặt sau ở vào thời điểm cần thiết (tức là ngắt tiếng). Đó là kỹ thuật, là nghệ thuật trong cách đánh cồng chiêng của người Cơ Tu. Họ thường gõ cồng chiêng bằng dùi có bọc vải ở đầu, bằng dùi để trần là một đoạn cây dát mỏng, mềm, lúc họ lại tấu cồng chiêng bằng phần mềm của nắm tay.
Múa hát cồng chiêng tại lễ hội. (Ảnh: T.L) |
Cồng chiêng của người Cơ Tu là một loại hình âm nhạc, văn hóa truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc. Cồng chiêng với họ là một thế giới âm thanh lạ lùng, đa năng kỳ bí trong không gian nguyên sơ của núi rừng đại ngàn. Với họ, cồng chiêng là một phần nói lên sự giàu có, niềm kiêu hãnh… mà là thứ ngôn ngữ nối con người với thế giới siêu nhiên: Yàng, thần linh, ông bà, thể hiện những tình cảm vui buồn, đặc biệt là sự lạc quan, yêu đời của một cư dân đã từng gắn bó bao đời trên vùng núi rừng đại ngàn.
Ý kiến bạn đọc