Multimedia Đọc Báo in

Những "gánh hát" đắt sô

08:29, 11/09/2011

Du khách đến các tuyến, điểm du lịch văn hóa – sinh thái khá nổi tiếng như Hồ Lak, Bản Đôn… không chỉ để thăm thú phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng mà còn có nhu cầu khám phá, tìm hiểu và thỏa mãn vốn văn hóa đặc sắc, độc đáo của các tộc người bản địa. Đáp ứng nhu cầu ấy, một số nhóm biểu diễn văn hóa, văn nghệ dân gian bản địa ra đời để phục vụ các “thượng đế”…

Nhiều du khách đến Dak Lak theo các tour du lịch văn hóa - sinh thái đã cảm thấy quá quen thuộc trước các “món ăn” được lặp đi, lặp lại… thậm chí lệch lạc do các đơn vị làm du lịch ở đây bày ra. Du khách đến các tuyến, điểm du lịch văn hóa - sinh thái khá nổi tiếng ở cao nguyên này như Hồ Lak, Buôn Đôn không chỉ để thăm thú phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng… mà còn  có nhu cầu khám phá, tìm hiểu và thỏa mãn vốn văn hóa đặc sắc, độc đáo của các tộc người Êđê, M’nông ở đây. Vốn văn hóa ấy được thể hiện qua đời sống sinh hoạt thường nhật của mỗi cộng đồng dân tộc; ẩn chứa những kỳ bí trong nghi thức tín ngưỡng, lễ nghi, phong tục và hiển hiện sinh động từ mỗi động tác diễn tấu âm nhạc truyền thống (cồng chiêng, nhạc cụ bằng tre nứa) quen thuộc. Ai cũng muốn một đêm ngủ lại trong các buôn làng, được thấy và nghe chính chủ nhân của vốn văn hóa này phục vụ mình bằng tình cảm chân thật, sự hiểu biết văn hóa bản địa sâu sắc và toàn vẹn nhất. Vậy mà nói như một số người rằng: điều đó thật khó, bởi hầu hết các đơn vị khai thác, kinh doanh du lịch ở đây - thay vì mời nghệ nhân là người bản địa đáp ứng mong muốn trên cho du khách, thì họ đưa “người nhà” của mình vào thay thế, khiến mọi người thất vọng, nhất là đối với những du khách có hiểu biết về vốn văn hóa bản xứ.

Đội chiêng buôn Kô Sia (TP. Buôn Ma Thuột) là điểm đến của nhiều du khách khi có nhu cầu thưởng lãm vốn văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa.          Ảnh: Đ.Đ
Đội chiêng buôn Kô Sia (TP. Buôn Ma Thuột) là điểm đến của nhiều du khách khi có nhu cầu thưởng lãm vốn văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa.
Từ sự hụt hẫng do sự thiếu chân thật trong việc mở ra “cánh cửa văn hóa” của các tộc người bản địa cho bạn bè thưởng lãm và cảm nhận, hiện nay trên địa bàn Dak Lak đã có một số nhóm biểu diễn văn hóa, văn nghệ dân gian ra đời nhằm phục vụ nhu cầu của “thượng đế”. Ở TP. Buôn Ma Thuột có đội chiêng buôn Kô Sia đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Không như trước là họ thụ động ngồi chờ ngành văn hóa mời tham gia biểu diễn trong các dịp lễ lượt, hội diễn sân khấu chuyên và không chuyên do tỉnh và các bộ, ngành tổ chức hàng năm, mà nay họ đã chủ động lên chương trình biểu diễn phục vụ những ai có nhu cầu tại nhà riêng của nghệ nhân Y Míp, hoặc tại các nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Nghệ nhân Y Míp, đội trưởng nhóm chiêng cho rằng, cũng do du khách đã nhàm chán, quay lưng lại với các sản phẩm văn hóa bản địa “giả cầy”, hời hợt tại các tour du lịch văn hóa - sinh thái, cũng như tại nhiều tụ điểm giải trí trên địa bàn Dak Lak, nên nhiều người tìm đến với đội chiêng Kô Sia để được thưởng lãm giá trị văn hóa đích thực. Theo ông Y Míp, những bài chiêng cổ T’rônyang (Gọi Yàng), Ghat Khơiang (Múa khiên), (Hiệu lệnh săn voi)… của người Ê đê do nhóm nghệ nhân của đội chiêng này “độc quyền” diễn tấu đã thu hút và làm hài lòng đông đảo du khách.

Ngoài đội chiêng buôn Kô Sia, nay có thêm nhóm của nghệ nhân Y Thim Byă, ngày càng được nhiều người biết và tìm đến. Y Thim bảo: Nhiều người tìm đến vì sự chân thật và phong phú của chương trình. Không như các nghệ nhân buôn Kô Sia, chỉ diễn tấu mỗi cồng chiêng, ở đây họ còn biểu diễn cả dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ truyền thống (hát Aray, hát kưưk, thổi đing buốt, đing năm tak tar, tù và, đing pah, đàn T’rưng…).Những nghệ nhân trong nhóm là người thân trong gia đình Y Thim và những người am hiểu văn hóa dân tộc Êđê được mời từ buôn Ea Bông (xã Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột) trực tiếp tham gia, lấy ngôi nhà dài của anh ở buôn Ea Bông làm điểm đến cho du khách. Bình quân mỗi tháng có từ 3-5 đoàn về đây nghỉ lại và thưởng lãm. Ngoài ra, các công ty du lịch lữ hành, các điểm du lịch văn hóa - sinh thái (Buôn Đôn, Hồ Lak ) và nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Dak Lak (DAKRUCO, Thắng Lợi, Hoàng Lộc, Cao Nguyên…) đặt hàng mời nhóm phục vụ du khách từ 12-15 lượt/tháng. Hơn thế, ban tổ chức một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ khu vực và quốc gia cũng thường có lời mời nhóm nghệ nhân này tham dự. Y Thim cho biết, đội diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc trẻ của nhóm đã tham gia biểu diễn tại Lễ hội “Thế giới tuổi thơ” được Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6 vừa qua. Và từ đầu tháng 8 đến nay, nhóm Y Thim lại ra Thủ đô Hà Nội tham dự Ngày hội văn hóa các làng dân tộc Việt Nam; biểu diễn phục vụ cho đại biểu - là khách mời của Ủy ban Dân tộc nhân kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa XIII và tại Trụ sở của Tổ chức UNESCO ở Thủ đô Hà Nội.

Có thể nói, bất cứ ai khi được xem các sô diễn của nhóm nghệ nhân Y Thim đều tỏ ra hài lòng trước sự độc đáo và trung thực với vốn văn hóa truyền thống của họ. Ngoài đội chiêng trẻ 15 em diễn tấu chiêng K’nah (chiêng đồng), chiêng K’ram (chiêng tre) hết sức nhuần nhuyễn trên nền dân ca, dân vũ cổ T’lang gưr (Bay lên chim Grư), Khơt H’gơr (múa hát trong lễ bọc trống) và Mặpmoh T’rai (mời rượu theo nghi thức thác đổ)… người xem sẽ còn ấn tượng hơn với tiết mục độc tấu đàn T’rưng và kèn đing buốt của “nghệ nhân nhí” 11 tuổi Y Thu Êban (con trai út của Y Thim) qua bài dân ca Êđê “Gọi cháu về”. Nét độc đáo ở đây là Y Thu đã mê hoặc mọi người bằng sự kết hợp của diễn tấu âm nhạc và hát kể tác phẩm trên.. Sự xúc động chân thành đó được làm nên từ một câu chuyên cổ, là vốn văn hóa đích thực, không thể lẫn vào đâu được của tộc người Ê đê bản địa - NSƯT Vũ Lân (Hội VH-NT Dak Lak) đã đánh giá như thế sau khi xem sô diễn này.

Nghệ nhân Y Míp (còn gọi là Ma Kim), trưởng đội cồng chiêng Kô Sia cho rằng, đào tạo nghệ nhân kế thừa vốn văn hóa cha ông là điều rất quan trọng. “Chảy máu” chiêng ché, thất lạc và thậm chí mất đi bài bản không quan trọng bằng mất nghệ nhân. Bởi chính họ là người nắm giữ, tiếp nối nguồn mạch văn hóa của dân tộc mình. “Tình trạng đứt gãy” lớp người kế tiếp đang là nỗi lo không chỉ trong nhóm cồng chiêng của ông mà ở các đoàn ca múa nhạc dân tộc Dak Lak cũng trở thành vấn đề bức xúc hiện nay, khiến sức sống, sự lan tỏa của nền văn hóa bản địa nói chung trên địa bàn Tây Nguyên trở nên phai lạt, méo mó… Điều đó cũng giống như việc muốn có một ngọn lửa thật sáng, thật to thì phải có củi thật nhiều. Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của bất kỳ dân tộc nào cũng vậy thôi! Ông Y Míp ví von thêm.

Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc