Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột): Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Cuộc sống đang ngày một đổi thay, trong lúc những nét văn hóa truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một thì đồng bào xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn duy trì, tìm về giá trị văn hóa cổ. Đã có không ít những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể xưa được tìm lại, bảo tồn và phục dựng.
Già làng Ama Song (buôn KMrông Prơng A) cùng chúng tôi đi trên những con đường làng trải nhựa rộng rãi, thông thoáng; hai bên lối đi là những nếp nhà sàn xinh xắn, lấp lóa trong nắng sớm. Bên khung cửa sổ một ngôi nhà vọng tiếng lách cách - đó là tiếng thoi trên khung dệt của Aduôr H’Mưa đang tỉ mỉ dệt những bộ váy áo thổ cẩm. Già Ama Song cho biết, hiện nay ở buôn KMrông Prơng A vẫn còn nhiều người biết dệt nên những tấm thổ cẩm sắc sảo và đẹp như Aduôr H’Mưa. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Aduôr H’Mưa mang khung cửi ra dệt và truyền nghề lại cho con cháu. Không chỉ còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, nhiều gia đình còn duy trì được nghề đan gùi. Hầu hết các gia đình ở đây đều tự tay dệt thổ cẩm và đan gùi để phục vụ sinh hoạt của gia đình mình. Đặc biệt, nhiều gia đình Êđê còn lưu cất, giữ gìn cẩn thận các bộ chiêng cổ và xem như món đồ quý, thiêng liêng mà ông bà mình đã để lại. Mỗi khi làng có lễ, hội, tiếng cồng chiêng lại vang lên, làm náo nức lòng người, hướng tâm hồn mỗi người về với ông bà, tổ tiên. Tranh thủ những dịp ấy, già Ama Song lại cùng với nghệ nhân Y Sơn Niê chỉ bảo, dạy cho con cháu trong buôn về cách đánh chiêng để thế hệ trẻ không quên được những giá trị truyền thống của đồng bào mình và tham gia vào các hoạt động giao lưu, lễ mừng lúa mới, các đợt liên hoan do xã tổ chức.
Diễn tấu chiêng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Ea Tu năm 2011. |
Xã Ea Tu có 12 thôn, buôn, gồm 3.187 hộ, với gần 15.000 người sinh sống, trong đó, có đến 50% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống vật chất có những chuyển biến tích cực, bà con chú trọng đến đời sống tinh thần và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Để duy trì những nét đẹp văn hóa của dân tộc, những năm gần đây, xã Ea Tu đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ như: Hội thi Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phục dựng các lễ, hội của đồng bào… tạo sân chơi lành mạnh, làm phong phú đời sống tinh thần cho bà con. Đặc biệt, hằng năm, xã đều tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng thu hút hơn 100 nghệ nhân và thanh thiếu nhi đến từ các buôn tham gia góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy những giá trị âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ. Chị H’Triệu Kđoh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết, hầu hết các thôn, buôn đều có đội văn nghệ, đội cồng chiêng sinh hoạt sôi nổi. Thông qua những buổi sinh hoạt, họp dân, các già làng đã lồng ghép, vận động bà con nâng cao ý thức giữ gìn những vốn văn hóa cổ của dân tộc mình, dạy cho thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Hiện tại, xã đang có kế hoạch kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, đồng thời có những hoạt động, biện pháp tích cực để góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào.
Ý kiến bạn đọc