Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo ASEAN+3 về phát triển nguồn nhân lực văn hóa

Hợp tác bảo tàng và cầu nối di sản các nước

14:39, 30/10/2011

Trong nhiều năm qua, 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (gọi tắt là ASEAN+3) tổ chức thường niên các diễn đàn, hội thảo để bàn về vấn đề hợp tác phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Năm nay, tại Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ Văn hóa Trung Quốc phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Quảng Đông tổ chức Hội thảo khoa học ASEAN+3 lần thứ 6 với chủ đề chính là Phát triển sáng tạo các sản phẩm văn hóa liên quan đến bảo tàng; quản lý, điều hành bảo tàng trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế và sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, vấn đề được quan tâm nhất của hội thảo là việc đẩy mạnh hợp tác, giao lưu quốc tế trong việc phát triển bảo tàng.

Đoàn Việt Nam gồm đại diện Cục Di sản và các bảo tàng địa phương tham gia với tư cách là thành viên chính thức của diễn đàn đã có những đề xuất, sáng kiến, góp phần vào thành công của hội thảo. Có gần 20 tham luận của các chuyên gia bảo tàng từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á được trình bày tại hội thảo. Các nhà hoạt động bảo tàng tham dự hội thảo đều thống nhất quan điểm đổi mới tư duy làm bảo tàng, cung cấp chất lượng dịch vụ cho công chúng; cần nâng cao ý thức tham gia của công chúng và tương tác xã hội cũng như tăng cường sự tương tác giữa bảo tàng và đời sống xã hội; vai trò của bảo tàng trong việc bảo vệ di sản văn hóa vùng, văn hóa địa phương, văn hóa các dân tộc thiểu số... Bảo tàng là sản phẩm văn hóa đặc biệt của quốc gia, là nhịp cầu kết nối di sản, trao đổi giao lưu văn hóa giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trên thế giới.

Áp phích giới thiệu trưng bày Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Phật giáo Myanmar.
Áp phích giới thiệu trưng bày Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Phật giáo Myanmar.
Các bảo tàng ở các nước, từ trung ương đến địa phương đều có những bộ sưu tập hiện vật giá trị thể hiện tinh hoa văn hóa của mỗi quốc gia. Để các nước cùng được chia sẻ, hưởng thụ những tinh hoa đó, không có con đường nào khác là đẩy mạnh hoạt động giao lưu giữa các bảo tàng. Các nước đều tích cực và chủ động để hiện vật, báu vật quốc gia được “xuất ngoại”. Những người làm công tác bảo tàng là “sứ giả” mang tinh hoa của nước mình giới thiệu với bạn bè quốc tế. Để chứng minh cho các đối tác trong khu vực Đông Nam Á thấy được quyết tâm, nỗ lực của mình trong hợp tác quốc tế về bảo tàng, tại diễn đàn này, Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc trưng bày quy mô: Trưng bày chuyên đề sản phẩm Batik (trang trí hoa văn bằng sáp ong) của Indonesia và trưng bày Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Phật giáo Myanmar tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Tây. Hàng trăm mẫu hoa văn độc đáo trang trí trên trang phục, đồ dùng được tạo ra bằng kỹ thuật Batik của xứ sở nghìn đảo Java (đã được công nhận di sản thế giới); hàng trăm bức tượng Phật của đất nước Myanmar với 90% dân số theo đạo Phật đã được giới thiệu đến người xem. Một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đã và đang trưng bày hiện vật bảo tàng ở nước ngoài. Bảo tàng Quốc gia Philippin cũng đang trưng bày những báu vật của nước họ tại Mỹ, Úc và Ấn Độ. Các bảo tàng lớn ở Trung Quốc như Bảo tàng Quảng Đông, Bảo tàng Thượng Hải hay Bảo tàng Dân tộc của Nhật Bản đều thiết kế phòng chuyên đề để dành cho các cuộc trưng bày quốc tế.

Thời gian gần đây, Việt Nam cũng quan tâm đến hoạt động “đối ngoại” của các bảo tàng trong nước. Một sự kiện văn hóa đáng chú ý của năm ngoái là cuộc triển lãm Nghệ thuật cổ Việt Nam: Từ đồng bằng ra biển lớn (Arts of anciant Vietnam: From river plain to open sea) diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Houston (từ ngày 13-9-2009 đến 3-1-2010) và tại Tổ chức xã hội châu Á ở New York (từ ngày 2-2 đến 2-5-2010). Đây là cuộc triển lãm quy mô giới thiệu về lịch sử nghệ thuật Việt Nam do Hội châu Á của Mỹ tổ chức với tổng số 110 hiện vật quý hiếm có niên đại từ Thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thế kỷ 17. Các hiện vật triển lãm được mượn từ 9 bảo tàng hàng đầu của Việt Nam như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên- Huế, Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng Long An và Bảo tàng Hội An... Và đây cũng là lần đầu tiên nhiều hiện vật quý hiếm của Việt Nam được đưa ra nước ngoài.

Hội thảo này là một cơ hội hiếm có cho các bảo tàng của nước chủ nhà Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực tìm thấy tiếng nói chung trong giao lưu, hợp tác, phát triển văn hóa, trong đó, hoạt động bảo tàng cũng là một khâu trọng yếu nhằm kết nối các di sản, tôn vinh những tinh hoa, giá trị văn hóa của mỗi nước.

Tấn Vịnh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.