Multimedia Đọc Báo in

Lung linh sắc hương

20:27, 18/12/2011

Thật thú vị và có nhiều điều để kể về cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ II-2011. Tham gia cuộc thi là 60 thiếu nữ đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc anh em khắp các vùng miền, trong đó có 29/60 thí sinh là người dân tộc thiểu số. Vượt đường xa, gió bụi nhưng niềm tự hào được đại diện cho tộc người mình hòa nhập cùng bạn bè cả nước long lanh trong từng ánh mắt các cô thiếu nữ. Chỉ riêng Tây Nguyên đã có 9 đại diện “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa” .

Điều thú vị thứ nhất có lẽ là sự hiện diện của những tộc người rất ít người trong số 29 thí sinh thuộc 19 dân tộc ít người như La Chí, Sán Chay, Lô Lô, Jẻ - Triêng...; các em  đều đẹp, có chiều cao lý tưởng theo tiêu chí các cuộc thi Hoa hậu thế giới (nghĩa là phải trên 1,7m). Đẹp không chỉ trong cả chiếc áo dài lẫn bộ áo tắm mà còn xinh xắn biết mấy trong các bộ trang phục truyền thống tộc người. Những chiếc áo Tày cách điệu, áo Nùng pha hoa văn thổ cẩm Êđê nhung đen lộng lẫy, váy ống Châu Mạ khoe đôi vai trần mượt mà, áo cóm Thái xôn xang hàng cúc bạc, áo Bâhanr, M’nông dày đặc những hoa văn đỏ đen…Các em như những bầy chim nhiều sắc màu của núi rừng, đậu xuống giữa phố phường, ríu rít. Điều đáng kể nữa là khác với cuộc thi lần thứ nhất, 29 thí sinh người dân tộc thiểu số tham gia thi Hoa hậu lần này đều đã hoặc đang ngồi trên ghế các trường đại học và cao đẳng; thấp nhất cũng đã xong trung cấp chuyên nghiệp. Chính vì vậy, trong phần thi ứng xử làm quen với Ban giám khảo, không có bất cứ thí sinh người thiểu số nào lúng túng, chỉ có trả lời hay hoặc không hay mà thôi. Sự hồn nhiên trong cả thường ngày lẫn trong phần thi này khiến mọi người trong Ban tổ chức và Ban giám khảo đều hài lòng. Cô gái K’ho kể rất dí dỏm tục “bắt chồng” ở Lâm Đồng, bạn Êđê thuyết minh rất hay về ngôi nhà dài với chiếc cầu thang đực, cầu thang cái nơi miền quê Dak Lak; cô gái Thái làm mọi người mỉm cười khi giải thích ý nghĩa của bộ trang phục truyền thống là nhằm “tôn cả 3 vòng trên thân hình người phụ nữ”. Đại diện dân tộc Chăm kể về bí ẩn của những ngôi tháp cổ; người con gái Bâhnar nghĩ rằng hoa văn màu đỏ trên váy áo cô ấy là tượng trưng cho sức mạnh của thần Mặt trời và lửa; cô gái Jẻ - Triêng kể với các bạn về lễ hội mừng nhà Rông mới…Còn nhiều lắm những câu chuyện hay như thế về văn hóa của các tộc người mà các em tỏ bày.

Hình ảnh trong đêm thi chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011.
Hình ảnh trong đêm thi chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011. Ảnh: T.L

Trong phần thi tài năng, sự tỏa sáng của các thí sinh thật đáng yêu. Nếu cô gái hai bằng thạc sĩ quê ở Cần Thơ chọn bài thuyết trình có minh họa video về vẻ đẹp của tà áo dài  như sứ giả của hòa bình và hạnh phúc, thí sinh Tiền Giang cắm đôi quang gánh hoa sen, hoa hồng thành hình chữ S của quê hương Việt Nam, với ba bông hoa nở tượng trưng cho ba miền; hay điệu chèo véo von  của cô gái Ninh Bình, bức tranh bằng than củi vẽ biểu tượng cây  tre Hồn Việt ngay tại chỗ của thí sinh Hải Phòng…để chinh phục ban Giám khảo thì những câu hát ru K’Ho của Kră jăn Loen, các vũ điệu dịu dàng hay sôi nổi, uyển chuyển hoặc mạnh mẽ trong múa  “Ấn Độ” của H’ăng Byă, múa “Tây Nguyên” của H’Ngăc (Êđê), múa xòe Thái của Hà Thị Hằng, múa “Sắc xuân” của Mùng Thùy Linh (Lô Lô), múa “Cô gái vùng cao” của Lưu Thị Huệ (Hoa), “Trăng” của Đinh Thị Bích Hậu (Mường) đã đạt đến nghệ thuật hoàn hảo (cho dù không phải ai cũng là diễn viên múa); màn võ thuật song kiếm của cô gái xứ dừa Bình Định và Sầm Xuân Ngọc Ánh, cô thiếu nữ dân tộc Sán Chay đến từ tỉnh Tuyên Quang bộc lộ sự khỏe mạnh, nhận từ khán phòng những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt.

Chiếc vương miện của Chủ tịch Cuộc thi Hoa hậu quý bà Mỹ trao tặng cuối cùng đã tìm được chủ nhân trong hai năm tới của mình là cô gái Nùng 19 tuổi Triệu Thị Hà đến từ một huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng, sinh viên trường  Đại học Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, có gương mặt dịu hiền tuyệt đẹp như trăng rằm, với đôi mắt đen trong veo của những giọt nước suối rừng. Người con gái bất ngờ bật lên trong đêm chung kết bởi câu hát lượn nàng ới thay lời kể văn hóa truyền thống quê hương thân yêu của mình. Á hậu hai, Sơn Thị DuRa, 19 tuổi, đại diện duy nhất của người Khơmer, uyển chuyển và ấm áp như ánh mặt trời vàng trong lễ phục cung đình, cũng là bộ váy truyền thống của các cô dâu trong ngày cưới và đẹp đến sững sờ với trang phục dạ hội trắng muốt, long lánh kim sa. Á hậu một, người con gái của thành phố biển sôi động Phạm Thị Thanh Tuyền 20 tuổi, đang là sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Hải Phòng. Thanh Tuyền cũng làm nên sự khác biệt của mình, khi thi tài năng hồn nhiên kể thuở bé ngồi giúp mẹ nấu cơm, thích dùng than củi vẽ lung tung mọi chỗ, rồi cũng bằng một viên than củi, trổ tài ngay tại sân khấu hội thi bức tranh cây tre mang tựa đề “Hồn Việt” bên cạnh biểu trưng của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc 2011 rất sống động.

Còn nhiều điều có thể kể về mười hai danh vị Hoa hậu khác, như với cả điệu múa bụng Ấn độ lẫn trang phục áo tắm, áo dài, bộc lộ các số đo hình thể chuẩn vượt lên đứng đầu toàn bộ đội hình của H’Ăng Niê, cô gái Êđê 19 tuổi, cao 1,70m, cô giáo tương lai của Khoa Xã hội và Nhân văn trường Đại học Tây Nguyên, để nắm chắc trong tay danh hiệu Hoa hậu có hình thể đẹp nhất. Ka Ra Zan Loen, 24 tuổi, Hoa hậu có giọng hát hay nhất, mỗi lần bước ra sàn diễn, là nhận được những tràng pháo tay khích lệ của đông đảo khán giả, không chỉ vì vẻ đẹp mặn mà, rất riêng của làn da nâu đậm đà chất nắng gió cao nguyên mà còn ở sự trình diễn rất sống động trong tất cả các phần thi.

Lê Thị Như Quỳnh, 22 tuổi, giành lấy niềm tự hào cho tỉnh Thanh Hóa, cho tộc người và gia đình mình danh hiệu Hoa hậu có trang phục dân tộc đẹp nhất, là chiếc áo khóm, mảng hoa văn màu sắc hòa quện với tấm khăn đội đầu vấn rủ xuống hai tai rất ngộ nghĩnh cùng câu hát dân ca “Tiễn anh lên đường” đặc trưng của văn hóa Mường. Đại diện cho dân tộc Thái Hà Minh Thu, 21 tuổi, sinh viên Cao đẳng Lao động Xã hội toả sáng trong các phần trình diễn để bất ngờ trở thành Hoa hậu mặc áo dài đẹp nhất. Nụ cười bẽn lẽn trên gương mặt rất Bâhnar của Trương Thị Hải Vân, 23 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, mang theo cây đàn t’rưng của dân tộc mình, mang về danh hiệu Hoa hậu có nụ cười đẹp…

Tiếc rằng không có nhiều giải  thưởng để trao hết cho 60 thí sinh của cả ba miền, vì em nào cũng đẹp, cũng hết mình tỏa sáng. Nhưng cái được lớn của các em là đã tham gia vào một hoạt động không chỉ đa dạng, phong phú, để lại ấn tượng sâu sắc trong bước đường vào đời tương lai của mình, mà còn được học hỏi nhiều điều từ  những di tích lịch sử như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, những địa chỉ văn hóa như Nhà thờ Đức Bà cổ kính, Nhà hát Hòa Bình lộng lẫy, hầm Thủ Thiêm  hiện đại, các khu du lịch sinh thái, văn hóa hay những những ốc đảo mát xanh giữa lòng thành phố…Rồi những lần đi thăm Trung tâm Bảo trợ Trẻ em khuyết tật Thị Nghè, phòng bệnh trẻ ung thư,  vui trung thu với trẻ em nghèo của “Mái ấm Tre xanh” (trong những chương trình Nối nhịp trái tim, Lung linh Giáng sinh)...Bên cạnh đó, ngoài bốn vòng thi bắt buộc là cân đo hình thể, trang phục áo dài, áo tắm và trang phục dân tộc cổ truyền, các em còn phải lần lượt trải qua các cuộc thi hát, thi tài năng, thi ứng xử, thi thể thao, thậm chí là thi ngồi thiền tĩnh tâm ở chùa Vĩnh Nghiêm… nghĩa là làm sao để những cô gái tuổi đôi mươi ấy hiểu được rằng : đời sống không chỉ cần sắc đẹp, mà còn phải hội tụ tất cả tri thức, tài năng để phục vụ cho xã hội, tấm lòng từ thiện để làm đẹp thêm cho tâm hồn; để sau cuộc thi này, 60 thí sinh là 60 đại sứ văn hóa của mọi miền đất nước, không chỉ sống đẹp, mà còn biết sống cho mọi người. Đấy chính là ý nghĩa tốt đẹp nhất giúp các em vượt qua những thử thách của cuộc thi.

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc