Hình ảnh Rồng TRONG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
Rồng là loài vật xuất hiện nhiều trong thần thoại phương Đông, biểu tượng cho loài linh vật có sức mạnh phi thường, có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, biết bay và là con vật linh thiêng huyền bí; còn ở Âu Mỹ rồng lại được xem là biểu tượng của sự hung dữ. Nhân dịp năm Nhâm Thìn, xin giới thiệu cùng bạn đọc một số điều về con vật này trong văn hóa của người châu Á, nhất là người Việt Nam và người Trung Quốc.
Rồng của người Việt Nam
Con rồng Việt Nam là biểu tượng cho trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa, nó mang bản sắc riêng theo văn hóa của người Việt, khác với rồng trong trang trí kiến trúc và hội họa của người Trung Hoa và các quốc gia khác. Các di tích về con rồng Việt Nam còn lại khá ít do các biến động thời gian và sự Hán hóa của triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Người Việt sinh sống và làm lúa nước nên từ xa xưa họ đã tôn sùng cá sấu như một con vật linh thiêng, đại diện cho sự trù phú và sức mạnh, thời kỳ này vùng đất người Việt sống còn rất nhiều cá sấu. Cá sấu được thần thánh hóa là "Giao Long" giống như cách gọi của người Trung Hoa sau này, một cách thức tô điểm cho hình hài con cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng và làm tăng thêm nhiều ý nghĩa . Con rồng này tồn tại cùng tâm thức của người Việt trong suốt thời Văn Lang - Âu Lạc. Rất có thể từ con Giao Long này mà người Trung Hoa đã tạo ra con rồng Trung Hoa theo cách thức riêng của họ. Trong suốt 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ và trong hoàn cảnh chung của chính sách Hán hóa, hình ảnh con rồng Việt Nam phát triển theo các xu hướng giống với con rồng của người Hán. Đến khi giành được độc lập, thời kỳ nhà Lý lên nắm quyền, đặt tên nước là Đại Việt để sánh ngang với Đại Tống của Trung Hoa, Việt Nam đã có con rồng cho riêng mình và khác với con rồng Trung Quốc. Văn hóa Đại Việt nói chung, trong đó có mỹ thuật đã khẳng định được đẳng cấp và sự độc lập trong nghệ thuật biểu hiện của mình. Xuất hiện từ việc trang trí kinh thành lộng lẫy, chùa chiền đồ sộ..., con rồng Việt Nam được tạo nặn từ chất liệu văn hóa dân tộc, kết hợp với yếu tố văn hóa Chăm Đông Nam Á và văn hóa Trung Hoa. Rồng Việt Nam luôn có những mô-típ đặc trưng và rõ nét như thân rồng uốn hình sin 12 khúc, đại diện cho 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. Đầu rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác rồng Trung Hoa. Nó có bờm dài, râu cằm, không sừng như rồng Trung Hoa. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng khác của các nước. Đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn (có người gọi là mào lửa) chứ không phải là cái mũi thú như rồng Trung Hoa. Lưỡi mảnh rất dài. Miệng rồng luôn ngậm viên châu (ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rồng hay cầm ngọc bằng chân trước). Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. Những điều ấy được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên uyển chuyển và một sức căng rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến lên chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại. Đây là một hình tượng rồng hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt, tiếc rằng nó đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng và sự hủy diệt văn hóa đã xảy ra khi nhà Minh xâm lược Việt Nam.
Rồng của người Trung Hoa
Theo bài viết mang tên The Mystery of the Dragon (Những bí ẩn về rồng) đăng trên tạp chí Thời báo Hoàn cầu (The Epoch Times) của Trung Quốc số ra mới đây thì đối với người Trung Hoa rồng đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống của người dân, trở thành biểu tượng tâm linh huyền bí. Tuy nhiên rồng có thực sự tồn tại không vẫn là câu hỏi đang tranh cãi. Các sách sử của Trung Quốc có ghi nhiều sự kiện về rồng. Ví dụ, tác phẩm Recording for Ye County (Ký sự về huyện Nghĩa) của triều đại nhà Thanh cho hay vào năm 1503 sau Công nguyên, triều nhà Minh, 5 con rồng đã bay lượn trên không trung khoảng 3 dặm phía bắc cổng thành của huyện này (tỉnh Hà Nam). Sau một hồi bay lượn, chúng rơi xuống đất, và không thể bay lên lại được nữa. Mây kéo đầy trời và biển bắt đầu nổi sóng. Một vị thần trong trang phục màu xanh lá cây xuất hiện và ngay lập tức được những con rồng vừa rớt xuống vây quanh. Một lúc sau, mây tan hết, biển trở lại yên tĩnh. Năm con rồng vẫn chưa thể bay đi được, một lúc sau, vị thần màu xanh khác xuất hiện và những con rồng này đã bò quanh. Đột nhiên bầu trời trở nên tối sầm, mây mù xuất hiện. Cuối cùng, khi bầu trời sáng trở lại, các vị thần và năm con rồng đã bay đi mất. Trong truyện Recording for the Jiaxing Regional Government (Ký sự về thiên triều Gia Tĩnh) cũng có một tích tương tự. Chuyện rằng, vào tháng 9 năm 1588 (sau công nguyên), một con rồng trắng đã được phát hiện thấy ở huyện Bình Hồ, tỉnh Triết Giang. Nó bay lượn trên mặt hồ, chiếu sáng một nửa bầu trời. Người chứng kiến là Shen Maoxiao, một vị quan chép sử cho triều đình, vị quan này đã nhìn thấy một vị thần trang phục màu tím và một vương miện bằng vàng, cao hơn 30 mét, đứng giữa những cái sừng của con rồng. Vị thần này cầm một vật có hình cây kiếm. Một quả cầu ánh sáng to cỡ một cái đấu (một dụng cụ đo lường hình thang ở Trung Quốc) xuất hiện bên dưới đầu của con rồng.
Trong tác phẩm Recording for the Songjiang Regional Government (Ký sự về thiên triều Tống Giang) cũng ghi lại một sự kiện tương tự nhưng xảy ra 20 năm sau sự kiện con rồng trắng được trông thấy ở huyện Bình Hồ. Vào tháng 7-1608 (sau công nguyên), một con rồng trắng giống như con rồng xuất hiện trên hồ Bình đã được nhìn thấy trên sông Hoàng Phố ở huyện Tống Giang, Thượng Hải. Hay một con rồng đã chết được tìm thấy bên bờ hồ Thái Bạch vào năm Thiếu Hưng thứ 32, triều Nam Tống (1162 sau công nguyên), có râu dài và những cái vảy rất lớn. Cái lưng màu đen và cái bụng màu trắng. Những cái vây mọc ra từ lưng, và hai cái sừng thò ra ở trên đầu, bốc mùi xa hàng dặm. Những người địa phương đã phủ nó lại bằng một tấm chiếu, còn triều đình thì cho người đến làm lễ cúng tế ngay tại nơi con rồng chết. Tuy nhiên, sau một đêm sấm sét dữ dội, con rồng đã biến mất, chỉ còn lại cái mương nơi nó đã nằm.
Vào tháng 8-1944, hàng trăm người dân làng Chenjiayuanzi, huyện Phù Du, phía bắc của sông Tùng Hòa Giang đã vây quanh một con vật màu đen nằm trên bờ sông. Yen Dianyuan, một nhân chứng đã kể rằng con rồng này dài chừng 7 mét và trông giống con thằn lằn. Mặt của nó y như mặt của con rồng được vẽ trong các bức tranh cổ, với bảy hoặc tám cái râu dày và cứng có đường kính thân khoảng 30-40 cm, phủ lớp vảy như vảy cá sấu, bốn chân lún sâu vào cát. Vào mùa hè năm 1953, một con vật chưa được xác định đã rới từ trên trời xuống một nơi gần phía nam tỉnh Hà Nam. Theo miêu tả của một số nhân chứng, thì con vật này giống một con cá mập khổng lồ, mùi thối rữa của nó phát ra thu hút vô số ruồi nhặng. Người ta lập luận, nếu là cá mập thì không thể rơi từ trên trời xuống được? Và gần đây, vào ngày 4-8-2000, một trận mưa như trút nước xuống làng Hắc Sơn Tử (Trung Quốc), sau đó ngôi làng được bao phủ bởi một làn hơi nước nóng. Đột nhiên, những đám mây dày từ bầu trời sà xuống và cuộn dọc trên mặt đất. Người dân trong làng vô cùng hoảng sợ bởi chưa bao giờ thấy kiểu thời tiết lạ như vậy. Họ ở yên trong nhà và đóng kín cửa, duy chỉ có một chàng trai trẻ mạo hiểm trốn ra ngoài. Chẳng mấy chốc anh ta đã ra tới bìa làng và đột nhiên nhìn thấy cảnh tượng hai con vật trông giống rồng, một con màu đen và một con màu trắng nằm trên mặt đất, hình dáng y hệt những con rồng trong các bức tranh truyền thống, ngoại trừ râu của nó ngắn hơn. Anh ta quay về làng để báo cho mọi người biết. Tin tức nhanh chóng lan rộng khắp vùng, cảnh sát, các quan chức, các vị học giả đã đổ xô về làng Hắc Sơn Tử để điều tra thực hư. Cảnh sát bắt đầu giải tán đám đông, để lại một vài người canh chừng hai con rồng. Sau đó, một trận cuồng phong xuất hiện và đưa con rồng trắng đi trước sự kinh ngạc của mọi người. Các quan chức không thể giải thích nổi sự biến mất đó, họ đều thấy chán nản về con rồng màu đen vẫn nằm trên mặt đất. Nghe nói sau khi được tưới nước, con rồng đen đã sống lại và mãi đến tháng 12-2000 mới chết. Thực hư chuyện này ra sao chẳng ai biết bởi chưa có thông tin chính thức khẳng định.
KHẮC HÙNG
Theo Net/WP/Epoch Times-11-2011
Ý kiến bạn đọc