Multimedia Đọc Báo in

Những người mê đắm lan rừng

20:39, 27/01/2012

Để thỏa niềm đam mê, họ đã không quản ngại băng rừng, lội suối, rong ruổi khắp các nẻo đường “săn” hoa phong lan rừng và dày công chăm sóc, nuôi dưỡng chúng như những “đứa con tinh thần”. Mê đắm vẻ đẹp kiêu sa, hương thơm quyến rũ ấy, gần cả cuộc đời mình họ đã kết một mối “tình thơ” với hoàng hậu của các loài hoa.

Hơn 20 năm theo đuổi một thú chơi

Năm nay mới 36 tuổi đời nhưng anh Nguyễn Văn Sơn (ở tổ 5, khối 10, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã có thâm niên 23 năm theo đuổi, đầu tư công sức, tiền bạc cho một thú chơi, một niềm đam mê những nhánh lan rừng. Duyên nợ với hoa lan của anh đến rất tình cờ. Lúc còn là một học sinh lớp 7, sau một lần được nhìn thấy nhành hoa có màu tím trắng pha sắc vàng, mọc trên thân cây gỗ mộc mạc mà lại tỏa hương thơm, cậu bé Sơn đã mê mẩn ngắm nhìn. Khi biết đó là hoa phong lan - hoàng hậu của các loài hoa, Sơn vô cùng thích thú và từ đó bắt đầu một mối “tình thơ”. Từ chỗ yêu hoa đến “say” hoa, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, Sơn lại cùng vài ba người bạn rong ruổi đến những cánh rừng ở các huyện Buôn Đôn, Krông Bông, Cư Jút (nay thuộc tỉnh Dak Nông) để tìm hoa lan. Hành trang đi rừng của Sơn chỉ là chiếc xe đạp cũ, nắm xôi, chai nước, cuộn dây thừng và một con dao nhỏ. Mỗi đợt đi rừng Sơn phải đạp xe vài chục cây số vất vả lắm nhưng chỉ cần tìm được những nhánh lan rừng đưa về nhà chăm sóc là mọi mệt mỏi đều tan biến. “Ban đầu khi biết tôi có thú chơi lan, gia đình ai cũng gàn bởi người xưa có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Nhưng sau thấy tôi cứ mê mẩn với những cội lan, mọi người cũng xiêu lòng”, anh Sơn bộc bạch. Mỗi cội lan của anh đều gắn với những chuyến xuyên rừng, lội suối và khi bắt gặp một loại lan mới, anh reo lên vui sướng như lâu ngày được gặp người thân. Kỷ niệm những chuyến đi rừng của anh rất nhiều nhưng đáng nhớ nhất là lần “chết hụt” ở thác Dray Sáp khi mới 17 tuổi. Buổi sáng lúc lội qua thác nước để vào rừng tìm hoa lan, anh và 3 người bạn đã cột sợi dây thừng vào một tảng đá để làm điểm bám, đến chiều về, khi đang lội đến giữa thác thì sợi dây thừng bị tuột ra do nước dâng cao. Anh và các bạn trôi xuống dòng nước xoáy nhưng may mắn thoát chết. Trong giây phút hiểm nguy ấy, anh vẫn quyết giữ giỏ hoa với các loài Thủy Tiên, Hồng Nhạn, Bạch Vĩ Hồ, Hồng Vĩ Hồ trên vai như vật bất ly thân. Sau lần ấy Sơn không đi rừng nữa nhưng vì trót yêu lan, anh lại cùng “con ngựa sắt” của mình rong ruổi khắp các ngả đường tìm mua hoa. Dù bận rộn với nghề làm bún gia truyền nhưng khi nghe tin các “mối” bán hoa ở Dak Lak, Kon Tum tìm được loài lan rừng mới, anh liền gác lại mọi việc để đi “săn” hoa. Mỗi lần có dịp đi đâu, anh cũng dò hỏi xem có phong lan rừng không và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ khâu tưới nước, bón phân đến cách "bắt bệnh" cho hoa. Cứ vậy, đến nay, anh Sơn đã sở hữu hơn 3.000 cội lan rừng với nhiều chủng loại khác nhau và có thể dành cả ngày trời để hàn huyên, trao đổi về chúng. Theo anh Sơn, lan rừng dễ trồng nhưng rất “khó tính” bởi phải biết cách chăm sóc cây mới cho hoa. Mỗi loại lan rừng chỉ nở hoa một lần trong năm nên đòi hỏi người chơi phải kiên trì, tỉ mỉ và hiểu “tính cách” của chúng. “Ban đầu tôi chỉ chơi lan theo sở thích, cảm tính nên nhiều loại không nở hoa hoặc chết héo, dần dần mới đúc rút được kinh nghiệm. Phong lan rừng ưa gió và ẩm vì vậy phải treo ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, có độ ẩm. Gỗ để lan bám vào tốt nhất là thân cây vú sữa vì hoa vừa sinh trưởng tốt lại hạn chế nấm bệnh. Trồng lan vất vả như chăm con nhỏ, hằng ngày hết tưới nước bón phân lại phun thuốc. Nhưng khi trồng, chăm sóc mỗi loài hoa đều tạo cho tôi một niềm vui cùng tâm trạng thấp thỏm chờ mong đón nhận nụ hoa đầu tiên, đó quả thật là một phần thưởng vô giá”, anh Sơn chia sẻ. Có trong tay nhiều loài lan rừng quý như: Trúc Bà, Hoàng Phi Hạc, Bạch Vĩ Hồ, Hồng Vĩ Hồ, Hồng Nhạn, Nhất Điểm Hồng, Thủy Tiên, Dẻ Hạc, Hoàng Yến… nhưng anh Sơn mê đắm nhất vẫn là lan Nghinh Xuân (Đai Châu) vì đây là loài hoa duy nhất chỉ nở vào mùa xuân. Để thỏa mãn thú chơi của mình, anh đã dành hầu hết khoảng trống xung quanh nhà trồng lan và mượn cả một mảnh vườn của người bạn để treo lan. Nhiều lần gia đình anh bàn bạc định xây sửa lại căn nhà cũ nhưng không tìm được chỗ treo lan nên đành thôi. “Vừa rồi có người ở tận Hà Nội tìm đến ngỏ ý định muốn mua hết toàn bộ số lan trong vườn nhưng tôi không bán vì đây không chỉ là tâm huyết, niềm đam mê đã theo đuổi mấy chục năm nay mà giờ đây mỗi loài lan đã trở thành một “đứa con tinh thần” của tôi”, anh Sơn thổ lộ. Trong suốt câu chuyện về lan rừng, anh Sơn luôn đau đáu một nỗi lo bởi các loại lan rừng ở Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, đối với anh thú chơi lan rừng không chỉ là niềm đam mê của cá nhân mà còn có ý muốn duy trì, gìn giữ và nhân giống chúng nữa.

Anh Nguyễn Văn Sơn bên những cội lan rừng (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Anh Nguyễn Văn Sơn bên những cội lan rừng (Ảnh: Nguyễn Xuân)

“Nhà bác học hoa lan”

Trong giới chơi hoa lan Dak Lak, nhiều người gọi ông Trương Văn Chiến (thôn 12, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) là “nhà bác học hoa lan” vì vốn hiểu biết về lan rừng rất uyên thâm và bộ sưu tập hàng trăm loại lan.

Ông Chiến quê ở Hà Nam, nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1969 và được biên chế vào Sư đoàn 304. Vẻ đẹp của lan rừng gây ấn tượng với ông một cách rất tình cờ: Trong một lần hành quân trên rừng Trường Sơn thuộc chiến trường Trị Thiên - Huế, người lính trẻ ngỡ ngàng dừng chân khi thấy một nhành lan rừng màu tím tuyệt đẹp mà sau đó mới biết là loài Giáng Hương dòng ngọc điểm tím. Đôi chân người chiến sĩ lúc đó như bớt mệt mỏi, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Anh cặp nhành lan vào ba lô đem về treo ở doanh trại của đơn vị. Sau mỗi cuộc hành quân, chiến đấu trở về, anh cảm thấy vui sướng vì nhánh lan nhỏ bé ngày càng bám chặt vào cột, lá xanh tươi. Lan rừng trở thành niềm vui thích của anh, lúc rảnh rỗi anh tìm thêm nhiều loại lan, nên đơn vị không lúc nào thiếu sắc hoa lan. Những cánh lan rực rỡ là bạn của anh và các đồng đội. Mỗi lần có ai được về thăm gia đình, món quà quý nhất là nhánh lan rừng mang theo tấm lòng người chiến sĩ. Hòa bình lập lại trở về quê hương, cựu chiến binh Trương Văn Chiến mới có điều kiện vui với sở thích của mình, đọc sách, tài liệu viết về hoa phong lan, sưu tầm thêm nhiều loại. Những lần đi thăm đồng đội cũ ở Yên Bái, Lào Cai, ông tranh thủ tìm kiếm các loại lan rừng quý của núi rừng Tây Bắc như: Nghinh Xuân, Bạch Vĩ Hồ, Hồng Vĩ Hồ, Thủy Tiên, Giáng Hương, Quế Hương. Năm 1986, gia đình ông đi kinh tế mới vào Dak Lak và không quên mang theo hai giỏ lan làm kỷ niệm nơi quê cũ. Lần đầu đến với vùng đất mới dưới chân dãy Cư Yang Sin, ông Chiến hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy các loại lan rừng như Đoản Kiếm, Ý Thảo… mọc khắp nơi. Ông đem về, mang lên Buôn Ma Thuột tặng bạn bè và cùng nhau lập Hội Hoa lan cây cảnh để chia sẻ niềm vui. Cuộc sống trên vùng đất mới nhiều khó khăn nhưng ông vẫn tranh thủ lặn lội đi khắp những cánh rừng ở Krông Bông, Buôn Đôn, M’Drak tìm để biết thêm nhiều loại lan mới. Niềm vui với hoa lan cũng có nhiều kỷ niệm gắn với những chuyến lội suối, băng rừng đáng nhớ. Mỗi lần gặp một loài lan mới nở hoa giữa rừng sâu là mỗi lần ông vui sướng.

Ông Trương Văn Chiến chăm sóc lan rừng (Anh: Minh Thông)
Ông Trương Văn Chiến chăm sóc lan rừng (Ảnh: Minh Thông)

Hơn nửa đời người tìm hiểu, sưu tầm hoa lan, ông Chiến được bạn bè gọi là “nhà bác học hoa lan” vì biết được hầu hết các loại lan nội địa và sưu tầm được khoảng 100 loại lan. Những khi rảnh rỗi, ông thường gặp gỡ, “đàm đạo” với bạn bè chung thú vui lan rừng. Lúc nhiều nhất, trong vườn nhà ông có khoảng 400 giỏ lan treo đầy khắp, các loại hoa thay nhau khoe sắc quanh năm. Mỗi giỏ lan với ông là một niềm vui, người thân, bạn bè, ai quý mến, ông mang biếu làm kỷ niệm. Ông cho biết, thú chơi lan tuy tao nhã nhưng cũng cầu kỳ, lắm công phu, phải hiểu và nhớ được lúc nào giỏ nào cần gì để “chiều lòng” nó thì hoa mới đẹp. Vì vậy mỗi sáng thức dậy và sau buổi làm rẫy, ông lại tìm đến những giỏ hoa. Và như một mối liên hệ vô hình, vợ và các con ông cũng đều thích lan, có khi cả nhà cùng ngắm nghía, chăm sóc lan, hoa lan như một thành viên trong gia đình, cùng vui, buồn với mọi người. Ông Chiến thích nhất là lan Nghinh Xuân vì nó nở đúng vào mùa Xuân – mùa của niềm vui, hạnh phúc. Tết đến, thay vì một nhành mai, trong nhà ông năm nào cũng có một giỏ Nghinh Xuân tươi thắm. Ông đúc rút một điều rằng: “Chơi hoa lan thì phải gửi tất cả hồn mình cho hoa thì nó mới làm mình vui, cũng như con người, mỗi loại lan có đặc điểm, vẻ đẹp riêng, vì vậy, tất cả đều phải được tôn trọng, yêu thương như nhau”.

Nguyễn Xuân - Minh Thông

 

 


Ý kiến bạn đọc