“Tình già” bên dòng Sêrêpôk
Trong ngôi nhà dài bên dòng Sêrêpôk sử thi, có đôi vợ chồng già người Êđê luôn ríu rít bên nhau như đôi chim câu. Ngày ngày bà dệt vải, ông xuống khúc sông giăng lưới, buông câu bắt cá. Rảnh rỗi ông lại thổi Đinh năm, Đinh puốt, chơi đàn T’rưng… bà thì hát những bài dân ca, dân vũ.
Ngôi nhà dài ở Khu du lịch Thanh Hà (xã Ea Huar, Buôn Đôn) lưu dấu vợ chồng nghệ nhân già Ay Jet và Duôn Jet cũng đã chục năm nay. Ông Ay Jet tên thật là Y Gông Bdap (SN 1929), bà là H’Uinh Bya kém ông một tuổi, cả 2 ông bà đều sống ở buôn Khít, xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin). Năm 2002, trong một chuyến điền dã, sưu tầm văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại huyện Cư Kuin, bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc Khu du lịch Thanh Hà đã tình cờ bắt gặp vợ chồng Y Gông ngồi chơi nhạc cụ truyền thống và hát say mê trước hiên ngôi nhà nhỏ. Mến mộ tài năng, bà Hà đã vận động đưa cả hai về và bố trí ở ngay ngôi nhà dài truyền thống dựng tại khu du lịch. Dù đã ngót nghét 90 tuổi, nhưng ông bà vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Bà từ nhỏ đã mê ca hát, thuộc rất nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, ông thì biết chế tác và biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống như Đing năm, Đing puốt, Đing tạc tà, Chapi, Pdú, Prú, T’rưng, Tù và… Từ ngày chuyển về sống ở Buôn Đôn, ông bà được mời đi lưu diễn ở rất nhiều lễ hội, liên hoan văn hóa. Năm 2007 ông bà được công nhận nghệ nhân. Trong ngôi nhà dài bên dòng Sêrêpôk, ông bà sống rất vui vẻ, lúc nào cũng như đôi chim câu. Vào các buổi sáng hay chiều tà, người ta lại nghe từ trong ngôi nhà dài vang lên những âm điệu trầm bổng, ấy là ông đang chơi nhạc để bà hát. Ngày nào không chơi nhạc, ông lại mang lưới, cần câu xuống giăng, cắm bên cạnh mép sông Sêrêpôk chảy qua khu du lịch. Cá bắt được ăn không hết, ông xẻ thịt phơi khô treo trên gác bếp để đãi khách đến chơi. Ông bảo, làm để cho vui chân, vui tay, vừa là tập thể dục để có sức khỏe mà chơi các loại nhạc cụ. Còn cụ bà Duôn Jet với bộ khung cửi đặt bên cạnh cửa sổ, bàn tay vẫn thoăn thoắt dệt nên những tấm thổ cẩm đủ màu sắc bán cho khách tham quan.
Ông Ay Jet chơi nhạc để bà Duôn Jet dệt vải và hát |
Cụ ông Ay Jet kể, ngày trẻ vì mê chơi các nhạc loại nhạc cụ của đồng bào mình mà ông đã phải đến nhà từng nghệ nhân già trong buôn nhờ chỉ cho cách chơi, bày cho cách chế tác. Tất cả các nhạc cụ mà ông lưu giữ tại ngôi nhà dài để biểu diễn cho khách tham quan, hay mỗi khi đi biểu diễn ở các cuộc thi đều do tự tay ông chế tác. Từng loại nhạc cụ, phong cách chơi như thế nào, chơi trong hoàn cảnh, lễ hội nào ông đều nắm rất rõ. Ông luôn kể say sưa và giải thích cặn kẽ khi được ai hỏi về ý nghĩa của từng loại nhạc cụ. Ông bảo, ngày xưa bà yêu và lấy ông cũng vì ông giỏi chơi nhạc: “Ngày xưa bà đẹp lắm, nhất nhì buôn ấy chứ; nhiều trai làng trong buôn để ý, vậy nhưng bà ấy mê tiếng sáo, tiếng Đing năm mà quyết định lấy tui. Bây giờ bà vẫn đẹp và vẫn rất yêu tui”, nói rồi ông liếc mắt nhìn về phía bà và nở nụ cười. Bà thì cười bẽn lẽn khi bắt gặp ánh mắt của ông. Thỉnh thoảng đang ngồi nói chuyện, bà lại ghé sát tai ông nói to những câu hỏi của khách. Bà cười bảo: “Ông còn khỏe lắm, nhưng chỉ tội hơi lãng tai, phải nói to lên không thì ông không nghe thấy”. Nhà ông bà có 4 người con nhưng đều đã lớn và lập gia đình ra ở riêng hết. Từ ngày chuyển về sống ở khu du lịch, xa con cháu nên ông bà quý người lắm, các nhân viên ở khu du lịch ông bà quý và coi như con cháu. Hôm chúng tôi ghé thăm ngôi nhà dài nơi ông bà sinh sống, ông nắm tay chúng tôi vồn vã mời vào nhà, bà thì lật đật rót nước mời khách. Ông nói chuyện rất vui vẻ, nhất là thường xuyên pha trò, sau mỗi câu chuyện, ông thường nở nụ cười rất tươi và rất hiền. Chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe và xem ông biểu diễn nhạc cụ truyền thống, ông vui vẻ bày ra rất nhiều loại nhạc cụ, nào Đing puốt, Đing năm, Đing tạc tà, Pdú, Prú, T’rưng, Chapi… và lần lượt biểu diễn một cách say mê. Khi ông thổi Đing năm, thì bà lập tức cất giọng hát một bài hát bằng tiếng Êđê nghe rất mượt mà. Bà cho biết, bài hát có ý nghĩa là chào mừng khách đến với Tây Nguyên, chúc khách sức khỏe. Khi ông chơi đàn Chapi, thì bà lại cầm Pdú vỗ vỗ, tiếng Pdú trầm trầm hòa cùng tiếng Chapi. Ông giải thích: đàn Chapi có nghĩa là đàn cha, Pdú là đàn mẹ, nên khi chơi hai nhạc cụ phải đi kèm nhau, và nhất thiết phải là một nam, một nữ. Cứ như vậy cặp vợ chồng Ay Jet – Duôn Jét diễn tấu hết loại nhạc cụ này đến nhạc cụ khác, hát từ làn điệu dân ca này đến điệu dân ca khác. Tiếng đàn tiếng hát của hai nghệ sĩ già ấy lúc trầm, lúc bổng êm êm hòa vào tiếng ầm ào của dòng sông Sêrêpôk tuôn chảy về nơi đại ngàn…
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc