Luật rừng - Luật đời (Đọc “Luật của rừng” tiểu thuyết của Kim Nhất - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2008)
07:07, 19/02/2012
Kim Nhất quen thuộc với bạn đọc qua nhiều tập truyện ngắn khá thành công. Tuổi xế chiều mới thử sức với tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay mang tên Luật của rừng được nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in ấn, phát hành năm 2008.
Chị là người dân tộc Ba Na ở Gia Lai tập kết ra miền Bắc, được học tập và về công tác ở đoàn văn công Tây Nguyên. Sau giải phóng chị về định cư ở Dak Lak. Đến với văn chương hơi muộn nhưng là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nên Kim Nhất có giọng điệu riêng không lẫn với ai, cứ rủ rỉ rù rì, có gì kể nấy nên bạn bè văn nghệ nhận xét về Kim Nhất là “người kể chuyện buôn làng”.
Tiểu thuyết Luật của rừng đã phát huy thế mạnh ấy, dẫn dắt người đọc qua gần 350 trang sách để hiểu thêm con người và vùng đất giàu bản sắc văn hóa, thấm đẫm tình yêu thiên nhiên. Luật của rừng cũng là luật của trời, luật của người.
Câu chuyện kéo dài ba thế hệ trên vùng đất hoang sơ đầy huyền thoại cho đến khi được giác ngộ đi theo cách mạng.
Ama Hơ Oăn và Ama Riêng là đôi bạn tốt, biết tìm thuốc trị bệnh cứu người nhưng lại bị thế lực đen tối là thầy mo Ama Phia và thầy cúng Ama Heng tìm cách hãm hại.
Ở đâu lạc hậu thì mê tín thao túng. Chỉ cần đổ tội có ma lai nhập vào là có thể hại người đó và gia đình họ. Kẻ xấu phải dùng thủ đoạn hại người tốt thì mới chiếm được địa vị, kiếm lấy miếng ăn.
Ama Phia và Ama Heng liên kết làm điều xấu, lại lợi dụng niềm tin của dân vào Yàng mà hại người. Chúng bàn nhau để hại thầy thuốc: “Để chúng nó sống là mối đe dọa cho chúng ta đó”. Nhân một đứa bé bị cọp giết nhưng không tha mất xác, chúng đổ cho Ama Hơ Oăn là ma lai hút máu. Sự thật là cọp giết đứa bé mà không ăn thịt vì trả thù bố đứa bé mấy ngày trước đã giết cọp con. Từ đây, luật của rừng hé mở.
Ama Riêng thương bạn bị chết oan mà không làm gì được, biết rằng mình sẽ bị chúng giết nên dạy Y Riêng nghề thuốc cho khỏi thất truyền, sẵn sàng đón nhận cái chết khi kẻ xấu đổ cho mình là ma lai.
Hai mươi năm sau, Y Riêng đã có ba con, đứa đầu là trai tên Y Phê, hai đứa sau là gái đặt tên là Hơ Yang và Hơ Nga. Lão thầy mo, thầy bói đã già rồi vẫn tàn nhẫn, tìm mọi cách để giết Y Riêng. Ngay cả con gái của Ama Heng đã có thai với cháu của Y Riêng cũng không cho chúng lấy nhau, để chúng phải chết.
Nhân nào quả nấy. Kim Nhất viết “Vì con người có luật của con người thì rừng cũng có luật của rừng”. Ba đời nhà Ama Phê chỉ hành nghề thuốc cứu người, không săn bắn thú rừng nên dù gặp cọp cũng không việc gì. Chính bà ngoại đã kể cho nghe về chuyện ông ngoại là tay săn bắn giỏi nhất vùng nên bị cọp đến tận nhà xé xác. “Nó giết nhiều cọp quá nên bị cọp trả thù”. Từ đó dòng họ Ama Phê tu nhân tích đức. Nhưng trời không hại thì người hại. Thầy mo, thầy bói lại đổ cho Ama Phê là ma lai.
Vì thương bố, Y Phê cầm dao rựa chặt vào chân lão thầy bói nên cũng bị bắt luôn, mang đi xử tử. Nhưng trời có mắt: “Chúng vung kiếm chém lần thứ tư, một tiếng sét tóe lửa đinh tai nhức óc ngay chỗ bọn đao phủ và hai cha con Y Phê. Cây cổ thụ nơi lão thầy cúng và ba tên đao phủ nấp mưa đổ rầm và cháy ngùn ngụt. “Hai tên đao phủ bị cháy đen như than”. Những tên còn lại bị chết hoặc cây đè nên cha con Y Phê thoát nạn, nhắm núi cao, rừng sâu mà trốn.
Kim Nhất gắn với rừng nên tả về rừng sinh động “Khu rừng già âm u bị màn đêm bao trùm giờ đã sáng dần. Tiếng chim ríu rít gọi đàn bay đi kiếm ăn trên các cành cây. Tiếng con nai “tác tác” đâu đó lẫn tiếng gầm thét của loài cọp và lũ voi rừng. Cả khu rừng bỗng rộn lên những âm thanh hỗn độn”
Đại diện cho thế lực của rừng là cọp. Tác phẩm có nhiều trang viết về cọp. Cha con Ama Phê chạy trốn đã nhiều lần gặp cọp “Con cọp gầm gừ liếm mép nhìn hai người ôm chặt lấy nhau. Có lẽ hồn thiêng của người cha chết oan năm xưa nhập vào cọp nên nó trở nên hiền tính. Hay hai con người bé nhỏ đáng thương đang run rẩy trước chúa sơn lâm hung dữ đã khiến nó động lòng trắc ẩn”.
Ama Phê lạc vào chòi của Y Tưm , cũng bỏ buôn làng để mang Hơ Lan trốn chạy vào tận làng ma (nơi chôn người chết, gần làng phong). Vợ con Y Tưm đã chết nên cảnh cùng cực đã gắn bó với nhau.
Y Tưm kể cho cha con Ama Phê cuộc đời khốn khổ của mình, trên đường chạy trốn đồng loại đã đến rừng ma mà thợ săn không dám đi qua. Rồi ngọn núi “Hồn ma cùi” đã vùi thây bao người bị bệnh cùi.
Kim Nhất có những câu văn sinh động lại đêm lạc rừng của Y Tưm: “Bàn chân tao vấp phải vật gì đó, tao cầm lên thì Yàng ơi! Cái sọ người! Tao nghĩ đến hồn ma mà lạnh toát cả người. Tao mò mẫm đi tiếp và lại vấp nữa. Tao cầm lên thì lại cái sọ người. Không phải cái đầu lâu mà cả xương người nữa. Nghĩa là tao đang đi trên đống xương người mà tao không biết, mãi khi hết mưa, rừng hết tối tao mới nhìn thấy. Tao có cảm giác cái hồn ma còn đang nhe răng cười khặc khặc với tao”.
Ama Phê không ác cảm với loài cọp, cha con Ama Phê đã cứu con cọp cái bị thương nặng do chống lại cọp đực định giết cọp con. Cọp cái trong tình trạng nguy kịch “Trên cổ, sau gáy và một bên lở loét không còn miếng da, máu mủ lẫn giòi bọ lúc nhúc đang đục khoét thịt xương nó. Hai cha con vất vả lắm mới vét hết máu mủ và giòi bọ ra ngoài rồi đắp thuốc vào vết thương”. Cha con Y Phê lại cứu cọp cái lần thứ hai khi cọp đực quay trở lại đốt lửa sưởi ấm và canh chừng cho cọp. Cọp có tình và biết trả ơn người. Cọp theo sát và giúp đỡ cha con Y Phê, khi thì trả ơn bằng con nai, con lợn rừng… Kể cả khi Y Phê đã về với cộng đồng nó cũng theo về mà không sợ thợ săn rình rập. Đặc biệt nó còn chống lại đồng loại để bảo vệ cha con Y Phê. Cái tình này còn kéo dài đến thế hệ con của nó. Luật của rừng là thế. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, có ơn với rừng thì rừng trả ơn. So với người xấu thì cọp có tình hơn, không mưu mô hiểm ác hại người. Kim Nhất đưa vào chi tiết cọp không ăn thịt mà còn cứu mẹ con một chị sinh trong rừng khi đi lấy củi: “Con cọp tuy ác thật, nhưng nó cũng biết làm việc tốt cho người đấy” Lời của nhân vật cũng là lời của tác giả khi đối mặt và trải nghiệm cuộc đời. Cha con Y Phê từng ngồi ăn cùng cọp khi cọp mang đến trả ơn bằng con nai: “Ông xẻ thân vài miếng nữa nướng cho cọp. Cứ thế người và thú ngồi ăn với nhau như người bạn từ bao giờ”.
Kim Nhất dẫn người đọc trở về với sinh hoạt cộng đồng thuở hoang sơ. Những luật tục tàn ác kèm theo mê tín. Những phường săn dũng cảm. Những trận động rừng. Những sinh hoạt của người và chim thú. Những địa danh như làng Ma, làng Cùi, núi Đại bàng, suối Lợn Yàng nước… Bức tranh sinh động về Tây Nguyên được miêu tả sống động. Kim Nhất khéo viết theo lối kết cấu hiện thực huyền ảo. Cái được của Kim Nhất chính là sự đan xen này để gợi trí tò mò. Chỗ nào huyền ảo thì đưa vào lời kể lại của nhân vật xa xưa nào đó.
Cái gì cũng đến hồi kết thúc. Những kẻ gieo gió thì gặt bão. Thầy mo, thầy cúng chết thảm hại. Ama Phê lại được sống giữa cộng đồng và có gia đình mới. Bốn mươi năm sau, từ khi về lại buôn Y Phê đã là một ông già gặp gỡ Việt Minh, có em gái là H’Linh đi làm Cách mạng rồi tập kết ra miền Bắc để học thêm cái chữ của Oa Hồ.
Tiểu thuyết của Kim Nhất lấy tên là Luật của rừng nhưng chính là luật của người. Góp thêm bảo vệ những gì là văn hóa, loại bỏ những gì là hủ tục, chung sức bảo vệ con người, bảo vệ thiên nhiên. Chương cuối chưa hay, ảnh hưởng cái kết có hậu của tư duy truyền thống.
Luật của rừng là thành công của Kim Nhất, dù là tiểu thuyết đầu tay. Tác phẩm đoạt giải B (không có giải A) về văn xuôi, Giải thưởng văn nghệ Chư Yang Sin của tỉnh Dak Lak. Đó là điều ghi nhận xứng đáng với nữ nhà văn người dân tộc Ba Na.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc