Nhạt nhòa ca từ nhạc trẻ
07:06, 19/02/2012
Xưa nay, âm nhạc luôn là “món ăn tinh thần” của con người. Nhờ có âm nhạc mà con người cảm thấy cuộc sống đẹp hơn, tâm hồn được thanh lọc và yên bình. Khi vui có âm nhạc thì niềm vui dường như được nhân lên gấp bội; lúc buồn, nhạc như người bạn để trút bầu tâm sự… Nhưng vấn đề đang được quan tâm nhiều là những ca khúc trẻ đang tràn ngập trên thị trường âm nhạc có còn đáp ứng được yêu cầu đó nữa không?
Nghe nhạc gì và nghe như thế nào? Điều đó ít nhiều cũng đã gây ra “xung đột” khá căng thẳng giữa các thế hệ trong xã hội và gia đình. Nếu thế hệ cha anh luôn “đồng hành” với những ca khúc đi cùng năm tháng, nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến (thường có giai điệu êm dịu, nhẹ nhàng, sâu lắng) thì ngược lại, thế hệ trẻ lại đam mê ưa chuộng những ca khúc rock, hip hop, rap… vì nó trẻ trung, mạnh mẽ và rất “hiện đại”. Song, công bằng để nhìn nhận thì thấy giới trẻ ngày nay đang chạy theo những ca khúc thị trường mà các bậc phụ huynh nhận xét rằng: “mì ăn liền, nghe không hiểu, nhảm nhí, ồn ào…”. Ngay ở tên bài hát đã làm người nghe phải ái ngại như: “Điện thoại yêu sim”, “Sao lại nhắn nhầm máy anh”, “Bà xã number one”, “Không bao giờ bó tay”… và càng “ấn tượng” hơn bởi những ca từ kiểu: “Muốn yêu thì phải tin vào đối phương người hỡi”, “Không cần anh nói hay gọi phone làm gì, cũng chỉ vậy thôi anh đừng có nhiều lời”…
![]() |
Ảnh minh họa |
Đây là những ca từ thiếu tính nghệ thuật và nội dung thì hời hợt, thậm chí nhảm nhí, vô nghĩa. Nói như vậy, không có nghĩa là những ca khúc trẻ đều thiếu tính nghệ thuật, nhưng những ca khúc kiểu như trên không hề ít và càng ngạc nhiên hơn khi nó lại được số đông giới trẻ hưởng ứng, say mê ngân nga hàng ngày! Nhiều bạn trẻ “hùng hồn” nêu quan điểm là: phải nghe những bài như vậy mới sành điệu, mới thể hiện được đẳng cấp và không bị lạc hậu, bởi nếu không biết đến các ca khúc đang “hot”, ca sĩ đang “nổi” thì thật quê mùa!
Theo quy luật cung – cầu, giới trẻ có nhu cầu thì ắt những bài hát kiểu trên ngày càng ra đời để đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng cứ đà này thì liệu âm nhạc Việt Nam sẽ như thế nào? Ngôn ngữ Việt vốn giàu và đẹp sẽ ra sao? Làm thế nào để giáo dục, tác động và định hướng cho giới trẻ nhận thức đúng trong việc thưởng thức, để âm nhạc mang giá trị đúng nghĩa là loại hình nghệ thuật – mang tính thẩm mỹ cao? – Đó vẫn là những câu hỏi khó đang còn bỏ ngỏ.
Trần Hữu
Ý kiến bạn đọc