Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực gìn giữ những nếp nhà sàn

09:20, 13/04/2012

Trước vòng quay nghiệt ngã của thời gian và tác động của thời đại “bê tông hóa”, những nếp nhà dài thưa dần trong đời sống của các buôn làng M’nông Chil, thay vào đó là nhà Thái, nhà ống, nhà mái bằng… Nhưng ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn huyện (Lak) những nếp nhà dài vẫn còn đó, gắn bó  với đời sống sinh hoạt và văn hóa của mỗi gia đình.

Những ngôi nhà dài được gìn giữ ở buôn Lê.
Những ngôi nhà dài được gìn giữ ở buôn Lê.

Buôn Lê hiện có 127 hộ với 651 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông Chil bản địa sinh sống. Với 70% hộ gia đình vẫn giữ được nếp nhà sàn, buôn Lê đang trở thành một trong những điển hình của thị trấn Liên Sơn trong nỗ lực gìn giữ nhà dài truyền thống của dân tộc bản địa, trong đó, có tới 75% nhà dài là nhà gỗ do ông bà, tổ tiên của họ để lại. Bởi  với bà con nơi đây, nhà dài không chỉ đơn giản là nơi sinh hoạt mà là sự sống, là linh hồn, bản sắc dân tộc. Những cánh rừng bị cạn kiệt dần, tre nứa, gỗ - nguyên liệu để làm nhà dài ít dần đi và nhà xây theo kiểu mới rẻ hơn với những hữu ích riêng. Nhưng bằng ý thức và lòng tự tôn của mình, buôn Lê có những cách làm riêng để gìn giữ, lưu giữ những nếp nhà dài truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, vật liệu không còn nhiều như xưa nên nhà dài ở đây có những thay đổi: cột nhà, cầu thang bằng gỗ được thay bằng trụ sắt bê tông, mái tranh được thay bằng mái tôn, mái ngói… Trưởng buôn Y Plú Êung tự hào: “Gia đình tôi có 10 người và tất cả mọi người vẫn chung sống hòa thuận trong căn nhà dài truyền thống với chiếc ghế Kpan, vò rượu cần”… Với 1 ha lúa nước, 5 sào cà phê, 5 sào ngô và đàn bò 15 con, bình quân mỗi năm gia đình Y Plú có thu nhập hơn 200 triệu đồng, đủ điều kiện để xây nhà Thái, nhà ống. Nhưng gia đình vẫn giữ và sinh sống dưới mái nhà dài truyền thống được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất được để dưới sàn nhà.

Được biết, những năm trở lại đây, nền kinh tế của buôn làng phát triển, tỉ lệ hộ khá giả ngày càng cao, đặc biệt, bà con trong buôn đã mua sắm được máy móc, thiết bị trong gia đình như máy quạt, tủ lạnh, ti vi, tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng bà con vẫn giữ được thói quen sinh hoạt trong nhà dài. Vì thế, nếu xây mới bằng bê tông, bà con vẫn sử dụng, xây dựng theo lối kiến trúc nhà dài truyền thống như gia đình Y Jet Bing, Y Vet Bing… Y Jet cho biết, bây giờ gỗ rất hiếm, giá đắt, trong khi kinh tế còn khó khăn nên gia đình đã bê tông hóa căn nhà của mình nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc của nhà dài truyền thống với những vật dụng trong gia đình do dòng tộc để lại. Nếu xây mới những căn nhà cấp 4, bà con chỉ xây dựng phía sau nhà dài và dùng để tiếp khách, còn mọi sinh hoạt vẫn diễn ra trong ngôi nhà dài truyền thống. Riêng những gia đình có điều kiện hơn, họ vẫn xây dựng nhà dài bằng gỗ như gia đình ông Y Gar Hmok, Y Tinh Bdap... 

Những con đường ven buôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa minh chứng cho sự phát triển của đi lên của buôn làng. Song những nếp nhà dài vẫn tồn tại với thời gian, tồn tại giữa “đô thị”. Già Y Tông Drang cho biết: “Mình đã gắn bó với nhà dài cả cuộc đời. Mai này nếu không đủ điều kiện để làm nhà dài nữa thì mình sẽ xây nhà riêng bên cạnh cho các con chứ không phá nhà dài này”. Tuy vậy, già vẫn buồn bởi việc gìn giữ nhà dài – một sản phẩm vật thể hiện hữu phải gắn với linh hồn – không gian sinh hoạt văn hóa riêng là một vấn đề nan giải không chỉ với bà con nơi đây mà cả với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Nguyễn Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.