Multimedia Đọc Báo in

Phương trời xa để thương để nhớ!

04:40, 03/04/2012

Ngày anh ra đi không đột ngột mà thành ra đột ngột. Không đột ngột vì tuổi đã cao. Anh sinh ngày 16-10-1927, đã vào tuổi 85, lại đau yếu hàng chục năm ròng. Nhưng đột ngột là vì những ngày cuối đời anh không ở Dak Lak mà tin buồn được chị Diệu Thủy báo lên vào một ngày cận tết âm lịch, khi nơi nơi chuẩn bị đón tết Nhâm Thìn.

Không bàng hoàng sao được khi người anh, người bạn văn nghệ trí sáng, tâm trong, ân trọng, nghĩa bền ra đi mà mình cùng anh em văn nghệ sĩ và bạn bè ở Dak Lak không được tiễn đưa anh.

Anh sinh trưởng ở Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định. Họ tên đầy đủ của anh là Nguyễn Văn Bỉnh, tham gia cách mạng từ năm 1945. Đã từng là quân nhân, làm xã đội trưởng thành Bình Định, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Năm 1954, tập kết ra miền Bắc, anh gắn bó với công tác công đoàn ở Hải Phòng. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh vào công tác ở ngành ngoại thương tỉnh Dak Lak. Một thời gian về Liên hiệp Công đoàn tỉnh rồi làm chuyên viên Ban Dân vận Tỉnh ủy cho tới khi nghỉ hưu năm 1988.

Anh đến với thơ ca từ rất sớm, ngay từ năm 1949 đã có bài Đồi thu nhớ bạn:

Em nằm cửa trống trời đông

Gió mưa rét mướt lạnh lùng chiếc thân

Anh thì trong chốn ba quân

Nắng mưa nào quản phong trần quanh năm.

Tạm gác một số từ mà bây giờ cho là cũ, là sáo mòn, là thơ của một thời, vì cách nghĩ, cách cảm đã có khoảng cách giữa các thế hệ, bài thơ vẫn rung lời tha thiết. Để rồi tới năm 1994 có câu thơ nghẹn lòng:

Cuộc tình anh, cuộc tình em

Cả hai bảy nổi ba chìm cả hai

                                    (Cuộc tình đôi ta)

Vì vậy, không kể 45 hội viên sáng lập, anh thuộc lớp hội viên đầu tiên được kết nạp vào Hội Văn nghệ Dak Lak. Anh sôi nổi trong mọi hoạt động của Hội, là người sáng lập và làm tổ trưởng Bốn mùa thơ liên tục nhiều năm, sinh hoạt thường xuyên đều đặn, nâng dần cách cảm thụ để làm thơ cho nhiều người.

Chính anh đã giới thiệu cho Ban chấp hành xét kết nạp thêm nhiều hội viên thuộc hàng cao tuổi (hai nhiệm kỳ đầu chưa giới hạn độ tuổi kết nạp). Tuổi cao, sức yếu, với chiếc xe đạp lọc cọc đi về, anh đến từng nhà để nhận bài, ảnh chân dung tác giả; đến nhiều cơ quan xin tài trợ để có 4 tập Bốn mùa thơ dày dặn, trang nhã ra mắt được đánh giá cao khi giao lưu với quê hương Bình Định hay cả với thành phố Hồ Chí  Minh và Hà Nội. Tất nhiên, không chỉ riêng anh mà còn có anh Triệu Cơ, Triệu Miện… giúp sức, nhưng anh vẫn là đầu tàu.

Hơn nửa thế kỷ làm thơ, anh đã gạn lọc in riêng tập Phương trời gồm 70 bài năm 1997 để kỷ niệm tròn 70 tuổi đời. Đến năm 2003 chọn tiếp 27 bài in cùng Diệu Thủy trong tập Tấm lòng quê – Phương trời. Thơ anh đã được in chung trong các tập Quê hương Bình Định, Mười lăm năm biển thơ cùng các tập thơ tuyển chọn ở Dak Lak, trong đó có các tập Bốn mùa thơ.

Ngay từ mùa đông 1953, thơ Chính Tâm đã thể hiện việc dấn thân cho lý tưởng của mình:

Anh đi theo bóng cờ hồng

Bước chân đã trải bao trùng hiểm nguy

Thép gang thử thách đòi khi

Thiếu chi tranh đấu, quản gì hy sinh.

                             (Ai hoài)

Cả sau này, lý tưởng ấy vẫn sáng trong, thêm phần quyết liệt, đúng như định hướng cuộc đời là sống – chiến đấu:

Ba thước gươm thiêng dành quỷ dữ

Một bầu máu nóng nhuộm cờ tươi

                              (Luyện thép gang)

Lý tưởng ấy đau đáu trong anh. Mùa thu 1959, tiếng gọi về Nam giục giã, cả nước cùng ra trận. Anh thấy mình có lỗi khi phải nằm bệnh viện, lòng day dứt không yên:

Bó thân cá chậu chim lồng

Giữa khi đất lở trời long bên ngoài

                       (Trong bốn bức tường bệnh viện)

Anh căm ghét sự tráo trở, vô luân, đê tiện, tranh đấu không khoan nhượng nên lấy bút danh Chính Tâm, thể hiện lòng ngay thẳng, tim chính trực. Có lẽ vì Chính Tâm mà cuộc đời không phẳng lặng, bị xô dạt, chìm nổi lênh đênh. Dù sao cuộc đời vẫn đẹp, để thương, để nhớ, để thơ chắt lọc tình người:

Xui lòng anh đến sông Thương

Thương ai đi gió về sương thẫn thờ

Buông dòng nước chảy lơ thơ

Đã thương cho đến bến bờ với sông

                   (Tình sông nước)

Anh đau yếu đã lâu, từ năm 2002 đã lâm trọng bệnh. Người bạn đời của anh là chị Diệu Thủy biết tôi hiểu và có tình với anh nên nhờ viết sẵn điếu văn, để có mệnh hệ gì thì Thành ủy Buôn Ma Thuột bớt lo một việc (vì những người có Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Thành ủy tổ chức tang lễ). Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm và trao điếu văn, nhắc chị phải giữ kín để tôi khỏi mang tiếng bất nhẫn. Đến Đại hội IV của Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak anh khỏe lại, về dự Đại hội, anh phô tô điếu văn làm nhiều bản tặng bàn bè làm tôi cũng bật cười, biết rằng anh nắm quy luật sinh tồn nên cứ bình thản, cứ lạc quan vui sống.

Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak (5-9-1990 – 5-9-2010) anh cũng có mặt. Tôi được thay mặt văn nghệ sĩ phát biểu, cảm ơn lãnh đạo tỉnh trọng thị, ưu ái và độ lượng với văn nghệ hai mươi năm qua, cả trước đó từ thời kỳ là ban vận động và cả niềm tin vào thế hệ sau này. Bài phát biểu được vỗ tay hoan nghênh giữa chừng, thấy anh cũng chậm chạp huơ tay tán đồng.

Tháng 9-2011, bệnh tình đã nặng, anh vẫn đòi về thăm Dak Lak, có lẽ biết mình sắp đi xa nên muốn gặp lại Dak Lak cho trọn ân tình. Anh đã liệt giường, khi tỉnh khi mê. Lúc tỉnh nhận ra người quen, tay cầm tay lại chảy nước mắt, thều thào nói chẳng ra hơi. Anh được đưa về lại thành phố Hồ Chí Minh để tiện gia đình chăm sóc.

Tối ngày thứ sáu, 20-1-2012 (ngày 27 tháng Chạp năm Tân Mão) chị Thủy báo tin: Anh đã ra đi hồi 18 giờ cùng ngày. Vì cận tết âm lịch nên các cơ quan và bạn bè ở Dak Lak không tới tiễn đưa anh nhưng Thành ủy đã kịp gửi điếu văn nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể sở tại lo giúp. Các vòng hoa của Thành ủy Buôn Ma Thuột, Hội Văn nghệ, tổ Bốn mùa thơ… kịp thời gửi viếng.

Đúng vào dịp tết, báo chí đã phát hành, rồi năm mới nên không có dòng cáo phó hay tin buồn.

Tôi cứ nghĩ quanh, nhớ lại tiêu đề bài tiểu luận – phê bình về tập Phương trời của anh: “Phương trời lận đận – lặng lẽ hết mình”, có lẽ nào lại thế? Anh Bỉnh ơi!

85 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, anh đã đi trọn con đường mà thế hệ anh chia sẻ gian nan cùng dân tộc, được sống trong thời đại Hồ Chí Minh là hạnh phúc lớn lao. Cuộc đời anh và thơ anh nói lên điều đó. Anh được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua những huân, huy chương cao quý như: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Dân vận, Vì sự nghiệp Công đoàn…

Chị Diệu Thủy đã từng ví anh với cây tùng cheo leo, không sợ gió sương, mang cốt cách người quân tử:

Có cây tùng đứng ở đầu non

Nắng núi mưa ngàn dãi tấm son

                                        (Vịnh cây tùng)

Hiểu nhau, thương nhau là vậy, như một cặp bài trùng, làm cảm động người biết yêu người.

Lại nhớ khi anh còn minh mẫn, tôi đã tặng đôi câu đối lấy cảm hứng từ bút danh và tên các tập thơ của anh chị:

Thủy tú, Diệu huyền – Tấm lòng quê dệt nên Diệu Thủy

Tâm quang, Chính lộ -  Những Phương trời tạo dựng Chính Tâm.

Anh thanh thản về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương cho những người từng yêu quý anh và cả những người dù chỉ sơ giao.

Bài viết này như nén tâm nhang bái vọng, mang theo tình cảm của anh em văn nghệ, báo chí cùng bè bạn từ miền đất Dak Lak mà anh từng yêu thương, gắn bó.

Tháng 2-2012

Tưởng nhớ nhà thơ Chính Tâm – Nguyễn Văn Bỉnh

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc