Multimedia Đọc Báo in

Sự ra đời của bài hát “Giải phóng miền Nam”

06:28, 28/04/2012

Bài hát “Giải phóng miền Nam” rất quen thuộc với nhân dân hai miền Nam - Bắc trong giai đoạn chống Mỹ quyết liệt những năm 1961-1975, nhưng nguồn gốc ra đời của nó thì ít người được biết nhất là thế hệ sinh sau 1975.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã kể lại, đầu xuân 1961, Phó Thủ tướng Phạm Hùng (sau này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) có buổi làm việc với ba nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi tiếng ở Nam bộ trước đây là Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ để gợi ý ba ông sáng tác một bài hát cho Mặt trận Giải phóng miền Nam. Yêu cầu bài hát mang tính chất phổ thông, dễ hát, dễ thuộc lời, nội dung cơ bản là diệt Mỹ, đánh đổ ngụy quyền tiến tới thống nhất đất nước, Nam - Bắc chung một nhà.

Sau khi ra về, hằng ngày bộ tam Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng thường gặp nhau trao đổi làm thế nào thể hiện được ý đồ đó bằng nhạc, bằng lời cụ thể. Bản thảo được mọi người đọc kỹ cùng nhau sửa chữa nâng cao rồi đi đến thống nhất phần lời:

“Đây Cửu Long hùng tráng.

Đây Trường Sơn vinh quang

Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ cướp nước.

Ôi xương tan máu rơi!

Lòng hận thù ngút trời!

Sông núi bao nhiêu năm cách rời...”

Phần giai điệu thì trầm hùng quật khởi, khí thế xông lên.

Vốn nung nấu căm thù giặc, thiết tha với quê hương miền Nam, các tác giả đã hoàn thành bài hát chỉ trong mười ngày. Lúc đó Huỳnh Văn Tiểng là Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo cho nhạc sĩ Lưu Cầu đang công tác ở ban nhạc của đài cho học ngay và nhắc: Ban ca nhạc khi nào học thuộc thì báo cho ông biết. Bài hát học xong, được duyệt tại hội trường báo Thống Nhất (nay 82 Nguyễn Du - Hà Nội). Dự duyệt có đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, và đại diện Ban Thống nhất Trung ương, ông Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ Báo chí Trung ương và nhà thơ Bảo Định Giang. Nghe đến câu “Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng. Cầm gươm ôm súng xông tới!...”, đồng chí Lê Duẩn gật đầu. Khi bước lên xe ra về, đồng chí Lê Duẩn còn quay lại nói với ông Huỳnh Văn Tiểng: “Tốt, hay!”. Lúc đó tất cả ban nhạc của Đài mới thở phào nhẹ nhõm. Bữa ấy thủ trưởng Huỳnh Văn Tiểng “khao” mỗi người một bát phở ở cuối phố Lý Thường Kiệt.

Bài hát “Giải phóng miền Nam” gửi in báo Nhân Dân cả phần lời và nhạc được ghi tên tác giả là Huỳnh Mai Lưu (Huỳnh là Huỳnh Văn Tiểng, Mai là Mai Văn Bộ, Lưu là Lưu Hữu Phước). Nhưng nhà in đã in nhầm thành Huỳnh Minh Siêng, đến khi phát hiện ra thì đã in tới hàng chục vạn bản và tức khắc đã gửi đi các nơi, các tác giả không kịp cải chính đành để tên tác giả là Huỳnh Minh Siêng như báo đã in.

Bài hát “Giải phóng miền Nam” đã kịp thời sử dụng trọng thể trong ngày khai mạc Đại hội thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam lần thứ nhất và bầu ra Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và được coi là “quốc ca” của Mặt trận Giải phóng miền Nam cho tới ngày 30-4-1975 thống nhất đất nước.

Bảo Uyên


Ý kiến bạn đọc