Di sản văn hóa trước nguy cơ biến đổi khí hậu
Từ ngày 10 đến 13-6, Viện Văn hóa Nghệ thuật phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo tàng với Di sản văn hóa ở lưu vực sông Mê Công và sông Hằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và thế giới nhìn nhận, đánh giá ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với di sản văn hóa, đề ra những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản trước thách thức mang tính toàn cầu này.
Cảnh khô hạn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: T.L |
Bước sang thế kỷ 21, nhân loại đối mặt với thách thức mang tính lâu dài trước những diễn biến bất thường của thời tiết: thiên tai, bão lụt, tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều khu vực, suy giảm nguồn tài nguyên ở nhiều quốc gia...Tình trạng khí hậu nóng dần lên, khiến mực nước biển dâng đang đe dọa đến việc sản xuất lúa gạo của nhiều quốc gia. Biến đối khí hậu chẳng những đe dọa sự sống trên trái đất mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến những di sản do thiên nhiên và con người sáng tạo ra. Các di sản văn hóa cũng bị ảnh hưởng ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng. Nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của tác động biến đổi khí hậu để chủ động đối phó, khắc phục những tác hại của nó đến đời sống con người.
Chùa Wat Chai Chaiwattanaram tỉnh Ayutthaya, miền trung Thái Lan, đang bị ngập lụt. Ảnh: T.L |
Sông Mê Công và sông Hằng là hai con sông lớn, mang lại nguồn lợi to lớn cho cư dân sinh sống ở các lưu vực sông. Hai dòng sông này cung cấp nguồn nước dồi dào cho cuộc sống và bồi đắp lượng phù sa màu mỡ cho những vùng châu thổ quan trọng. Từ đó hình thành nên những vựa lúa hàng đầu ở châu Á, đảm bảo nguồn lương thực không chỉ cho cư dân ở hai lưu vực sông mà còn cho nhiều nơi khác trên thế giới. Sông Hằng và sông Mê Công cũng là nơi dồi dào tôm cá, là huyết mạch giao thông đường thủy để mở rộng giao thương buôn bán, giao lưu văn hóa. Đồng thời đây là những cái nôi sản sinh ra nhiều nền văn hóa lâu đời, đa dạng và đặc sắc, nay thuộc các quốc gia khác nhau: Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Thành phố Varanasi, một vùng đất đầy màu sắc và tín ngưỡng với dòng sông Hằng kỳ bí. Ảnh :T.L |
Tuy nhiên, lưu vực sông Mê Công và sông Hằng đều là những vùng đất thấp của châu Á, do đó phải thường xuyên hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu và là vùng dễ bị tổn thương nhất. Theo các chuyên gia, trong vòng 60 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội tại các khu vực này. Nước biển dâng sẽ gây ngập nhiều nơi, lượng nước của các con sông giảm thiểu trong mùa khô và tăng cao vào mùa mưa. Hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, khốc liệt hơn; lũ lụt sẽ xảy ra khác thường, đặc biệt là nước dâng cao hơn và thời gian ngập kéo dài hơn. Suy giảm tài nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất nông nghiệp, nghề cá, giao thông, thậm chí làm tăng nguy cơ cháy rừng. Gần đây, ông Arjun Thapan, chuyên gia hàng đầu và là cố vấn cấp cao về cơ sở hạ tầng và nguồn nước của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 80% gạo xuất khẩu của Việt Nam, đang bị đe dọa bởi lượng nước sông Mê Công sụt giảm. Theo ông, lưu lượng nước không đủ phát triển các phương tiện tưới tiêu tại vùng châu thổ này. Ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam, nước đứng vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo bị đe dọa bởi tình trạng ngập mặn ở vùng châu thổ sông Mê Công do con sông này bị tận dụng quá mức ở thượng nguồn.
Cảnh ngập lụt tại tỉnh An Giang, Việt Nam. Ảnh :T.L |
-Lưu vực sông Mê Công và sông Hằng sản sinh và lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc, bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có nhiều di chỉ khảo cổ và di tích cổ. Các di sản đó là kết tinh trí tuệ, tài năng và chứa đựng truyền thống từ ngàn năm của biết bao thế hệ cư dân bản địa đã sáng tạo nên. Tuy nhiên, các di sản văn hóa đó đang đứng trước thách thức to lớn. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa ở vùng biển, ven sông, những vùng đất thấp, tác hại của biến đổi khí hậu càng nặng nề hơn. Một khi nước biển dâng cao, bão xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ lớn hơn sẽ tác động mạnh, gây xói mòn và sạt lở đất, đe dọa các công trình văn hóa. Những cư dân vùng bị ảnh hưởng phải chuyển đi nơi ở khác buộc phải chuyển đổi sinh kế khiến họ mất dần những tri thức bản địa, những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt...; ngay cả phong tục tập quán cũng có thể dần dần chìm vào quên lãng. Như vậy, di sản văn hóa mà cha ông họ đã sáng tạo và lưu truyền sẽ bị mất đi.
Việc đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến di sản văn hóa là việc làm cần thiết để có định hướng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trước nguy cơ của biến đổi khi hậu, cần có nhận thức sâu sắc trong cộng đồng về biến đổi khí hậu và thực hiện các giải pháp để giữ gìn di sản. Để ứng phó với thiên tai, bão lụt xảy ra thường xuyên, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là những người làm công tác ở ngành văn hóa cần có những biện pháp phòng ngừa và khắc phục hậu quả kịp thời; nhằm giảm thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn cho các di sản quí báu của tiền nhân. Các đơn vị chủ động ứng phó kịp thời như thành lập đội phòng chống lụt bão, theo dõi tình hình dự báo thời tiết và có phương án phòng chống lụt bão, hạn chế được thiệt hại ở các di tích, nhà bảo tàng. Các di sản văn hóa thế giới ở tiểu vùng sông Mê Công cần có các nghiên cứu lồng ghép tác động biến đổi khí hậu trong công tác trùng tu, tôn tạo di sản. Cần huy động các nguồn lực trong nước và tài trợ quốc tế cho công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản. Cần phải tìm tòi những cách thức mới phù hợp, có hiệu quả, kể cả ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào việc bảo tồn di sản văn hóa.
Trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, giới khoa học, các cơ quan, ban ngành có liên quan. Mỗi thành phần cần đảm nhiệm vai trò của mình trong việc hoạch định chính sách, đề xuất các kế hoạch cụ thể và thực hiện các chương trình hành động thiết thực để bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc