Multimedia Đọc Báo in

Hành hương về đất Phật

21:44, 04/06/2012

Đoàn nhà văn Việt Nam dự Liên hoan thơ quốc tế tại Ấn Độ được bạn sắp xếp một chuyến hành hương về đất Phật.

Từ Kolkata, chúng tôi về Bồ Đề Đạo Tràng (Boud dha gaya) bằng chuyến xe lửa chạy suốt đêm. Đón chúng tôi ở cửa sân ga là người của Chùa Việt Nam Phật quốc tự do thầy Thích Huyền Diệu sáng lập. Vào Chùa Việt Nam Phật quốc tự, chúng tôi như lạc vào một ngôi chùa ở làng quê nào đó ở Việt Nam, bước qua cánh cổng đã bắt gặp những lũy tre xanh, những hàng chuối và rất nhiều cây ăn quả đặc trưng Việt Nam như đu đủ, bưởi, hồng…, ở đây thậm chí còn nghe được tiếng chim cu gáy thong thả điểm nhịp. Ngôi chùa có nét kiến trúc như chùa ở Bắc Bộ nhưng có một cái tháp rất cao. Đây cũng là nét khác biệt với ngôi chùa các nước khác xung quanh. Thầy Thích Huyền Diệu giải thích: “Chùa Việt Nam tuy nhỏ nhưng phải có tháp cao để từ xa người ta đã nhận ra. Đặc biệt, trên các tấm cửa đều đắp nổi hình ảnh chữ S của đất nước Việt Nam để cho những người khiếm thị khi đến đây lấy tay sờ thì vẫn nhận ra đó là ngôi chùa Việt Nam”.

Tác giả bên sông Hằng.
Tác giả bên sông Hằng.

Ở Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi được thầy Nhuận Đạt đang làm tiến sĩ Phật giáo ở Ấn Độ đưa đi thăm nơi đất Phật khai minh dưới gốc cây Bồ Đề. Hoàng đế Ashok cho xây một ngôi chùa lớn hình chóp vươn cao 60 mét lên nền trời như một ngọn bút, ở bốn góc lại có bốn tháp nhỏ với hình dáng giống hệt như thế tạo nên sự hài hòa cân xứng cho cả ngôi chùa. Trong điện thờ chính có một pho tượng Phật khá lớn ngồi trong tư thế nhập định hướng về phía đông, đúng tư thế của Đức Phật đã ngồi tựa bên cây bồ đề và thành đạo. Men theo bên trái ngôi chùa ra đằng sau là thấy cây bồ đề của Đức Phật 2600 năm tuổi, ngay dưới gốc cây có một phiến đá lớn được gọi là tòa kim cương nơi Đức Phật tọa thiền. Còn trước lối vào là hai phiến đá đen hình tròn chạm khắc đôi bàn chân của Đức Phật. Cây Bồ Đề trong tiếng Anh và tiếng Hin - đi là cây bo, chắc hẳn xuất phát từ chữ Boldha của từ Srankrat có nghĩa là tỉnh thức và giác ngộ, lá Bồ Đề to bằng bàn tay, hình trái tim. Tôi may mắn là người duy nhất của đoàn được chú bé Ấn Độ chạy theo tặng một chiếc lá Bồ Đề còn xanh mới rụng xuống. Ở đây chúng tôi cũng làm lễ và mang về tặng bạn bè một ít lá Bồ Đề đã được ướp hương liệu. Rất nhiều đoàn khách các nước hành hương về đây, đông nhất là các nhà sư Tây Tạng có sắc phục rất riêng biệt màu đỏ thẫm với những nghi lễ rất kỳ lạ. Tôi chứng kiến cảnh đoàn người mộ đạo: đi 3 bước (tam bộ) là ngũ thế (gồm chân, tay, ngực trần...) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa) gọi là “Ngũ thế nhập địa”. Đây là cách vái, lạy khổ sở, đau đớn nhất thế giới. Trán họ vồng lên u bướu và xám xịt với các vết sẹo, vệt chai đen thẫm, bụng họ ấp một tấm da cừu, da ngựa còn cả lông lá đã sờn rách. Hai tay họ có khi được đeo hai cái guốc có quai da để khi “nhập” “đánh cộp một cái” đủ để “ngũ thế” xuống đất thì hai bàn tay chịu áp lực sẽ không chảy máu. Tất cả các đoàn người hành hương về đây dù đến từ bất cứ nước nào (châu Á nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản) đều có một câu niệm thần chú rất bí ẩn trong tiếng nhạc trầm hùng, bàn tay lần 108 viên tràng hạt. Câu thần chú ấy được thầy Nhuận Đạt dịch ra tiếng Việt là: “Úm mai ni bát di hồng”, nghe như một gam điệu nhạc gắn kết mọi người thành một chuỗi tràng hạt xung quanh gốc cây Bồ Đề mà Đức Phật đã giác ngộ.

Trong bốn vùng đất quan trọng nhất liên quan đến cuộc đời của Đức Phật chỉ có Lumbini là thuộc nước Nêpal, còn 3 miền đất khác đều nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. Lumbini là nơi Hoàng tử Siddhara tha (Tất Đạt Đa) cất tiếng khóc chào đời. Kushinagar là nơi Đức Phật lui về nghỉ những ngày cuối cùng và nhập Niết Bàn ở tuổi 80. Hai nơi này là chứng nhân để nói lại cho nhân loại biết rằng Đức Phật cũng là một con người như một người trần, cũng có sinh có tử. Hai nơi khác đặc biệt quan trọng hơn là Bồ Đề Đạo Tràng nơi Hoàng tử Tất Đạt Đa sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiếm chân lý đã ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề để được khai minh. Sau đó, Người vượt 250 cây số để tới Saranath giảng bài kinh đầu tiên cho 5 tín đồ của Phật giáo. Đoàn nhà văn Việt Nam chúng tôi đã được đến cả 4 nơi này. Ấn tượng đặc biệt với tôi là khi qua biên giới hai nước Ấn Độ, Nêpal để đến với ngôi chùa Việt Nam của thầy Thích Huyền Diệu xây ở Lâmtini là thủ tục làm visa rất đơn giản. Mỗi người trong đoàn chỉ nộp 25 đô la là có thể ở lại trên đất Nêpal 15 ngày.

Ngôi chùa Việt ở đất nước Nêpal rất lạ. Ở đây có một cái hồ nhỏ, ở giữa hồ xây ngôi chùa một cột, có cầu thang lên hiền hòa để người thật ôn hòa, thật tĩnh tâm mới có thể khéo léo lách mình vào được bên trong, những người hấp tấp nôn nóng thì sẽ va đầu vào cửa và bàng hoàng lui ra ngay thay cho việc bước tiếp vào trong chùa. Ngôi chùa Việt ở đây khác hẳn với mái chùa Tàu xây gần đó. Nếu như mái chùa Tàu lượn từ trên xuống rồi hất cong lên một cách thô bạo, áp đặt thì mái chùa Việt bao giờ cũng mềm mại hơn, lượn xuống từ tốn và điềm đạm rồi sau mới hất cong lên như bản tính người Việt khi cần cũng có thể quyết liệt. Sáng ngủ dậy tôi bỗng nghe thấy tiếng chim kêu lạ ở khu vườn chùa, thì ra đó là một loài chim Hồng Hạc (loài chim quý hiếm trong sách đỏ) được thầy Huyền Diệu đưa về chăm sóc. Những chú chim mỏ đỏ to, lừng lững gần như loài đà điểu xinh xắn đi lại trong vườn chùa, vừa vươn cổ thoát ra những âm thanh mềm mại trông thật dễ thương như những chú cò của đồng quê Việt Nam, được cách điệu, được trang điểm, được thăng hoa hơn, có gì đó thật đĩnh đạc và kiêu hãnh, một thế sống, tư thế nhập cuộc. Chúng tôi cũng đã đến vườn Lộc Uyển, nơi sau khi đắc đạo Đức Phật đã gặp 5 anh em A Nhã Kiều Trần Như  từng tu khổ hạnh ở đây. Đức Phật cho biết mình đã chứng ngộ được chân lý và thuyết giảng bài kinh đầu tiên ở đây mang tên “Chuyển pháp luân”. Ở đây, người Ấn Độ cho khắc bài kinh này lên hàng chục bia đá bằng những thứ tiếng khác nhau, trong đó tấm bia đá thạch khắc chữ Việt Nam là lớn nhất, vì thế tôi mới có thể đọc được nội dung bài giảng này ngắn gọn như sau: Đức Phật nói về bốn sự thật mầu nhiệm gọi là tứ diệu đế. Sự thật thứ nhất là “khổ đau” (khổ đế) sinh – lão – bệnh – tử là khổ, buồn, giận, ghen, tức, lo âu, sợ sệt, thất vọng là khổ, chia cách người thân, hay chung đụng với người ghét, sa vào trong ngũ uẩn (sắc: thân thể, thọ: cảm giác, tưởng: tri giác, hành: tâm hành, thức: nhận thức) cũng là khổ. Sự thật thứ hai là “nguyên nhân của khổ đau” (tập đế): Nắm rõ nguyên nhân của khổ là dục vọng và lòng ham mê lúc nào cũng đòi hỏi phải được chiều theo nhưng không bao giờ thỏa mãn. Sự thật thứ ba là: “Chấm dứt khổ đau” (diệt đế), khi từ bỏ mọi dục vọng coi như đạt đến chân lý. Và thứ tư là “con đường diệt khổ” (đạo đế) là hiểu được đường dẫn đến giải thoát và kiên trì đi theo, đó là con đường bát chánh đạo. Đây chính là tư tưởng chính của bài giảng Đức Phật vào năm 528 trước Công nguyên.

Đến Ấn Độ, chúng tôi còn được leo lên đỉnh núi Linh Thứu Sơn. Đỉnh núi linh thiêng này đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng bộ kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Thầy Huyền Trang thế kỷ thứ VII (nhân vật chính Đường Tăng trong Tây Du Ký) ngày xưa cũng từng đến chiêm bái LinhThứu Sơn. Nơi đây còn lưu giữ cả nền tháp xây bằng gạch đỏ và các tảng đá mà Đức Phật ngồi thiền. Giữa đỉnh cao núi non thật trong trẻo, tôi ngỡ như có một từ trường kỳ lạ nâng bổng mình lên nhẹ nhõm. Mười ngày đi Ấn Độ không xem ti vi (vì không hiểu tiếng Ấn), không nghe điện thoại (ngoài vùng phủ sóng), không internet, ăn chay mà chúng tôi vẫn được kết nối với cộng đồng bằng một sợi dây vô hình là tâm linh. Leo núi không mỏi mệt, đi đường bộ mà cứ như bay, thật thanh thản lạ lùng. Ngôn ngữ chính vẫn là những nụ cười, ánh mắt, cái bắt tay thân thiện. Ấn tượng cuối cùng của tôi khi rời Ấn Độ chính là con sông Hằng huyền bí. Chúng tôi đi dọc sông Hằng có nhiều bậc thang lót bằng những khối đá (tiếng Ấn gọi là ghat) nơi mà tín đồ Ấn giáo ngày ngày tập trung đến để cầu nguyện, thiền định, tắm rửa, thả hoa đèn và thiêu xác. Ở đây rất nhiều những cánh chim hải âu bay rợp trời sà xuống thuyền. Tôi cũng gặp đám cưới đi dọc sông Hằng như một ngày hội. Chú rể trong sắc phục hoàng tử, còn cô dâu thì đeo rất nhiều trang sức bằng vàng. Người Ấn Độ rất quý vàng. Người nghèo nhất thì cũng có vàng đeo trong ngày hội này. Con gái đi đám cưới thường choàng một tấm khăn màu đỏ như một dấu hiệu riêng, đi dự đám cưới họ không những được ăn uống ca hát vui chơi mà còn được nhà chủ thưởng tiền tạo ra một không khí lễ hội thật tưng bừng như đi hái lộc xuân vậy.

Một Ấn Độ vừa huyền bí vừa sôi động đã để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Đặc biệt là ngôi chùa Việt Nam Phật quốc tự cứ neo mãi trong tôi hình bóng nước Việt luôn ở trong tâm hồn của những người con Việt xa xứ. Tạm biệt Ấn Độ, xứ sở của thi ca và những điệu nhạc mê hồn, tôi nhớ mãi câu thơ của thi hào Tago: “Cây là nỗ lực khôn cùng của đất để nói với bầu trời đang lắng nghe...”

Nguyễn Ngọc Phú


Ý kiến bạn đọc