Tránh để những điều tục lụy len lỏi vào Khu du lịch tâm linh!
Khu du lịch tâm linh của Công ty Cổ phần Du lịch-Thương mại Bản Đôn (BANDON Tourmex) được xây dựng trên núi Cư Minh - Buôn Đôn. Với quần thể kiến trúc gồm am, chùa thờ tự và tượng Phật Quan Thế Âm cùng mười tám vị La Hán được xây dựng bề thế, uy nghi trong không gian núi rừng trầm mặc và tĩnh mịch…hy vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch trên địa bàn Dak Lak nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.
Cổng Tam quan vào Khu du lịch Buôn Đôn đang được hoàn thiện. |
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự kỳ vọng đó sẽ khó trở thành hiện thực nếu trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động du lịch chung quanh sản phẩm mới mẻ này thiếu sự nhìn nhận xác đáng và có trách nhiệm của những người trong cuộc. Trên thực tế, sản phẩm du lịch tâm linh hiện nay được nhiều người chọn làm điểm đến - và theo đó đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trước hết, phải nói đến mối liên kết, cách ứng xử giữa các đơn vị làm du lịch với bản thân các giá trị văn hóa đã có, hoặc đang hình thành trên hai bình diện vật thể và phi vật thể (như mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, phong tục, tín ngưỡng v.v…) đã được cộng đồng thừa nhận. Đối với Khu du lịch tâm linh của BANDON tourmex, được xây dựng trong không gian mở và có mối gắn kết với các sản phẩm du lịch đặc thù khác: cưỡi voi, bơi thuyền, cắm trại trong rừng, mua sắm, tìm hiểu và khám phá vốn văn hóa bản địa (thông qua các hoạt động lễ hội, diễn tấu cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ…) và cả dịch vụ mát xa, tắm hơi, nghỉ dưỡng trong các Bangalow tiện nghi, sang trọng. Ai có thể biết trước rằng, khi các dịch vụ này được đưa vào khai thác, sử dụng như sản phẩm đồng dạng với điểm du lịch được gọi là tâm linh trên đồi Cư Minh thì không dẫn đến tình trạng lộn xộn như đã từng xảy ra ở một số nơi khiến du khách buồn lòng vì những sản phẩm, dịch vụ “ăn theo” như nạn cò mồi, “buôn thần, bán thánh”, chèo kéo khách v.v… Điều đó đối với Khu du lịch tâm linh của BANDON Tourmex được nhìn nhận ra sao ? Một số người làm du lịch ở Dak Lak cho rằng: trong quá trình mở cửa đón du khách, nhất là du khách đi theo tour thông qua các hãng lữ hành sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Như một quy luật: có cầu, hẳn có cung, những dịch vụ mát xa, vui chơi giải trí mở ra thì đương nhiên có khách vào hưởng thụ. Lúc đó, về phía “chủ nhà” buộc phải tìm mọi cách để làm vừa lòng du khách nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Ngược lại, những người đến đây có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ mà mình ưa thích dựa trên các yếu tố giá cả, chất lượng phục vụ…Và đây chính là nỗi lo đặt ra trong công tác quản lý, giám sát trước những “mặt trái” cùng nhiều hệ lụy kèm theo. Ai dám chắc các tệ nạn chèo kéo, cò mồi “buôn thần bán thánh”… không xảy ra ở khu du lịch tâm linh này?
Hiện nay, sản phẩm du lịch tâm linh đang được các tour lữ hành trên cả nước quảng bá, giới thiệu rộng rãi cho du khách tham quan. Khu du lịch tâm linh trên đồi Cư Minh trong tương lai không xa cũng sẽ trở thành điểm đến của du lịch Dak Lak. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn: du khách hành hương về đây để chiêm bái, hướng thượng, nhưng xung quanh đó lại là các sản phẩm, dịch vụ du lịch không đồng dạng được mở ra thì liệu “điểm đến” này có tránh khỏi rơi vào tình trạng “nửa chùa, nửa chợ” như đã xảy ra ở một số nơi? Bởi xét cho cùng, du lịch (dù dưới bất kỳ hình thức nào) là để tìm kiếm một giá trị văn hóa; và ngược lại - giá trị văn hóa ấy là tài nguyên nuôi dưỡng ngành du lịch lớn dậy và khỏe mạnh… thì rõ ràng những băn khoăn trên cần phải được đặt ra và tìm cách giải quyết một cách nghiêm túc, rốt ráo.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc