Một bài thơ hay về biển đảo
Tình ca sau đêm bão
Tìm em trong ngọn lửa
Em anh một con tàu
Con tàu đi qua bão
Sau bão bay bồ câu
Vẫn chiến hào bên vườn rau
Cây vẫn mầm, trái vẫn nụ
Cây phong ba bên công sự
Gió vào một trời rạng đông
Ta tìm tiếng hát em
Tiếng hát bay trong bão
Ơi một Trường Sa đảo
Tình yêu từ nghìn năm
Trường Sa vẫn những chân còng
Sau bão vẫn vo tròn cát
Từng viên, từng viên mở đất
Tình ca xây Tổ quốc mình…
Trúc Chi
Nhà thơ Trúc Chi sinh năm 1935, quê Phú Yên. Ông đi bộ đội từ năm 1950; từng công tác tại Đoàn văn công Quân khu 5, tập kết ra Bắc, sống nhiều năm ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Hiện ông nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh. Ông là một trong những tác giả viết khá nhiều về biển: Cánh chim biển (1967, thơ); Dư âm sóng (1980, thơ); Miền sóng trắng tôi yêu (1987, thơ); Huyền thoại biển (2000, truyện dài)…
Nhà thơ Trúc Chi |
Nhà thơ cho biết ông sáng tác bài “Tình ca sau đêm bão” hết sức tình cờ. Một đêm nằm ở bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), trong đêm mưa to gió lớn, ông nghe một cựu chiến binh kể về những tháng ngày nóng bỏng ở Trường Sa. Nhìn những ngọn đèn đỏ chập chờn giữa đêm giông bão trong khuôn viên bệnh viện, nhà thơ bỗng hình dung, tưởng tượng về cơn bão ngoài đảo Trường Sa. Vậy là bật ra tứ thơ “Tình ca sau đêm bão”.
Trúc Chi đã hóa thân, nhập vai người lính trên đảo Trường Sa đi tìm người yêu. Chủ thể trữ tình xưng “ta” như là lời độc thoại nội tâm với giọng thơ tha thiết, trầm lắng, chứa đầy suy tư. “Em” chỉ được biết qua “tiếng hát”. Có thể em là một cô văn công xinh đẹp nào đó đã từng ra đảo Trường Sa biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. Giọng hát của cô đã làm trái tim chàng lính đảo rung động. Và thế là chàng đi tìm…
Trong “Tình ca sau đêm bão”, nhà thơ sử dụng khá nhiều những hình ảnh mang tính biểu tượng. Ngay cái tiêu đề bài thơ đã mang tính biểu tượng rồi. “Tình ca” là biểu tượng của tình yêu. Ở đây không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ mà rộng lớn hơn – đó là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước. “Bão” là biểu tượng của cuộc sống đầy gian nan, thử thách của những người lính đảo. “Ngọn lửa” trong câu thơ mở đầu cũng mang tính biểu tượng. Đó là ngọn lửa của tình yêu, của khát vọng, ngọn lửa thử vàng… “Em anh một con tàu” cũng là một hình ảnh mang tính biểu tượng. “Con tàu” ở đây chính là Tổ quốc, là đất nước. Đất nước đi qua chiến tranh như đi qua cơn bão. Chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Đối với những người lính trên đảo Trường Sa tuy đang sống trong hòa bình nhưng vẫn luôn luôn đề cao cảnh giác. Tác giả rất có chủ ý khi đặt “chiến hào”, “công sự” bên cạnh “vườn rau”.
Khổ kết là một phát hiện khá bất ngờ và độc đáo: Đến con còng cũng biết vo từng viên cát để “mở đất”, để “xây Tổ quốc mình”. Tôi chợt nhớ hình ảnh “cây mía múa gươm”, “kiến hành quân đầy đường” trong bài thơ “Mưa” của Trần Đăng Khoa. Thơ hay thường có những phát hiện bất ngờ và độc đáo như vậy.
Đúng như nhà thơ Trúc Chi từng tâm sự: “Thêm một bài thơ về biển đảo là thêm một tiếng nói, một hơi thở. Sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay phải hướng về biển đảo, chứ không mãi chỉ có cánh đồng lúa, cây cầu tre. Bởi đó là cuộc sống, là đất đai của Tổ quốc mình…”.
Mai Văn Hoan
Ý kiến bạn đọc