Nhịp thời gian trong “Đêm phố cổ”
Đêm phố cổ
Đêm phố cổ
Trăng lên
Sông Hoài như ngừng trôi
Tiếng thời gian nhẹ như hơi thở.
Đêm phố cổ
Sóng sánh trăng
Bảng lảng sương khuya
Nhịp đều vó ngựa
Đêm phố cổ
Gió về len lén
Rung rinh buông rèm
Cửa Đại điềm tĩnh sóng
Đêm phố cổ
Bồng bềnh nhịp thở
Cho ta quay về
Miền cổ tích
Đêm phố cổ
Thời gian ở lại
Như chìm vào
Sonate dưới trăng...
Trương Minh Thắng
Phố cổ Hội An là một địa chỉ du lịch văn hóa mang trong mình bao dấu ấn của trầm tích lịch sử. Đến phố cổ Hội An ta như được sống chậm lại với nhịp thời gian trầm tĩnh, đằm sâu có những nét riêng biệt. Chân dung địa lý tự nhiên của Phố Cổ với sông Hoài, Cửa Đại và đặc biệt là ánh trăng nhuốm màu cổ tích đã gợi cho nhà báo – nhà thơ Trương Minh Thắng có một tứ thơ khá độc đáo, với nhịp điệu giàu chất âm nhạc dìu dặt, khoan thai nhiều chiêm nghiệm. Phố cổ đó là nơi lưu giữ ký ức thì “Đêm phố cổ” lại càng được chắt lọc, ngưng đọng có thổn thức, có đắm đuối tất cả đều được nhuộm trong ánh trăng, ảo ảnh.
Một góc phố cổ Hội An về đêm. Ảnh: T.L |
Nhịp thời gian của “Đêm phố cổ” được nhắc lại nhiều lần theo sự vận động cảm xúc của tứ thơ có sức gợi ám ảnh và lan tỏa. Bắt đầu là: Tiếng thời gian nhẹ như hơi thở” khi “Sông Hoài như ngừng trôi” đến “bồng bềnh nhịp thở” của “Cửa Đại điềm tĩnh sóng” tạo ra một hòa âm cộng hưởng với “nhịp đều vó ngựa” và “gió về len lén” tất cả đều nhuốm “bảng lảng sương khuya” đắm chìm hồi tưởng ngân vọng và níu kéo hồn người da diết. Vâng, nhịp thời gian thật da diết. Da diết bởi chiều sâu của khoảnh khắc của lan tỏa cộng cảm. Tôi rất thích hình ảnh “gió về len lén”, gió hay tâm tưởng của con người với con người? gió hay nhịp giao hòa của con người với thiên nhiên khi được trở về với “miền cổ tích”. Tôi có cảm giác, thi sĩ không phải đi mà đang trôi trên đường phố cổ chao với nhịp võng thời gian trong hợp âm bản “Sonate ánh trắng” của Bethoven.
Đêm phố cổ là bài thơ viết bằng cảm giác, độ chênh của cảm giác cao hơn cảm xúc, cấu trúc như một ca từ gồm nhiều liên khúc ngắn với những nét chấm phá giàu chất âm nhạc, hội họa của thi pháp phương đông cô đọng mà gợi mở. Thơ hay chính bắt đầu từ những thảng thốt như vậy.
Đại Lải, tháng 6-2011
Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến bạn đọc