Xem cổ vật vùng Lưỡng Quảng
Vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) nằm về phía đông nam Trung Quốc, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Các diễn đàn hợp tác khu vực ASEAN + 3 gồm các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được tổ chức thường niên tại đây. Cùng với hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu về văn hóa đang được mở rộng. Những tinh hoa văn hóa các nước Đông Nam Á đến với người dân Trung Quốc qua hoạt động trưng bày bảo tàng, mở ra hướng kết nối di sản rộng rãi. Đồng thời, truyền thống văn hóa vùng Lưỡng Quảng cũng rất xứng tầm, đặc biệt là các di tích, cổ vật, đủ sức thu hút và hấp dẫn các đối tác.
Chiếc âu gốm có nắp trang trí hoa văn nhiều màu. |
Tỉnh Quảng Tây với dân số hơn 50 triệu người đã có gần 150 bảo tàng. Số lượng bảo tàng nhiều không có nghĩa là đơn điệu và nhàm chán. Mỗi bảo tàng đều có bộ sưu tập tiêu biểu, điển hình trên phạm vi toàn thế giới. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quảng Tây ở thành phố Nam Ninh có bộ sưu tập trống đồng đồ sộ. Trống đồng được chọn làm mô hình kiến trúc nổi bật ở tiền sảnh của bảo tàng này. Bảo tàng Liễu Châu có bộ sưu tập hóa thạch và thư họa trên giấy. Khách tham quan được xem nhiều tiêu bản hóa thạch về thằn lằn, khủng long, hoa lá... trên các đai trưng bày. Quế Lâm có Bảo tàng Tiền cổ Việt Nam và bộ sưu tập “Mai bình”. Mỗi bảo tàng đều có nét riêng, độc đáo, lượng khách tham quan tăng lên hằng năm. Bảo tàng Công nghiệp Liễu Châu đang xây dựng, nơi đây sẽ trưng bày những máy móc cổ lỗ sĩ thời kỳ đầu, minh họa cho quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc.
Cổ xe ngựa làm bằng ngọc. |
Bảo tàng Quảng Đông được xây dựng với nét kiến trúc hết sức hiện đại. Đối diện với bảo tàng là những ngôi nhà chọc trời, có thể nhìn thấy phố sá nguy nga, tráng lệ từ trong cửa kính của bảo tàng. Có đến 160 nghìn bộ sưu tập hiện vật trong bảo tàng này. Với sự phong phú về cổ vật nên bảo tàng thường xuyên tổ chức trưng bày theo chuyên đề. Cổ vật gốm sứ là một trong những bộ sưu tập giá trị nhất của các bảo tàng tỉnh Quảng Đông. Nơi đây người tham quan được thưởng ngoạn những mẫu đồ gốm tráng men với những đường nét hoa văn, tranh vẽ tinh tế, kỹ thuật điêu luyện. Một số đồ gốm sứ của nước ta có hoa văn, kiểu dáng tương tự với đồ gốm của một số vùng bên Trung Quốc. Bởi vì, cuối thế kỷ 19, người Hoa sang lập nghiệp, mang theo kỹ thuật làm gốm của người Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu đến vùng đất mới, hòa lẫn vào gốm truyền thống của người Việt, tạo nên những trung tâm gốm sứ nổi tiếng như gốm Cây Mai, Lái Thiêu ở Biên Hòa và Bình Dương.
Tại Bảo tàng Quảng Đông, ta có thể cảm nhận nhiều điều thú vị về giao lưu, trao đổi qua lại về văn hóa giữa Trung Hoa và Đại Việt qua các thời kỳ. Gương đồng là cổ vật được trưng bày ở khá nhiều bảo tàng Trung Quốc. Nó được người Hán đưa vào nước ta từ thời kỳ Đông Sơn, Sa Huỳnh và Bắc thuộc nên hiện vật này cũng được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Một số di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Nam cũng tìm thấy gương đồng Tây Hán. Bộ sưu tập đầy đặn về gương đồng Tây Hán là nét độc đáo nhất của Bảo tàng tư nhân Hoàng Long, tỉnh Thanh Hóa.
Trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và các triều đình phong kiến phương Bắc, những sản vật, nguyên liệu từ xứ ta góp phần làm đa dạng thêm văn vật nước bạn. Các tác phẩm nghệ thuật được làm bằng ngà voi vẫn còn được gìn giữ và trưng bày tại các bảo tàng lớn của Trung Quốc. Các vua Đại Việt đã sai sứ mang những thứ quí giá trong nước như ngọc, ngà, châu báu sang làm quà để cùng nhau thiết lập mối quan hệ bang giao. Bộ sưu tập làm bằng ngà voi ở Bảo tàng Quảng Đông thực sự gây ngạc nhiên người tham quan bởi tài nghệ điêu khắc, chạm trỗ của các nghệ nhân xưa trên chất liệu ngà voi. Có đến hàng chục hiện vật được làm bằng ngà voi khác nhau mang phong cách nghệ thuật, ý tưởng trang trí, đề tài khác biệt.
Trong bộ sưu tập về đồ ngọc tại Bảo tàng Quảng Đông, ta thấy nhiều hiện vật hết sức độc đáo. Có nhiều hiện vật được làm từ ngọc như thẻ bài, ấn, đồ trang sức, đồ lưu niệm...Trình độ chế tác và trang trí hoa văn trên cổ ngọc là điều đáng nói nhất. Phần lớn những hiện vật này có từ thời Chiến quốc (khoảng 770 năm trước Công nguyên đến 221 năm trước Công nguyên), thời Hán (khoảng 202 năm trước Công nguyên đến 220 năm sau Công nguyên). Giống như Trung Quốc, Đại Việt vốn nổi tiếng về đồ ngọc. Cuộc trưng bày Cổ ngọc Việt Nam trong năm 2011 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho thấy đồ ngọc Việt Nam không thua kém với đồ ngọc của Trung Quốc.
Xã hội hóa bảo tàng đang là quốc sách của ngành di sản Trung Quốc. Ở Trung Quốc, bảo tàng tư nhân mọc lên như nấm. Nhiều cửa hàng cổ vật trước đây hoạt động kinh doanh, mua bán di sản, nay chuyển hướng làm ăn, xây dựng các bảo tàng, galery, gìn giữ, trưng bày cổ vật, làm cho kho tàng di sản được bảo tồn và phát huy tác dụng mạnh mẽ. Mặc dù di sản, cổ vật được coi là sở hữu tư nhân nhưng vẫn được công nhận là tài sản quốc gia, có giám sát, bảo hộ tốt của nhà nước.
Tại vùng Lưỡng Quảng, đến bảo tàng nhà nước hay tư nhân cũng dễ dàng nhìn thấy những bảo vật, những kiệt tác cổ vật, di sản. Ngày nay, các báu vật của đất nước được bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị. Nhiều cổ vật quý của Trung Quốc, do một thời nghèo khó, đã bị “ra đi” bằng nhiều con đường hợp pháp và bất hợp pháp, nay đang được săn lùng ở nước ngoài để “hồi hương” về cố quốc. Các bảo tàng, các doanh nghiệp Hoa kiều và Trung Hoa lục địa, các Hiệp hội di sản sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ nhân dân tệ để mua những cổ vật Trung Quốc bán đấu giá hay lưu giữ ở nước ngoài được trở về lại với nơi nó đã ra đi.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc