Multimedia Đọc Báo in

Để Âm nhạc Dak Lak ngày càng phát triển

06:38, 14/10/2012

Trong nhiều năm qua, các thành viên của Chi hội Âm nhạc (Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak) đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm, phản ánh hơi thở và nhịp điệu cuộc sống của vùng đất, con người nơi đây. Tính đến năm 2012, Chi hội Âm nhạc có 12 người là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam (hội chuyên ngành Trung ương), hoạt động ở hai mảng: đào tạo nghệ thuật và  sáng tác - đông nhất so với 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, đang là mối quan tâm “nóng” của những người sống với nghề của lĩnh vực này.

Có thể thấy rằng, việc bồi dưỡng thế hệ trẻ sáng tạo văn học, nghệ thuật là việc làm quan trọng và thường xuyên của mọi hội văn học – nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương. Từ hàng chục năm nay, Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak đã phối hợp các ban ngành tổ chức nhiều trại sáng tác văn thơ cho thiếu nhi, thậm chí là thiếu nhi người các dân tộc thiểu số, ươm gieo đội ngũ tác giả viết văn trẻ. Nhưng riêng với âm nhạc thì Hội chưa bao giờ có một lớp bồi dưỡng hoặc một trại sáng tác trẻ như thế, để có lực lượng  bổ sung cho đội ngũ sáng tạo âm nhạc trong tỉnh.

Các nhạc sĩ nhận hoa trong kỷ niệm ngày Âm nhạc VN 2012.
Các nhạc sĩ nhận hoa trong kỷ niệm ngày Âm nhạc VN 2012.

Nhìn lại Chi hội Âm nhạc, thế hệ trẻ nhất hiện nay là nhạc sĩ Y Phôn Ksor cũng đã ngấp nghé lứa tuổi U.50. Người cao niên nhất là nhạc sĩ Ama Nô, đã từ lâu “rửa tay gác kiếm” nhường sân chơi cho lớp hậu sinh. Những tác giả này đều trưởng thành từ phong trào nghệ thuật quần chúng, được bồi dưỡng nghiệp vụ trong một vài lớp bồi dưỡng sáng tác từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, do ngành Văn hóa tổ chức. Bước sang thế kỷ XXI, ngành Văn hóa chủ yếu tổ chức các trại sáng tác, nhằm có tác phẩm mới phục vụ các đợt hội diễn của Đoàn Ca Múa dân tộc tỉnh hoặc chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh là chính. Bên cạnh đó là những trại sáng tác tổng hợp, trong đó có âm nhạc, do Hội tổ chức, bổ sung tác phẩm cho hoạt động ca hát ở địa phương. Nhưng trách nhiệm trong việc bồi dưỡng đội ngũ sáng tác mới thì dường như chưa biết quy về ai? Đào tạo âm nhạc không dễ hơn viết văn, lại càng cần phải qua trường, lớp. Nhưng trước hết đều phải từ sự trưởng thành trong phong trào quần chúng, rồi được tập hợp lại và bồi dưỡng mới có.

Một thực tế thứ hai là: Tại Dak Lak, từ nhiều năm nay, Ban Chấp hành Hội đặt ra quy chế “chỉ kết nạp những người sáng tác và lý luận, không kết nạp các giáo viên âm nhạc”. Do vậy, một số giảng viên âm nhạc phải “lách” bằng cách lập hồ sơ xin vào ngành biểu diễn hoặc văn nghệ dân gian mới được kết nạp. Đây là một điều hết sức vô lý. Bởi tất cả các giáo viên đang hoạt động giảng dạy âm nhạc trong tỉnh đều đã tốt nghiệp các bậc trung cấp hoặc đại học ngành lý luận, biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp rồi mới được phân công làm công tác giảng dạy. Họ không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn góp phần tạo ra những thế hệ nhạc sĩ trẻ hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc chuyên và không chuyên trong toàn tỉnh, thậm chí là ngoài tỉnh. Đồng thời tạo thêm một nghịch lý là những giảng viên là hội viên Hội Nhạc sĩ Trung ương, nhưng lại không tham gia sinh hoạt nghề nghiệp ở hội địa phương.

Điều thứ ba: Vừa qua, sau rất nhiều năm, Chi hội Âm nhạc mới giới thiệu và có được 1 tác giả xin gia nhập Hội. Đây là một trong số hồ sơ của những người đã nhiều năm biểu diễn và chuyển biên cho biểu diễn ghi ta nhiều tác phẩm âm nhạc, đồng thời có sáng tác một số ca khúc, đã được Ban Chấp hành Chi hội (nghĩa là ngành chuyên môn), thẩm định về mặt chất lượng và giới thiệu. Nhưng công văn của Ban Chấp hành gửi Chi hội nêu rằng: “Theo quy chế có 10 tác phẩm đã được công chúng đón nhận, trình diễn tại các hội diễn cấp tỉnh trở lên hoặc đã được in ấn trên các tạp chí Trung ương và địa phương; hoặc có 3 tác phẩm âm nhạc đoạt giải thưởng cấp tỉnh trở lên ” mới được kết nạp. Nếu cứ căn cứ theo quy chế này, Chi hội Âm nhạc không bao giờ có thêm hội viên mới và nhất là tác giả trẻ. Bởi ngay những tác giả đã mấy chục năm trong nghề cũng chưa chắc có đủ 10 bài được phổ biến. Đơn giản vì ai hát, phổ biến ở đâu, in ở đâu khi Tạp chí của Hội không thể in liền 2 số bài của một tác giả! Có tác giả đã được đào tạo chính quy chuyên ngành sáng tác nhạc ở những trường có uy tín, cũng không có dịp phổ biến tác phẩm của mình (vì không xin được việc làm ở cơ quan nào).

Thiết nghĩ, để Âm nhạc địa phương ngày một phát triển có chất lượng, mong rằng Dak Lak được đăng cai Liên hoan Âm nhạc các tỉnh phía Nam thường niên, năm 2014 (như Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… đã từng); Hội phối hợp với ngành Văn hóa để 2 năm/lần tổ chức những lớp bồi dưỡng sáng tác, như bên văn học đã và đang làm, để bổ sung thế hệ trẻ nối tiếp; sửa đổi và bổ sung điều kiện để kết nạp vào chuyên ngành âm nhạc: nếu là giáo viên âm nhạc phải tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc và đang chính thức giảng dạy âm nhạc tại một trường học nào đó từ 3 năm trở lên; nếu là lý luận, phải có từ 2-3 bài được công bố trên báo hoặc tạp chí, nếu là sáng tác phải có 5-8 bài được giới chuyên môn thẩm định, trong đó có từ 3 bài được in trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.