Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo tranh cát Hồng Châu Sa

13:46, 27/10/2012

“Với người bình thường, cát chỉ là nguyên vật liệu để phục vụ cho việc xây dựng, nhưng với cánh nghệ sĩ như chúng tôi, đấy lại  là loại màu vẽ tuyệt vời” - Nghệ nhân tranh cát Trần Thị Thu ở Nha Trang đã chia sẻ với  tôi trong một lần gặp gỡ ở Tháp Bà Po Nagar.

Mặc dù đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng nghệ nhân Trần Thị Thu vẫn miệt mài lao động nghệ thuật tạo nên những bức tranh cát độc đáo. Tận dụng màu sắc tự nhiên phong phú như trắng, đỏ sậm, xám, vàng cộng với sự khéo léo, bà đã cho ra đời những bức tranh chân thực về phong cảnh, chân dung, con người trong lao động... Nhìn bà miệt mài, tỉ mỉ châm từng hạt cát, tôi cảm nhận được sự kỳ công, đầy sáng tạo và nghiêm túc của quá trình lao động nghệ thuật. Chính điều đó đã tạo nên những bất ngờ, thích thú cho người thưởng lãm.

Nghệ nhân Trịnh Thị Thu vẽ tranh tại Tháp Bà Ponagar.
Nghệ nhân Trịnh Thị Thu vẽ tranh tại Tháp Bà Ponagar.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, năm 1960 bà đã theo học chuyên ngành Gốm mỹ thuật của Trường Trung cấp Mỹ nghệ gốm Hà Nội (nay là Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Ra trường, chị về làm kỹ thuật viên tạo mẫu, trang trí sản phẩm tại Xí nghiệp gốm Cầu Đước, TP. Vinh (Nghệ An)... Sau đó, vì chiến tranh nên chị phải theo chồng sơ tán và chuyển qua làm việc ở ngành kinh tế không dính dáng gì đến… nghệ thuật tạo hình cho đến năm 1991 về hưu… Những ngày đầu nghỉ hưu chính lại là những tháng ngày bà bắt đầu tìm lại niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của mình. Bà bắt đầu vẽ tranh, từ chân dung của những người thương yêu bên cạnh bà đến phong cảnh thành phố biển Nha Trang, nơi bà gắn bó mấy chục năm qua. Cái duyên tranh cát đến với bà cũng rất tình cờ khi bắt gặp những hạt cát lung linh đầy màu sắc trong những chuyến đi của mình và bắt đầu thai nghén ý định tạo ra những tác phẩm tranh cát bằng chính chất liệu cát Khánh Hòa. Nghệ nhân Trần Thị Thu cho biết, bà sáng tạo ra dòng tranh nghệ thuật này một phần dựa trên những kiến thức bà học trong bốn năm ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội) và phần nữa là từ sự đam mê màu sắc tự nhiên tuyệt đẹp của cát. Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc bà sáng tạo nên cách làm tranh cát độc đáo, ấn tượng như hiện nay. “Cát khi được sưu tầm về, phải phơi khô, sàng lọc theo màu sắc và kích thước cho đến khi mịn và tinh khiết. Dụng cụ vẽ rất thô sơ, là một chiếc thìa bằng tre dài, mỏng dùng để xúc cát đổ vào khung, còn việc điều chỉnh màu cũng dùng một que tre được vót nhọn đầu. Người làm tranh cát không được cho phép mình sai, dẫu chỉ là một chi tiết, bởi chỉ cần đặt một hạt cát sai vị trí thì cả bức tranh xem như bị hỏng và phải làm lại từ đầu”, nghệ nhân Trần Thị Thu chia sẻ. Tỉ mẩn là vậy, độ chính xác cao đến từng hạt cát như vậy nên những ngày mới làm bà gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Thất bại là điều gần như tất yếu khiến nhiều lần bà định từ bỏ, nhưng rồi chính niềm đam mê thôi thúc, và bà luôn tự động viên bản thân “thành công sẽ đến nếu ta vượt qua được những thất bại, và nghệ thuật cần có những trải nghiệm của thất bại!” Vượt qua được điều đó đã đem lại cho bà thành công. Những cảnh đẹp của Nha Trang, cuộc sống lao động sản xuất của con người xứ biển, hồn Việt qua tranh dân gian Đông Hồ… tất cả được tái hiện qua màu sắc của cát và đôi bàn tày kỳ diệu của bà. Với màu sắc tự nhiên không pha nhuộm của 32 loại cát mà cả nhà bà dày công sưu tầm được tại bờ biển, ven đảo đến dọc các nhánh sông, suối tại Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đã tạo nên nét đẹp đặc thù cho tranh cát mang thương hiệu Hồng Châu Sa của bà, đó là gam màu ấm áp, dung dị và chắc chắn sẽ không bị phai theo thời gian hoặc phai màu ngay trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Tác phẩm tranh cát Hồng Châu Sa.
Tác phẩm tranh cát Hồng Châu Sa.

 Nhìn vào danh hiệu Bàn tay vàng mà nghệ nhân Trần Thị Thu đã đạt được cũng như việc khẳng định thương hiệu của Hồng Châu Sa qua nhiều cuộc triển lãm khắp cả nước, tôi hiểu sự nỗ lực không mệt mỏi, quá trình sáng tạo của bà đã được đền đáp xứng đáng.  Tranh cát của bà đã góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc cho phố biển Nha Trang cũng như  tạo ra một dòng tranh độc đáo cho nền hội họa Việt Nam.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.