Multimedia Đọc Báo in

Mưa Huế đã thành sản phẩm du lịch của Cố đô

16:20, 26/10/2012

Huế lâu nay được nhiều người biết đến, không chỉ là vùng đất “sơn kỳ thủy tú” của Sông Hương, Núi Ngự, của đền đài, lăng tẩm rêu phong cổ kính, mà còn nổi tiếng với “đặc sản” trời cho, đó là mưa. Sách Địa chí Thừa Thiên cho biết chế độ mưa của Thừa Thiên - Huế mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Nếu khí hậu cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên - Huế chỉ có hai mùa: mưa và ít mưa. Vì thế Huế là vùng có lượng và ngày mưa trong năm cao nhất cả nước từ (2.700-4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài  200-220 ngày.

Hoàng thành trong mưa.
Hoàng thành trong mưa.

Mưa Huế “thối đất, thối trời” đã trở thành nỗi niềm ám ảnh đối với người Huế và du khách thập phương mỗi khi có dịp đến cố đô. Chẳng thế mà hơn 70 năm trước, nhà thơ Nguyễn Bính trên bước đường phiêu dạt “Lăn lốc còn dư mười mấy tỉnh/ rồi về nằm mốc ở nơi đây” đã phải thốt lên “..Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày…”.  Còn đối với con người xứ Huế,  thì nỗi ám ảnh của mưa Huế đã ăn sâu vào trong máu thịt, như một phần của đời sống tinh thần. Nhà thơ Tố Hữu thì “…Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời  Thừa Thiên…”. Nhà thơ Phùng Quán trong “Trăng Hoàng Cung” phải thừa nhận “Ôi cái mưa khùng điên - Mưa không còn biết gì tới chừng mực!”, khiến: “Nắng thì bùn hóa đá - Mưa thì đá hóa bùn”. Đặc biệt, nhà thơ hoàng tộc Hải Bằng (Nguyễn Phước Vĩnh Tôn) thì có hẳn một tập thơ về mưa Huế với trên 200 bài tứ tuyệt. Có thể nói không ngoa rằng mưa Huế đã trở thành một nét văn hóa trên cả hai bình diện tích cực và tiêu cực trong đời sống kinh tế xã hội của người dân cố đô.

Để thích nghi với điều kiện thời tiết mưa dầm cố hữu như vậy, từ xưa, người dân Cố đô đã tạo cho mình một lối ứng xử đặc biệt thuận theo trời đất để chủ động hơn trong cuộc sống. Minh chứng rõ nhất là trong kiến trức xây dựng  nhà cửa, đền đài, lăng tẩm ở Huế. Công trình nào cũng có trường lang với mái che nối với nhau để che mưa mỗi khi di chuyển. Hoàng thành Huế không bao giờ ngập lụt là nhờ vào hệ thống ao hồ và sông đào nhân tạo nối liền nhau chằng chịt làm chức năng điều tiết thoát nước trong mùa mưa. Đến những gánh hàng rong của người phụ nữ Huế với những mái che di động trong mưa dầm vẫn đỏ lửa đến với mọi ngõ ngách phố phường. Huế là nơi có nhiều làng nón truyền thống nổi tiếng nhất cả nước, bởi nón cũng là vật dụng che mưa hữu hiệu của mỗi người khi ra đường…Chính lối ứng xử “sống chung với mưa” đặc biệt ấy,  đã tạo ra những nét thi vị đặc trưng trong cách sống của người dân cố đô mà đến nay nhiều người coi như đặc sản mưa Huế. Như, ẩm thực dưới mưa, ngắm mưa trên sông Hương, nghe mưa trong Hoàng thành... Thế nhưng lâu nay, du khách đến Huế gặp mùa mưa là chôn chân một chỗ chẳng khác gì thi sĩ Nguyễn Bính xưa nằm “mốc” ở cố đô. Nhằm khắc phục tình trạng này, ý tưởng biến mưa thành sản phẩm du lịch đã được các nhà quản lý và kinh doanh du lịch Huế manh nha từ lâu. Nhưng phải đến đầu năm 2011, sau hội thảo “Xây dựng thương hiệu cho du lịch Huế”, sản phẩm du lịch mưa Huế mới được đầu tư quan tâm xây dựng. Mở đầu là dự án xây dựng khu du lịch “Làng mưa” tại bãi bồi Lương Quán, xã Thủy Biều, TP. Huế), Dự án gồm các nhà sàn chống ngập nối kết với nhau bằng hệ thống trường lang, có nơi biểu diễn âm nhạc, thời trang, phòng thu thanh, dịch vụ du thuyền…với lối kiến trúc khai thác tối đa hiệu ứng của mưa, nghe mưa, xem mưa, chiếu sáng mưa…đây được coi là dự án du lịch “thiên tai” đầu tiên ở Miền Trung – Tây Nguyên. Đi cùng dự án Làng Mưa, các cấp ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cơ sở vật chất, cũng như các loại hình dịch vụ để sớm khai thác mưa thành sản phẩm du lịch.

Đến nay sau gần hai năm chuẩn bị , ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã chính thức đưa vào khai thác chương trình du lịch “Huế trong mưa” từ ngày 1-10-2012. Đến với Huế trong mưa du khách sẽ được thưởng thức các tour du lịch mang tính trải nghiệm như thăm thú cảnh quan Cố đô Huế vào những ngày mưa; ngắm mưa trên những con đường ký ức Huế, với không gian nghệ thuật sắp đặt, tổ chức các gian hàng có kiến trúc mái che trong suốt. Trưng bày và chào bán các sản phẩm cụ thể như quà lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề tập trung. Dạo chơi Huế qua mưa trên thuyền rồng, xích lô có mái che trong suốt.  Thưởng thức ẩm thực đặc trưng Huế trong mùa mưa, thưởng thức âm nhạc về mưa Huế trên sông Hương, trong Hoàng thành… Có thể nói, không gian mưa Huế sẽ là nơi  để du khách khám phá những gốc khuất bình lặng mà thẳm sâu của văn hóa Huế mà lâu nay chưa bộc lộ hết. Đây chính là nét độc đáo của tour du lịch “Huế trong mưa” mà du khách chờ đợi bấy lâu nay. Tuy nhiên để chương trình du lịch này trở thành một “thương hiệu” du lịch độc đáo ở Cố đô cần nhiều việc phải làm như, hoàn chỉnh đầu tư cơ sở vật chất, thuyền bè, điện nước, phương tiện cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa mưa. Hy vọng sự thành công của chương trình “Huế trong mưa” sẽ là bước đột phá trong việc xây dựng sản phẩm du lịch Huế, là nét đặc trưng độc đáo để níu chân du khách trong những mùa mưa dầm dề ở Cố đô.

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.