Multimedia Đọc Báo in

Tháp Yang Prông có nguy cơ biến thành... miếu thờ

08:22, 31/10/2012

Nằm cách trung tâm thị trấn Ea Súp 15 km về hướng Tây, tháp Yang Prông hay còn gọi là tháp Chàm Rừng Xanh (thôn 5, xã Ea Rốc) là ngọn tháp duy nhất ở Tây Nguyên không được xây dựng trên những ngọn đồi cao mà nằm dưới tán cổ thụ rừng già Ea Súp, bên bờ sông Ea H’leo. Năm 1991, tháp được công nhận là di tích kiến trúc quốc gia; từ đó đến nay việc quản lý, khai thác di tích hầu như bị lãng quên và nơi đây đang có nguy cơ trở thành nơi cúng bái, thờ phụng, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan.

Tháp Yang Prông được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13, thời kỳ phát triển thịnh vượng của người Chăm trên Tây Nguyên. Theo tiếng bản địa Tây Nguyên thì Yang là “thần”, Prông là “chức vụ cao nhất” vì vậy Yang Prông có nghĩa là “thần tối cao”. Việc xây dựng ngôi tháp này nhằm thể hiện tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm, đồng thời còn khẳng định sự có mặt của họ ở Tây Nguyên.

Được công nhận là di tích kiến trúc quốc gia, nhưng theo thời gian do tác động của thiên nhiên cũng như ý thức bảo vệ không tốt của con người đã làm cho tháp bị xuống cấp nghiên trọng. Từ năm 1995-1999 tỉnh Dak Lak đã tiến hành 3 lần trùng tu lại khu di tích, nhưng không mang lại nhiều hiệu quả, trái lại còn làm cho di tích không đúng với nguyên bản vốn có. Bên cạnh đó, việc quản lý và khai thác tháp về sinh hoạt văn hóa tâm linh hiện không được định hướng và tổ chức chặt chẽ dẫn đến tình trạng người dân ngang nhiên lập bàn thờ, cúng bái, giải hạn…

Tháp Yang Prông hiện nay.
Tháp Yang Prông hiện nay.

Việc sinh hoạt văn hóa tâm linh tại tháp bắt đầu từ khi tháp được công nhận là khu di tích kiến trúc quốc gia, sau đó xuất hiện nhiều lời đồn thổi về sự linh thiêng, và nhiều người dân đã tự ý lập các bàn thờ xung quanh cũng như bên trong tháp. Từ năm 1995, UBND huyện Ea Súp đã có văn bản bàn giao việc quản lý tháp cho xã Ea Rốc, nhưng do chưa có một văn bản cụ thể nào về quy chế bảo vệ cũng như chế độ chính sách đối với người trông coi, dẫn đến tình trạng hoang phế và truyền bá văn hóa tâm linh không đúng tại đây.

Ông Lê Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Rốc cho biết: Thời gian qua chính quyền địa phương rất lúng túng trong việc quản lý cũng như đưa ra những biện pháp cụ thể trước tình trạng trên, do không có bất cứ một căn cứ pháp lý quy định nào về việc sinh hoạt văn hóa tâm linh tại khu vực tháp. Từ ngoài tháp đi vào đến bên trong, hàng chục bàn thờ được đặt ngổn ngang, không theo bất cứ một quy luật nào. Xung quanh các hốc tường gạch, dưới thân các cây cổ thụ gần tháp đều có các bát hương hiện hữu. Vào những ngày rằm, mùng một Âm lịch hằng tháng, hàng trăm người lại kéo đến đây thắp hương cầu may, giải hạn… làm mất đi vẻ đẹp thuần túy vốn có của tháp. Trước tình hình lộn xộn, không có người quản lý dẫn đến tình trạng rác thải bừa bãi, gây mất vệ sinh khu vực quanh tháp, cùng với việc sinh hoạt văn hóa tâm linh không theo bất cứ một quy luật nào, Ban tự quản thôn 5 đã đứng ra nhận quản lý và trông coi khu di tích. Ban đầu việc trông coi do Hội Người cao tuổi đảm nhận và hướng dẫn du khách tới thăm quan, nhưng Hội lại tự ý lập hòm công đức và sử dụng tùy tiện số tiền công đức đã gây nên dư luận không tốt. Sau đó đến năm 2010, công việc này được Hội Cựu chiến binh trông coi, bảo vệ và giữ gìn vệ sinh chung...

Có thể thấy, hiện nay tuy tại tháp đã có Ban tự quản nhưng việc cúng bái, truyền bá văn hóa tín ngưỡng vẫn thường xuyên diễn ra và việc giải quyết các vấn đề xung quanh văn hóa tâm linh vẫn còn đang được các ban ngành chức năng bàn luận. Về vấn đề này, ông Thiều Lê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Súp nói: “Hiện chúng tôi chưa biết phải xử lý việc người dân lập bàn thờ, cúng bái xung quanh khu vực tháp như thế nào cho đúng và hiệu quả. Bởi vì chưa có bất cứ một văn bản quy định pháp lý cụ thể nào về vấn đề quản lý văn hóa tín ngưỡng của người dân…”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan, các ngành chức năng có thẩm quyền nên xem xét và đưa ra những hướng dẫn cụ thể để di tích tháp Yang Prông không bị biến tướng, trở thành nơi truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan gây mất trật tự an ninh khu vực di tích.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.