Từ miên man ký ức đến hiện thực sau hội diễn
“Ngày ra đi hướng biên cương có em tiễn đưa mà mắt lệ ướt. Về đi em, nếu yêu nhau, hãy yêu rộng hơn cả non nước cuộc đời... Nòng súng thép dán câu thơ, ý thơ thật hay là thơ Lý Thường Kiệt”… Câu chữ trong bài hát “Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối xoay xoáy vào từng chiếc ngăn ký ức, khiến người xem bồi hồi đến ứa nước mắt.
Không chỉ là sự tuyệt đẹp của lời ca, nhịp hành khúc hào hùng trùng trùng bước quân đi của giai điệu, mà còn cả hoài niệm dường như vẫn tươi nguyên trong tâm hồn các “nghệ sĩ” cao tuổi đang hát múa say sưa kia. Không chỉ các cụ, các bác, các anh chị, mà cả chính những người đang ngồi trên ghế giám khảo “Hội diễn nghệ thuật quần chúng người cao tuổi TP. Buôn Ma Thuột năm 2012” trái tim thật sự cũng đang thổn thức. Đặc biệt là thế hệ U.60 chúng tôi cũng đã từng bên nhau ca hát đến khan giọng, không mệt mỏi trong nhà hầm, trong những chiến hào, giao thông hào, dưới tán lá rừng vào những năm tháng “tiếng hát át tiếng bom” thuở ấy.
Ai trong họ là những cô gái mở đường năm xưa? |
Những ai trong số hơn 400 diễn viên đứng trên sân khấu kia, đã từng khoác lên mình bộ quân phục màu cỏ úa, đặt từng “bước chân trên dải Trường Sơn” với chiếc mũ tai bèo nhẹ tênh “đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân”; hay trong bộ bà ba với chiếc khăn rằn nâng niu “quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ, suốt đêm ngày ta bế trên tay”? Những ai đã từng cuốc xẻng trong những bàn tay mềm con gái khi “trăng đã về khuya sao đêm lấp lánh”, làm nên các “cua tay áo” giữa Trường Sơn đầy ánh lửa bom, hay những con đường hạnh phúc nơi đèo cao núi thẳm Tây Bắc cho “xe anh thẳng tới chiến hào” ? Mà cũng có thể họ chỉ là những người dân bình thường nơi phố thị thôi. Nhưng lớp lớp những thế hệ người cao tuổi ấy, như đang hát về chính mình rằng “tuổi thanh xuân mãi mãi dâng cho Người, Tổ quốc ơi. Giữ lấy Việt Nam của nhiều thế hệ, nước mắt mồ hôi cay đắng ngọt bùi…”. Để hôm nay, dẫu mái tóc đã mang màu mây bạc, làn hơi không đủ dài cho một nốt nhạc ngân, vẫn cất lên những khúc ca xưa với tất cả tình cảm sâu đậm, chân thật nhất. Những khúc ca lay động đến tận đáy sâu tâm hồn con người, để hiểu rằng giá trị của cuộc sống không tiếng bom đạn, không giặc ngoại xâm như hôm nay, là máu xương, nước mắt của hàng vạn gia đình và con người, đã từng quyết liệt rằng “giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom, quyết chiến đấu, cho mai sau, cho con cho cháu và cho khắp mọi miền…”.
Tôi ngồi đấy nhưng ký ức miên man trở lại với đêm nào trên đồi trăng bát ngát đầy hoa sim trong một cuộc gặp bất ngờ nơi hậu cứ. Đêm đại ngàn nào chiếc võng đung đưa giữa hai cây săng lẻ, lắng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, mơ về Hà Nội những mùa thu lá sấu vàng xạc xào đuổi nhau trên đường phố. Đêm nào xóc như “cua trong cối giã” trên những chiếc xe tải chạy theo lòng suối cạn, mà may mắn lắm văn công mới được ngồi nhờ. Hay nhịn đến đau cứng bụng không dám dừng giữa cuộc hành quân rượt theo bộ đội qua những cánh rừng ngã rạp vừa qua một trận bom… Nhớ cảm xúc hồi hộp của cô sinh viên trẻ lần đầu nơi chiến trường, mãi không kết được bài hát “Nổi lửa lên em” để bộ đội phải vỗ tay cùng hát theo… Ôi chao là những năm tháng không thể quên của cả một đất nước. Đấy, chính những lớp người muôn năm cũ ấy, hôm nay đang múa, đang hát rất đỗi… dễ thương và hồn nhiên, trong nỗi niềm rưng rưng của người xem – mà đa phần là cũng thuộc lứa tuổi như họ. Để rồi lại cười vui vẻ, sảng khoái với hình ảnh con, cháu, bạn già tặng hoa lẫn nhau, chụp hình cho nhau…
Ngày Quốc tế Người Cao tuổi đã trở thành kỷ niệm thường niên mỗi năm một lần, nhưng Hội diễn nghệ thuật Người Cao tuổi của TP. Buôn Ma Thuột thì hai năm mới được tổ chức một lần. Đó chính là nguyên nhân hằng tháng nay, những sớm mai, những hoàng hôn đi bộ, tôi đều được thấy những “ vũ công” miệt mài với quạt, với khăn, với nón; nghe tiếng nhạc, lời ca vọng ra từ những công viên, sân công sở, hội trường… Nghệ thuật không chỉ khiến cho con người gần gũi nhau hơn (như những xã phường có cả thôn buôn, điệu xoang Êđê, bè hát phụ họa có người Kinh, người dân tộc thiểu số cùng tham gia biểu diễn), mà còn giúp cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn. Thật mừng khi gặp lại những bạn đồng niên cùng ngành nghề năm xưa, tay múa còn dẻo mềm, câu hát còn vút cao. Cũng lại thật vui khi được thưởng thức những giọng ca không kém gì nghệ sĩ chuyên nghiệp trong cả những ca khúc thính phòng nhạc đỏ thuộc loại “khó nhằn”, lẫn làn hơi quan họ ngọt ngào, mê đắm.
Hội diễn nghệ thuật quần chúng người cao tuổi TP. Buôn Ma Thuột năm nay hơn hẳn về chất lượng nghệ thuật lẫn đông đảo về đội ngũ. Thế nên chúng tôi thật sự “sốc” khi 118 tiết mục (của 17 đơn vị, xã, phường) mà BTC chỉ được duyệt có 30 giải thưởng. Các cụ có cần lắm mấy trăm nghìn đồng kèm theo giải thưởng ấy đâu (khi tự mình mình bỏ tiền – có khi là con cháu cho - để may trang phục đi biểu diễn), nhưng niềm tự hào, nguồn vui, sự hãnh diện với cháu, con, bè bạn từ những tấm giấy khen, giải thưởng A, B, C…, thì mới là lớn hơn nhiều. Hy vọng những kỳ hội diễn sau, điều trăn trở này sẽ được những người tổ chức lưu tâm.
Dù sao thì Hội diễn cũng đã khép lại. Hai năm nữa, người cũ còn gặp lại bao nhiêu? Mong cho “của để dành” của mọi nhà, vẫn mãi mãi là chỗ dựa cho cuộc sống của cháu con; để rồi lại được gặp gỡ, được cùng nhau hát múa, sống lại với một thời tuổi trẻ đã xa, mà vui hơn, khỏe hơn để sống tiếp.
Linh Nga Niê Kdăm
Ý kiến bạn đọc