Multimedia Đọc Báo in

Thương tiếc nhạc sĩ Hoàng Hiệp

14:54, 11/01/2013

Tác giả của những ca khúc nổi tiếng, được nhiều người yêu thích và cũng là một trong những nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt hai, năm 2000 - nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã qua đời lúc 12 giờ 45 phút ngày 9-1 tại nhà riêng ở quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1-10-1931, tại An Giang. Ông  tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 8-1945 và làm công tác văn nghệ ở Nam Bộ, thuộc Đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà và bắt đầu hoạt động sáng tác từ năm 1948. Sau năm 1954, ông tập kết ra miền bắc. Với tài năng âm nhạc của mình, nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Hiệp sâu đậm tình cảm, nỗi niềm của một người con phương Nam nhớ về quê hương trong những tháng năm đất nước bị chia cắt. Ông đã cùng nhạc sĩ Đằng Giao sáng tác chung ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương năm 1957. Tuy là ca khúc khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của ông, nhưng tác phẩm   này đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng cả nước và trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Liên tục sau đó, từ năm 1955 đến năm 1975, ông đã sáng tác và phổ nhạc hơn 100 ca khúc, trong đó có nhiều bài hát tiêu biểu cho dòng âm nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, như: Cô gái vót chông (thơ Mlô Y Cla Vi hay Ama Luê), Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu), Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly), Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật)...

Giai đoạn sáng tác thứ hai của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là từ sau năm 1975 khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Ông trở về miền nam, công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội Âm nhạc thành phố. Có một thời gian ông làm Tổng Thư ký Hội Âm nhạc thành phố. Trong giai đoạn này, nhạc sĩ  tiếp tục có nhiều sáng tác với hàng trăm ca khúc  về tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu lứa đôi, đậm chất trữ tình, hướng con người đến những điều cao đẹp, trong đó những ca khúc nổi tiếng: Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Viếng Lăng Bác (thơ Viễn Phương), Chút thơ tình người lính biển (thơ Trần Đăng Khoa), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang), Trở về dòng sông tuổi thơ, Nơi anh gặp em (Bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng)...

Với khả năng cảm thụ và thẩm thấu thơ đặc biệt của mình cùng bút pháp sáng tác điêu luyện, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã chắp cánh cho những ý thơ bay bổng thành những giai điệu âm nhạc vừa phới phới lạc quan, vừa nồng nàn, say đắm, mang đậm âm hưởng dân ca dịu ngọt. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn để lại nhiều ấn tượng ở những ca khúc về các miền đất quê hương nơi ông từng gắn bó. Người nghe "nằm lòng" với Nhớ về Hà Nội của ông. Ca khúc không chỉ là tiếng lòng của mỗi người Hà Nội mà còn là tình cảm của nhân dân cả nước dành cho Thủ đô. Đó là tình yêu, là nỗi nhớ da diết, mộc mạc, chân thành của một người con phương nam và cả những ai đã từng sống, chiến đấu ở Thủ đô trong "một thời đạn bom" hào hùng ấy.

Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn sáng tác cho sân khấu, điện ảnh, tiêu biểu là các ca khúc và phần nhạc ở những vở diễn: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa và các bộ phim truyện, phim tài liệu như: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn...

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt hai cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. Là một nhạc sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ đi trước, nhưng nhạc sĩ Hoàng Hiệp sống chan hòa với anh em nghệ sĩ. Ông cũng là người sống có trách nhiệm, luôn luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và hết mình chỉ bảo, hướng dẫn cho các đồng nghiệp cùng các nghệ sĩ trẻ. Ông luôn được mọi người yêu mến, cảm phục và kính trọng.

(Theo Nhân dân Online


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.