Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc: Để “mạch nguồn” chảy mãi
Với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các nghệ nhân cồng chiêng, đàn tính, hát then trên địa bàn xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) từ nhiều năm nay luôn kiên trì hướng dẫn, luyện tập, truyền đạt cho con cháu.
Năm học 2012-2013, Trường THCS Cao Bá Quát (xã Cư M’gar) mỗi buổi chiều lại nhộn nhịp hơn bởi tiếng chiêng vang lên từ góc sân trường. Hơn 10 em học sinh khối 8 hồn nhiên, say sưa tập đánh chiêng dưới sự hướng dẫn của các già làng. Niềm vui ấy không của riêng thầy trò nhà trường mà những già làng, nghệ nhân nơi đây cũng khấp khởi mừng vì lớp trẻ đã đánh được chiêng, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ được lưu giữ. “Dạy cho bọn nhỏ biết đánh chiêng quả là điều không đơn giản, vì trước hết phải làm cho chúng đam mê, say chiêng, tức là phải thổi được hồn chiêng vào tâm hồn con người. Dù các em đánh chiêng chưa hay, chưa thật đúng, nhưng cũng đã góp phần duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình”, nghệ nhân Ama Duyên (buôn B’ling, xã Cư M’gar) chia sẻ.
Để các em đánh chiêng được thành thạo, những ngày đầu mới luyện tập, 6 nghệ nhân trong xã Cư M’gar mỗi tuần 3 buổi trực tiếp dạy, cầm tay mỗi em để chỉ từng nhịp đánh, chỉnh độ cao thấp, luyện đánh sao cho đều tay. Em Y’Thưa (học sinh lớp 8B) chia sẻ: “ở nhà em chỉ có bà nội biết đánh chiêng, em thì chưa bao giờ tập đánh nên lúc mới học hay bị lạc thanh, đánh không đồng đều với các bạn, nhưng bây giờ em đã đánh được mấy bài cơ bản và thấy mê tiếng chiêng rồi”. Có thể nói, việc thành lập đội chiêng của Trường THCS Cao Bá Quát là một phương pháp giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong giới trẻ, nhất là tầng lớp học sinh. Thầy Lê Văn Bảy, Hiệu trưởng Nhà trường tâm sự: “Với đặc thù có trên 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên nhà trường rất muốn tạo những sân chơi vừa thư giãn, bổ ích cho các em vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động các học sinh đã tham gia tập luyện, dần dần các em say mê và yêu thích đánh cồng chiêng... Điều này khiến những người già trong các buôn làng rất vui”.
Một buổi sinh hoạt CLB đàn tính hát then Quê Hương. |
Câu lạc bộ (CLB) đàn tính hát then Quê Hương xã Cư M’gar (thành lập từ năm 2008) không chỉ là món ăn tinh thần của bà con dân tộc Tày, Nùng nơi đây mà còn là nơi để lớp người đi trước truyền đạt giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. Cụ Hoàng Hiếu, nghệ nhân lớn tuổi nhất (75 tuổi) của CLB cho rằng, hát then mang tính truyền miệng nên dễ bị mai một, do đó việc truyền dạy cho lớp trẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc cần phải có những CLB hướng dẫn, truyền dạy cho các cháu. Sau 5 năm thành lập và phát triển, thành công nhất của CLB là đã truyền dạy cho nhiều em nhỏ và thanh niên (không những trên địa bàn xã mà còn các xã lân cận) biết hát then – đàn tính. Từ đó, khơi dậy lòng say mê ở tuổi trẻ, tiếp thêm sức sống cho một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày – Nùng, giúp những làn điệu then được bảo tồn, tiếp tục phát triển trong nhịp sống hiện đại”. Hiện nay CLB đàn tính hát then Quê Hương có hơn 40 thành viên, trong đó lực lượng đoàn viên, thanh niên chiếm khá đông. Nhiều em trước đây vốn không biết đàn, hát nhưng sau khi tham gia CLB đã trở thành những “nghệ sĩ” trong trường học như em Lê Thị Bảo Thoa (9 tuổi), Sầm Thị Kiều (17 tuổi). Em Kiều cho biết, sau những lần theo mẹ đến câu lạc bộ, được các cô, bác trong CLB chỉ dạy cách đàn cùng với một số điệu hát then nên vừa rồi em đã tự tin biểu diễn tiết mục đàn tính, hát then trong hội thi văn nghệ do trường (Trường THPT Lê Hữu Trác) tổ chức.
Với ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, không chỉ người già mà lớp trẻ ở xã Cư M’gar đã và đang tô thắm thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc