Multimedia Đọc Báo in

GloboBeats Đan Mạch: Nhịp điệu rộn rã và hoành tráng

14:38, 22/02/2013

Nhận lời mời của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch, được sự đồng ý của UBND hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông, từ ngày 25-1 đến 3-2, hai nhóm chiêng Knă của người Êđê ở buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) đại diện cho chiêng nhóm ngữ hệ Nam Đảo và chiêng Tôr của người M’nông ở bon Pi Nao (Dak R'lấp, tỉnh Dak Nông) đại diện cho chiêng nhóm ngữ hệ Môn – Khơ Me, đã tham gia Festival âm nhạc gõ Quốc tế tại Đan Mạch.


Đêm khai mạc GloboBeats đã diễn ra thành công ngoài sức tưởng tượng. Khán giả đa phần là những người hoạt động âm nhạc đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật tuyệt vời, hoành tráng từ những âm thanh của vài chục nhạc cụ gõ, bằng đủ mọi chất liệu: tre nứa, đồng, sắt, sỏi đá, gỗ, da, nhịp điệu của giọng người… Khi tiếng cồng cuối cùng của Giáo sư Gert Mortensten (giảng viên bộ gõ Viện Âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch, người có sáng kiến tổ chức Festival lần này) ngân vang, tất cả mọi người đều thể hiện sự vui mừng, phấn khích bởi sự thành công của chương trình.  

Có 10 quốc gia tham gia. Đan Mạch tất nhiên là đông nhất bởi đội ngũ sinh viên Nhạc viện Hoàng gia tham gia diễn tấu các nhạc cụ gõ. Tiếp đến là Việt Nam  với 17 người của hai đoàn đại diện cho cồng chiêng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đến từ Dak Lak và Dak Nông, sau đó là đoàn Zambabue với 10 nghệ sĩ, đoàn Myanma có 8 nghệ sĩ, Ấn Độ có 5 người, còn lại là Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapo có từ 1-3 người. Họ đều là nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ có đoàn Việt Nam là các nghệ nhân dân gian nguyên gốc.

5 phụ nữ  Ấn Độ dưới sự dẫn dắt của nữ nhạc trưởng Sukanya Ramgopal, trực tiếp vỗ 5 chiếc hũ gốm dày mỏng khác nhau, có âm thanh lanh tanh rất lạ tai, hòa âm cùng tiếng nỉ non của một cây đàn violon, một trống ponggo, chiếc đàn môi và một đàn gảy điểm nhịp, có đôi lúc bằng cả tiết tấu miệng của nhạc trưởng, hòa quyện vào nhau nhuần nhuyễn một cách tuyệt vời. Nhịp điệu của chị được khán giả thưởng thức ngay bằng những tiếng vỗ tay đối đáp rất đồng điệu.

Các bạn Myanma mang tới không chỉ hai dàn chiêng đồng kết cấu mỗi dàn 30 chiếc (một người chơi như dàn chiêng Campuchia hay Indo), bộ trống lớn nhỏ, mà còn có một bộ gõ gồm 23 chiếc ống quây trong một vòng tròn trang trí đầy chất cung đình. Cặp vũ công nam, nữ duyên dáng nhảy múa theo tiết tấu rộn ràng và giai điệu réo rắt của ba loại nhạc cụ gõ này kết hợp.

Hai nhóm của đoàn Việt Nam đại diện cho hai phong cách trình diễn tĩnh và động, tạo âm thanh bằng tay đấm và dùi gõ của cộng đồng chiêng hai dòng ngôn ngữ Nam Đảo và Nam Á. Dàn chiêng tre – sự sáng tạo độc đáo của riêng người Êđê (rất giống với cấu tạo của mọi loại Xylaphon) của nhóm Nhịp điệu Êđê và  Âm thanh Pi Nao với bài đồng la cùng phần múa giản dị mà dễ thương của hai cô gái M’nông trẻ đã thật sự chinh phục được khán giả chuyên nghiệp châu Âu bởi âm sắc cũng như tiết tấu độc đáo.

Khán giả cũng bị thu hút bởi sự thú vị với sự xuất hiện ồn ào của bộ gõ và điệu nhảy từ các nghệ sĩ Zimbabue. Trong nhịp điệu thôi thúc của dàn trống ponggo thô sơ (từ thân trống là những ống gỗ mộc sơn đen trắng, cho đến mặt da bịt chẳng lấy vẻ đẹp làm đầu), những bàn tay “phù thủy” ấy như đem lại châu Âu ngày đông giá cả một châu Phi cháy bỏng đang thức dậy và những con báo đen lanh lẹ quăng mình giữa rừng rậm.

 Trước phần trình diễn của mỗi quốc gia, tiếng nói của họ lại được cất lên thánh thót cùng với một lời chào bằng tiếng Đan Mạch hoặc tiếng Anh để  tự giới thiệu về mình.

 Phần hai là sự phối giữa âm sắc và tiết điệu các loại nhạc cụ gõ giữa các quốc gia. Mở  đầu là dàn sinh viên trẻ của Học viên Hoàng gia Đan Mạch, với những chiếc đàn Xylaphon, cồng, trống và cả những… hòn đá cuội cùng vũ đoàn bale hiện đại của Zimbabue. Họ thể hiện hết đẳng cấp chuyên nghiệp của mình lẫn sự đam mê của người nghệ sĩ - điêu luyện và dường như không biết mệt. Quá khứ thét gào, sức sống hiện đại hừng hực, cả những bất ổn của tâm linh con người đều hiển hiện một cách mãnh liệt trong từng đường nét, động tác của cơ thể các nghệ sĩ… là một màn phối hợp tuyệt vời giữa hai châu lục.

Ở phần hai Nhịp điệu Êđê phong phú hơn với chiêng ống, chiêng đồng và màn múa khiêl có sự trợ giúp của hai cô gái M’nông. Âm thanh Pi Nao làm khán giả bất ngờ bởi sự biến ảo của lối chơi không chỉ đấm bằng tay, mà còn gõ các khớp ngón một cách rất điệu nghệ. Một cao tuổi (Êđê), một hừng hực sức trẻ (M’nông), những nghệ nhân -  nông dân, chủ nhân của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đã kiêu hãnh làm tròn nhiệm vụ của mình bên cạnh các nghệ sĩ chuyên nghiệp, để chứng tỏ với bè bạn rằng: chúng tôi không chỉ gìn giữ, mà còn kế thừa và phát huy di sản của văn hóa truyền thống.

Nhịp điệu nhạc cụ gõ Êđê trong Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch.
Nhịp điệu nhạc cụ gõ Êđê trong Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch.

Sự phối hợp giữa nhạc gõ Ấn Độ và Myanma cho dẫu khác nhau giữa  tính cung đình và dân giã, nhưng vẫn diễn ra một cách tuyệt vời, cùng với nhịp điệu của chiêng tre Êđê. Sự đối đáp và hòa quyện càng làm nổi bật đặc tính của hai không gian âm nhạc. Và rồi lại cùng mở rộng tấm lòng với âm điệu Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi người nghệ sĩ một mình với chiếc tamboranh đưa khán giả mê man đến với một đất nước đầy những sự bí ẩn tưởng chừng như cô đơn.

Các cô gái Trung Quốc với tiếng sáo u ẩn của nữ nghệ sĩ Nhật Bản Kuki Day dường như biến nhạc cụ gõ thành một tin ngưỡng vô cùng thành kính. Từ những hòn sỏi nhỏ, chiếc mõ, chuông đồng điểm nhịp cầu kinh trong chùa, các bộ trống zar đủ kích cỡ. Họ cho thấy đẳng cấp chuyên nghiệp đến từng động tác và âm sắc.
Cuối cùng là giọng ca trong vắt như tiếng chim của cô gái Singapo với bài hát về nhịp điệu kết nối trái tim con người.

Không căng thẳng, không quá ồn ào, vẫn có những phút giây lắng đọng hay thư giãn để đi đến hồi kết là sự xuất hiện của con rồng Việt Nam (theo giáo sư Gert Mortensten là vì sắp đến tết Nguyên đán của châu Á), trong nhịp điệu lễ hội rộn rã và thôi thúc của dàn trống các sinh viên Trung Quốc.

Cờ 10 quốc gia trên tay các nghệ sĩ tràn ra sân khấu và tiếng chiêng kết thúc của Giáo sư Gert Mortensten đã khép lại chương trình biểu diễn. Ấn tượng về GloboBeats Đan Mạch với những nhịp điệu rộn rã và hoành tráng có lẽ sẽ còn đọng lại mãi trong lòng mỗi người.

Linh Nga Niê Kdăm

 


Ý kiến bạn đọc