Multimedia Đọc Báo in

Người “giữ hồn dân tộc”

08:33, 01/02/2013

Trong một lần về công tác tại huyện Krông Pak, chúng tôi được người dân kể khá nhiều câu chuyện về một nghệ nhân dù đã qua 94 mùa Xuân nhưng vẫn nặng lòng và luôn đau đáu nghĩ về sự tồn tại của nghệ thuật hát then, đàn tính trong tương lai. Đó là nghệ nhân Nông Thị Lím (dân tộc Nùng ở thôn Thạch Lũ, xã Ea Yông, huyện Krông Pak), được người dân nơi đây gọi bằng biệt danh thân quen là “người giữ hồn dân tộc” bởi gần cả cuộc đời bà dành thời gian, công sức cho việc truyền lại niềm đam mê tiếng đàn tính, điệu then cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Nông Thị Lím biểu diễn một làn điệu then cổ.
Nghệ nhân Nông Thị Lím biểu diễn một làn điệu then cổ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bà kể khá nhiều về những làn điệu then cổ. Vừa giới thiệu về những làn điệu then của dân tộc Nùng, bà vừa đàn, vừa hát cho chúng tôi nghe. Giọng hát mượt mà, trầm ấm những làn điệu then cổ hòa với âm thanh thánh thót của cây đàn tính làm say đắm lòng người. Bà Lím cho biết, sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn nên từ thuở nhỏ bà đã được “tắm mát” trong những giai điệu then mượt mà, truyền cảm, vì rất thích những làn điệu then cổ nên mỗi khi các cụ trong làng biểu diễn bà thường lén nghe và hát theo. Những câu hát ru của mẹ, của bà, tiếng then đàn tính dập dìu trong mỗi dịp lễ hội... đã ăn sâu vào tâm hồn, cộng với năng khiếu thiên bẩm nên bước vào tuổi 14, 15 bà sớm tiếp xúc với những làn điệu then cổ và học đánh đàn tính. Yêu tiếng đàn tính và giai điệu then nên sau khi di cư vào Dak Lak lập nghiệp bà vẫn gìn giữ nét văn hóa độc đáo đó của dân tộc mình. Nặng lòng với văn hóa truyền thống nên khi thấy hát then đang ngày càng bị mai một, nhất là thế hệ trẻ không mấy quan tâm, bà đã bàn với mọi người trong thôn tìm cách truyền lại “nghề” cho thế hệ trẻ. Được bà con ủng hộ và giao trọng trách “giữ hồn dân tộc”,  bà đã tự mở lớp dạy hát then miễn phí cho các cháu nhỏ trong thôn, xã. Ban đầu lớp học chỉ có hơn 10 cháu, giờ nhiều người đã tự tìm đến xin cho con em mình theo học. Ngày ngày bà miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, giảng dạy cho những cháu nhỏ về cái hay và cái đẹp của hát then, đàn tính. Không những vậy, bà còn tìm đến các nghệ nhân có tiếng ở quê hương Lạng Sơn để sưu tầm và ghi chép lại những làn điệu then cổ. Đến nay, thôn Thạch Lũ đã có 40 người biết đánh đàn tính, hát then trong đó có 6 người con của bà; 2 lớp dạy đàn tính cho 30 cháu thiếu nhi có năng khiếu và đam mê hát then, đàn tính.

 Với những đóng góp trong việc lưu giữ và bảo tồn những làn điệu then, bà được mời đi biểu diễn ở các tỉnh phía bắc. Mỗi chuyến đi, bà lại có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và sưu tầm thêm các làn điệu mới, làm phong phú thêm bộ sưu tập các làn điệu then của mình. Cụ Lím tâm sự: “Đối với dân tộc Tày, Nùng, hát then, đàn tính như một phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc văn hóa. Trong những lễ hội, các ngày trọng đại của làng, bản đều có những làn điệu then, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cho bản làng yên bình, cho lứa đôi hạnh phúc. Tiếng đàn tính, điệu then làm người nghe trút đi bao mệt nhọc, tiếp thêm niềm vui trong cuộc sống…”.

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nghệ nhân Nông Thị Lím vẫn nặng lòng với nghề, luôn đau đáu lo lắng cho tương lai của câu hát then. Trước thềm xuân mới, chúc bà có sức khỏe để truyền lại ngọn lửa đam mê của mình tới thế hệ trẻ, để tiếng đàn tính và câu then vang mãi trên vùng đất này.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.