Tết quê nhà
Quê tôi ở miền Trung, thiên nhiên khắc nghiệt, người dân quanh năm tảo tần mà vẫn không thoát được cái nghèo. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy, tôi cảm nhận được nỗi vất vả của người dân nơi làng quê. Bởi vậy, ký ức về tết quê thời thơ ấu trong tôi vẫn còn in hằn những dấu ấn về sự chật vật, thiếu thốn. Đến bây giờ tôi vẫn không quên kỷ niệm về cái tết “không có áo mới”. Năm đó, tôi còn là đứa trẻ lên năm, trước phiên chợ cuối năm, cha hứa mua cho ba anh em mỗi đứa một chiếc áo mới để mặc tết. Thế nhưng chuyến đi ấy, cha bị té xe, mấy sọt trứng vỡ hết (cha làm nghề bán trứng gà), phải về không. Về nhà, mấy anh em tôi đòi áo, cha không nói gì mà chỉ ôm ba đứa con nhỏ vào lòng, mắt ông đỏ hoe…
Lớn lên một chút, tôi theo mẹ đi chợ Tất niên. Phiên chợ cuối năm hàng hóa vẫn nhiều, những người bán hàng cũng mong bán cho mau hết hàng để kịp về làm mâm Tất niên cúng ông bà tổ tiên. Mẹ mua những thứ thực phẩm còn thiếu cho mấy ngày tết và không quên chọn một cành đào về cắm. Thấy giá 20.000 đồng/cành, tôi chê đắt và bị mẹ mắng: “Cái thằng ông cụ non, để người ta có lời với chứ!”. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu được hai từ: chia sẻ. Bởi, suy cho cùng, cái gì cũng phân bì thiệt hơn thì cuộc sống đâu còn tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ.
Bây giờ, nhớ tết quê là tôi lại nhớ những người dân lam lũ, chất phác, những người hàng xóm nặng nghĩa vẹn tình. Đó là các ông, các bà thấy đứa cháu xa quê về tết liền vồn vã hỏi thăm: “Dạo ni mi gầy và đen như người Tây Nguyên á”, hay chị nhà bên chọc “Vẫn một mình, người yêu mô rồi?”. Đó cũng là những ngày đầu năm thanh niên trai gái tập trung đi hết nhà này đến nhà khác chúc tết, đến nhà cuối cùng thì đứa nào cũng… say!
Và hơn tất cả, nhớ tết quê nhà là nhớ đến sự ấm áp bên gia đình. Đó là hình ảnh mẹ đứng trước bàn thờ ông bà tổ tiên cầu khấn những điều tốt lành cho con cái. Là đôi bàn tay cha chai sạn vì vất vả tỉ mỉ gói những chiếc bánh chưng xinh xắn trước ngày Tất niên mà vẫn không quên để giành gạo nếp gói thêm cho 3 đứa con mỗi đứa một cái bánh nhỏ như hồi trẻ con, dù bây giờ đứa nào cũng đã lớn. Là cô em gái lâu ngày thủ thỉ với anh: “Có anh này thích em, anh thấy có được không?” Và lại nhớ cái món canh chua thơm và cay nồng do mẹ nấu, nhớ khung cảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày 30 tết…
Vẫn không hiểu vì sao ra trường và đi làm đã mấy năm rồi mà cảm giác háo hức chờ đến tết vẫn như hồi còn là một đứa trẻ. Tết này, có lẽ tôi lại tạm biệt phố phường nhộn nhịp để về với yên bình ngày tết nơi quê nhà!
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc