Tìm hiểu về lễ khai Ấn Đền Trần
Hằng năm cứ vào đêm 14 rạng 15 Rằm tháng Giêng, hàng vạn người dân và du khách từ khắp nơi đổ về Đền Trần (Nam Định) dự lễ khai Ấn và xin Ấn Đền Trần, thậm chí đã xảy ra cảnh xô đẩy, chen lấn mất trật tự. Vậy Ấn Đền Trần là gì mà người dân khao khát đến vậy?
Ấn tín là hiện vật tượng trưng cho uy quyền của hoàng đế, là vật dùng để đóng vào các loại văn bản được sử dụng trong nhà nước phong kiến. Ấn được chia làm nhiều loại khác nhau và có công dụng khác nhau.
Thông thường các loại ấn do nhà nước quy định rõ ràng theo thứ tự từ trên xuống dưới, ấn của hoàng đế đứng đầu rồi đến các bá quan văn võ.
Trong lễ hội Đền Trần mà chúng tôi có dịp tiếp cận, các ấn được phát ra là “Trần miếu tự điển”. Theo nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang lúc sinh thời nói rõ có hai loại lễ khai ấn: Một là khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” của nhà vua dùng cho các quan trước và sau kỳ nghỉ tết hằng năm từ 26 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng; hai là khai ấn “Trần miếu tự điển” nghĩa là ấn điển thờ ở miếu nhà Trần vào Rằm tháng Giêng hằng năm dành cho nhân dân đi lễ đầu năm xin tờ điệp có dấu “Trần miếu tự điển” đem về treo ở nhà trừ tà ma, cầu bình an khỏe mạnh, mọi việc như ý. Một thời gian dài Nam Định đã dùng ấn “Trần miếu tự điển” trong lễ khai ấn Đền Trần. Về ý nghĩa của ấn “Sắc mệnh chi bảo”: ấn này của nhà vua dùng để đóng vào các cáo mệnh hoặc chiếu văn phong tặng cho hoàng thân quốc thích hay công thần. Còn ấn “Trần miếu tự điển” có ý nghĩa là điển lệ cúng tế trong miếu thờ nhà Trần.
Màn múa Sư tử trong lễ khai án (Ảnh: T.L) |
Các ấn bản của ấn Đền Trần năm 2010 và năm 2011 có sự khác nhau. Các bản ấn năm 2010 chính giữa có bốn chữ “Trần miếu tự điển”, nghĩa là: “Điển lễ tế tự ở miếu Trần”, viền phía dưới khắc bốn chữ “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “Ban phúc vô bờ”. Tuy nhiên, chữ “cương” (trong “Tích phúc vô cương”), phần bên phải khắc thiếu hẳn một nét “nhất”, phần bên trái khắc thiếu hẳn bộ “thổ”. Cho nên “Tích phúc vô cương” (nghĩa là “ban phúc vô bờ”) thành “tích phúc vô cường” (nghĩa là “ban phúc không mạnh!”). Bản ấn năm 2011 đã có đủ nét “Tích phúc vô cương” ở viền, nhưng những nét đậm lại bị mảnh và ngắn lại
Ông Nguyễn Văn Bảo (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho biết: “Năm 1822 vua Minh Mạng mới cho khắc lại ấn mới và mang dòng chữ “Trần triều điển cố” và thêm chữ “Tích đức vô cương”. Từ đó hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, từ 23 giờ ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 là diễn ra lễ khai ấn. Đây là một tập tục văn hóa có ý nghĩa nhân văn, vừa tri ân tiên tổ vừa nhắc nhở nhau chấm dứt các hoạt động vui chơi để chuẩn bị bắt tay vào công việc mới với những luồng sinh khí mới”.
Như vậy, ban ấn “Trần miếu tự điển” với dòng chữ ở viền dưới “Tích đức vô cương” là có ý nghĩa ban phước lộc ra cho toàn thể nhân dân cùng hưởng. Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông xã tắc.
Hiện nay, việc khai ấn và xin ấn đang bị biến tướng khi hàng vạn người đổ xô nhau tranh cướp, mua bán làm giả ấn… khiến cho một nghi lễ đẹp đang dần mất đi để lại rất nhiều tai tiếng cho ấn Đền Trần. Thiết nghĩ, việc xin ấn, ban ấn cốt ở sự tri ân với tiền nhân những mong những điều tốt đẹp với mọi người. Còn như đem ấn ra để mua bán tranh giành lại là một hình ảnh chưa đẹp như mong muốn của lễ khai ấn.
Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc