Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn điệu Then quê hương

09:07, 04/03/2013

Dù xa quê hương, lập nghiệp trên vùng đất mới nhưng bà con các dân tộc Tày – Nùng ở thôn Thạch Lũ (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) vẫn giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Thường mỗi dịp lễ, tết hay hội hè, những làn điệu Then ngọt ngào, hòa quyện trong tiếng đàn tính trầm bổng ngân vang trên vùng đất này.

Thôn Thạch Lũ được thành lập từ năm 1987, gồm đồng bào Tày - Nùng từ các tỉnh phía bắc vào lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng đất mới, người dân nơi đây hay mang cây đàn tính ra cùng nhau ngân nga đôi ba làn điệu Then cho nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Gần đây khi đời sống vật chất được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần dần được người dân và chính quyền địa phương quan tâm, Ban Tự quản thôn Thạch Lũ có các giải pháp tích cực để bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của quê hương. Năm 2000, đội văn nghệ quần chúng được thành lập, từ vài thành viên ban đầu đến nay đã có hơn 40 người biết đàn tính, hát Then. Mỗi tối tại nhà văn hóa cộng đồng thôn lại rộn ràng lời ca, tiếng hát, tiếng cười nói của bà con. Ông Tô Mạnh Hà, Trưởng thôn phấn khởi cho biết: “Tiếng đàn tính, hát Then giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng với những người dân nơi đây, giai điệu của hát Then mênh mang, chứa đựng nỗi lòng người hát làm cho con người có thêm niềm tin yêu cuộc sống, xua tan những mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả”.
Đội hát Then đàn tính thôn Thạch Lũ trong một lần lưu diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Đội hát Then đàn tính thôn Thạch Lũ trong một lần lưu diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Về thôn Thạch Lũ, chúng tôi may mắn được gặp những nghệ nhân tâm huyết với việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật đàn tính, hát Then. Nghệ nhân Nông Thị Lím dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” (94 tuổi), song tiếng hát vẫn còn chinh phục được nhiều người yêu thích môn nghệ thuật này, vẫn nhiệt tình truyền dạy những làn điệu Then cổ, những điệu múa uyển chuyển cho lớp trẻ. Cụ Lím tâm sự: “Thế hệ trẻ hiện nay không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống vì vậy cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm khơi niềm đam mê, giúp các em thấy được cái hay, cái đẹp của những câu hát, điệu múa, qua đó góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc”. Nghệ nhân Luân Văn Slẩn khá khéo léo trong việc chế tác các kiểu đàn tính, đánh đàn, hát Then rất hay. Tuy không trải qua bất kỳ một trường lớp nghệ thuật nào nhưng ông luôn biết lắng nghe, chịu khó tìm tòi, học hỏi những người lớn tuổi trong xóm, trong làng từ những ngày ở quê. Vì vậy, khi vào sinh sống trên mảnh đất mới, những lúc nông nhàn ông lại tỉ mẩn chế tác các loại đàn để phục vụ đội hát Then trong thôn, xã. Từ những quả bầu “vô hồn” nhưng qua đôi bàn tay của ông đã trở thành những chiếc đàn giàu âm sắc. Nhiều người trong và ngoài tỉnh đã đến tận nhà ông để đặt hàng cho các đội văn nghệ chuyên nghiệp. Kể chuyện nghề, ông Luân Văn Slẩn cho biết, mỗi chiếc đàn phải làm đến 6-7 ngày mới hoàn thành. Việc chỉnh lỗ cho bầu đàn, dây đàn phải đúng chủng loại, kích cỡ và phải thật chuẩn cho cả 3 dây, với âm điệu riêng. Hay mỏ đàn làm theo yêu cầu của khách hàng, có thể là chạm rồng hay hoa văn cổ thì thời gian khác nhau hoàn toàn. Theo ông, gỗ dùng để làm cần đàn phải lấy ở rừng lúc còn tươi, là loại gỗ không vênh, tránh những phần có đốt. Cây đàn tính đạt được chuẩn mực hay không, yêu cầu sự phù hợp hài hòa của toàn bộ các bộ phận…

Chia tay Thạch Lũ trong một buổi chiều mùa xuân nắng vàng rực rỡ, những làn điệu Then mượt mà, trữ tình còn lưu luyến mãi khiến chúng tôi thầm nhủ sẽ trở lại trong một ngày không xa.

 Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc